Hà Tĩnh:

Gặp thủ khoa nghèo 12 năm tự học ở nhà

(Dân trí) - "Em chưa bao giờ đi học thêm bởi điều kiện gia đình không cho phép. Hàng ngày, em cố gắng tiếp thu bài giảng ngay trên lớp, chỗ nào chưa hiểu, ra chơi em hỏi thêm bạn và thầy cô bộ môn" - chia sẻ của em Nguyễn Sỹ Đạt, thủ khoa khối A1 Trường ĐH Vinh với số điểm 27,5 (đã làm tròn).

Thủ khoa chưa một lần đi học thêm

Với phương pháp học tập hiệu quả và nỗ lực phấn đấu, kỳ thi đại học vừa qua, Nguyễn Sỹ Đạt (học sinh lớp 12A1, Trường THPT Lý Tự Trọng, Hà Tĩnh) đã đỗ thủ khoa khối A1 Trường ĐH Vinh với số điểm 27,25 khi dự thi ngành Kỹ thuật Điện - Điện tử.

Đến xóm Chi Lưu (xã Thạch Kênh, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) hỏi thăm gia đình em Nguyễn Sỹ Đạt, bà con hàng xóm không khỏi xuýt xoa, khâm phục. “Nhà thì nghèo mà đứa mô cũng học giỏi lắm”.

Đạt là con trai út trong gia đình có 4 anh chị em. Chị gái đầu đã tốt nghiệp khoa Sư phạm tiếng Anh Trường ĐH Hà Tĩnh, anh trai thứ hai là sinh viên năm cuối Trường ĐH Y Huế; anh trai thứ ba là sinh viên năm thứ 2 khoa Xây dựng Trường ĐH Vinh.

Tiếp bước các anh chị, Đạt luôn phấn đấu đạt kết quả tốt trong học tập. 12 năm liền, Đạt luôn là học sinh giỏi, học sinh tiên tiến của trường. Năm lớp 8, Đạt giành giải Khuyến khích giải toán qua mạng internet; lớp 11 và 12 liên tiếp đạt giải Khuyến khích và giải Ba môn Vật lí cấp tỉnh. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014, Đạt giành 36 điểm cho 4 môn thi (Toán 10, Lý 10, Anh 9,5, Văn 6,5).

Thủ khoa Nguyễn Sỹ Đạt (
Thủ khoa Nguyễn Sỹ Đạt (bên phải ngoài cùng) và gia đình.

Ngoài thời gian học trên lớp, ở nhà Đạt tranh thủ thời gian để ôn luyện. Chàng thủ khoa tiết lộ: “Mỗi môn học em có phương pháp học riêng. Về môn Toán: đây là một học mà kiển thức trải rộng trong nhiều lớp. Vì vậy phải cố gắng năm kiến thức căn bản. Ngay trong hè lớp 11 thì em đã cố gắng tự ôn luyện để nắm các kiến thức chủ đạo. Còn lớp 12 thì em ôn luyện lại và tập trung làm đề thi. Về môn Lí, thường thi trắc nghiệm, theo em cần tìm ra các giải nào ngắn nhất, đỡ rườm rà. Trong quá trình ôn luyện giải đề, em cố gắng làm theo nhiều cách để tìm cách giải tối ưu cho mỗi dạng đề. Với mỗi bài tập, em luôn tìm ra nhiều cách giải. Riêng môn Tiếng Anh, em chăm chỉ học và làm bài tập để bồi đắp từ mới và các cấu trúc ngữ pháp. Nhà không có máy tính để ôn luyện nhiều nên thỉnh thoảng em mới ra quán Internet để tìm thêm một số đề mới.”

Đạt cũng cho biết cô giáo chủ nhiệm Phạm Thị Tường Liên và thầy giáo dạy Vật lí là người thường xuyên động viên và giúp đỡ em nhiều trong học tập.

Nhà nghèo nuôi 4 con đậu đại học

Nhà thuộc hộ cận nghèo của xã, chi phí học hành cho 4 chị em Đạt phụ thuộc vào 8 sào ruộng, 2 con trâu và vườn rau của gia đình. Để có tiền cho con ăn học, bố mẹ em phải quanh năm quần quật bán mặt cho đất bán lưng cho trời.  Dù nghèo khó, ông Nguyễn Sỹ Tâm - bố Đạt luôn suy nghĩ: “Gia đình có thể nghèo tiền, nghèo của, nhưng quyết không nghèo chí”. Vợ chồng ông luôn động viên các con quyết tâm phấn đấu chăm ngoan, học giỏi để sau này có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Hàng ngày, mỗi sáng, bà Nguyễn Thị Hạnh - mẹ Đạt cũng dậy sớm để hái ra ra chợ bán. Chợ gần thì cách nhà khoảng vài ba cây  số nhưng có hôm chợ không họp bà lại cọc cạch chiếc xe đạp hơn 10km để bán mấy mớ rau.

Năm 2011, bà Hạnh bị u bướu phải mổ, sức khỏe ngày càng yếu, nhưng hàng ngày vẫn đạp xe hàng chục cây số bán rau. Vất vả cõng thêm nhiều gánh nặng chi phí, nhưng chưa bao giờ bố mẹ Đạt nghĩ đến cảnh để các con nghỉ học.

Hiểu được nỗi vất vả của bố mẹ, 4 chị em Đạt luôn bảo ban nhau chăm chỉ học hành và lao động phụ giúp bố mẹ việc đồng áng. Không phụ sự kỳ vọng của gia đình và mọi người, cả 4 người con đều ngoan ngoãn và học hành giỏi giang, luôn đạt học sinh tiên tiến, học sinh giỏi các cấp và đứng trong tốp đầu của các trường theo học. Ngoài công việc học, tranh thủ dịp nghỉ hè, mấy chị em lại bảo ban nhau tìm việc làm thêm để trang trải chi phí học tập đỡ đần bố mẹ.

Năm lớp 12, nhiều bạn cùng trang lứa đi học thêm nhiều nơi thì Đạt vừa ôn luyện tại nhà vừa phụ giúp gia đình. Mỗi khi học bài xong, Đạt giúp bố mẹ chăm sóc bà nội ngoài 90 tuổi bị tai biến đã gần 20 năm. Xong việc, em lại đưa rau ra chợ cho mẹ bán. Bận rộn luôn tay, nhưng nhiều năm qua Đạt luôn là học sinh khá, giỏi của lớp.

Đạt hái rau ra chợ giúp mẹ.
Đạt hái rau ra chợ giúp mẹ.

Nói về cậu học trò của mình, cô Phạm Thị Tường Liên - giáo viên chủ nhiệm tự hào:  “Đạt là một học sinh khá đặc biệt của lớp. Nhà nghèo nhưng em rất có nghị lực trong cuộc sống và học tập. Kết quả của em là thành quá xứng đáng với những gì Đạt đã cố gắng”.

Chia sẻ về niềm vui của mình, Đạt có chút lo lắng: “Em sẽ lấy kết quả của kỳ thi năm nay để nộp hồ sơ vào trường Đại học Hà Tĩnh. Do ĐH Hà Tĩnh không tổ chức thi tuyển. Ngành em học có liên kết đào tạo nhân lực cho khu kinh tế Vũng Áng. Vừa học gần nhà bớt chi phí, nhưng đồng thời em nghĩ sau khi ra trường em cũng sẽ sớm tìm được một công việc để giúp đỡ bố mẹ”.
 
Phương Hồ

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm