Gia Lai: “Đòn bẩy” giúp đẩy mạnh việc tuyển sinh ở vùng khó
(Dân trí) - Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các học sinh “vùng khó” đã mạnh dạn đăng ký tham gia tuyển sinh năm 2020. Từ đây đã gieo nên hy vọng làm thay đổi nhận thức của bà con dân tộc thiểu số.
Đầu tháng 6/2020, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có quyết định việc sáp nhập các trường Trung cấp Y tế Gia Lai, trường Trung cấp Văn hóa - Nghệ thuật Gia Lai, trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Nam Gia Lai, trường Kinh tế - Kỹ thuật Đông Gia Lai vào trường Cao đẳng nghề Gia Lai và thành trường Cao đẳng Gia Lai. Chính việc làm kịp thời này đã tạo ra một “đòn bẩy” trong công tác dạy và học, đặc biệt là việc tuyển sinh năm 2020.
Với những thuận lợi đó, trường Cao đẳng Gia Lai đã mạnh dạn thực hiện nhiều giải pháp nhằm huy động các hàng ngàn em học sinh là người đồng bào dân tộc thiểu số khắp bản làng xa xôi nhất của tỉnh về học nghề và học văn hóa, tuyển sinh trung cấp, cao đẳng…
Sau khi sáp nhập, trường Cao đẳng Gia Lai đã chính thức thông báo tuyển sinh với 37 mã ngành với chỉ tiêu tuyển là 1.025 sinh viên. Chỉ mới hơn 1 tháng tuyển sinh nhưng số lượng hồ sơ nộp đăng ký đã tăng vọt đến hơn 1.200 hồ sơ.
Trao đổi với PV, thầy Phạm Văn Điều - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Gia Lai cho biết: “Để có những thành công bước đầu trên, ngay từ đầu nhà trường đã xác định trọng tâm là đào tạo những học sinh đang sinh sống tại địa phương thành nguồn nhân lực có trình độ, kỹ năng nghề cao, nhằm phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Chính vì vậy, nhà trường đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền các cấp để tuyên truyền, vận động, phân luồng và định hướng nghề cho từng học sinh ở các cấp học”.
“Nhà trường có đến hơn 60% học viên là người đồng bào dân tộc thiểu số. Việc đưa các em vào môi trường học tập, học nghề như một “cuộc cách mạng” nhằm thay đổi nhận thức, phương hướng học tập của các em.
Đồng thời, đây cũng là một “tuyên truyền viên” về giúp những thế hệ sau tiếp nối và giúp phát triển kinh tế ở buôn làng mà các em sinh sống”, thầy Điều cho biết thêm.
Để vượt qua thời kỳ khó khăn, khắc phục từng yếu điểm của mỗi trường trước khi sáp nhập, trường Cao đẳng Gia Lai đã mạnh dạn thay đổi trong công tác tuyển sinh.
Theo đó, các học viên có thể lựa chọn học thêm bổ túc văn hóa hoặc chỉ học riêng lĩnh vực nghề. Nếu chọn học nghề và bổ túc văn hóa, học viên tốt nghiệp ra trường sẽ có chứng chỉ nghề và bằng tốt nghiệp bổ túc văn hóa, đủ điều kiện để học liên thông lên cao đẳng, đại học...
Đồng thời, xây dựng một môi trường học thoải mái, tăng cường rất nhiều hoạt động ngoại khóa, thể thao hấp dẫn nhằm giữ học sinh đồng bào dân tộc thiểu số kiên trì trên hành trình nuôi dưỡng ước mơ của mình.
Cùng với đó, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phù hợp với nhu cầu thị trường lao động. Thường xuyên liên kết với các công ty, doanh nghiệp để cho sinh viên được hòa mình vào môi trường làm việc. Qua đó, xóa bỏ những tập quán, lối sống lạc hậu của nhiều học sinh đồng bào thiểu số.
Nhờ việc sáp nhập kịp thời, trường Cao đẳng Gia Lai đã giải quyết được những vấn đề nóng như tuyển sinh, trang thiết bị dạy học, cơ sở hạ tầng… Những khu ký túc xá, phòng học xây dựng hàng tỷ đồng nằm “đắp chiếu” nay đã được nhà trường sửa chữa và chia học sinh, sinh viên ở điểm chính ra học tại các cơ sở phụ. Đồng thời, đầu tư nhiều trang thiết bị dạy học, khu phức hợp đa năng giúp cho các sinh viên phát triển toàn diện.