Gặp học trò nghèo với bài văn lạ gây xúc động cộng đồng mạng

(Dân trí) - Bài văn lạ của cậu học trò nghèo Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam được đăng trên báo Dân trí đã làm rung động bao trái tim bạn đọc. Nhưng, điều bất ngờ hơn nữa khi cậu học trò nghèo này có tấm lòng rất quảng đại, luôn làm việc thiện.

Chúng tôi đến nhà Nguyễn Trung Hiếu vào chiều qua 6/11 nhưng chờ mãi đến 7h tối mới gặp được, bởi em tham gia CLB tình nguyện đóng đồ tiếp tế cho “Chương trình thắp sáng bản em” ở huyện Mường Tè (Lai Châu) cả ngày.

Cám cảnh thay khi nhìn bề ngoài ngôi nhà 2 tầng khang trang nằm trong khu phố Vĩnh Phúc (quận Ba Đình, Hà Nội), nhiều người sẽ nghĩ rằng gia đình đó thuộc loại khá giả. Nhưng, những người trong căn nhà đó đều sống lay lắt, bệnh tật và không còn khả năng lao động để kiếm sống và thuộc vào hộ nghèo của phường. Niềm hy vọng nhất trong ngôi nhà đó là cậu học trò nghèo Nguyễn Trung Hiếu.
 

Bà nội Đỗ Thị Lạp của Hiếu năm nay 73 tuổi, nhỏ thó và gầy yếu đang cố gắng đưa người chồng bệnh tật 90 tuổi từ dưới đất lên giường, nếu không có sự hỗ trợ của chúng tôi thì khó lòng bà đưa nổi.

Tâm sự về hoàn cảnh gia đình, bà Lạp nghẹn ngào: “Hôm nay Hiếu đi tình nguyện cả ngày, mẹ nó cũng đi vắng nên một mình tôi hơi vất vả. Tôi cố gắng sống và chăm sóc ông ấy vì mức lương hơn 3 triệu/tháng quân đội về hưu cùng đồng lương ít ỏi hơn 1,4 triệu/ tháng của tôi là chỗ dựa cho cả gia đình Hiếu. Mỗi lần mẹ Hiếu chạy thận, tôi lo lắm vì mẹ cháu đã có lần suýt chết trong lúc đang chạy”.
 
Gặp học trò nghèo với bài văn lạ gây xúc động cộng đồng mạng - 1
Ông bà nội của Nguyễn Trung Hiếu.

Theo bà Lạp, bố Hiếu bị viêm tai giữa biến chứng não từ khi 3 tuổi nên rất chậm chạp và không ổn định về tinh thần, không thể làm thêm được việc gì. Mẹ của Hiếu - chị Nguyễn Thị Hạnh thì sức khỏe yếu ngay từ lúc còn trẻ nên sinh Hiếu chỉ được 2,1 kg. Sau khi chị sinh con, sức khỏe ngày càng giảm sút và chị đến bệnh viện phát hiện bị suy thận độ 4 và phải chạy thận tuần 3 lần.

Ngày đầu chưa có bảo hiểm nên việc chạy thận rất tốn kém, bố mẹ bên gia đình nội ngoại đã dồn hết số tiền tiết kiệm để duy trì sự sống cho chị nên tài sản cũng đã khánh kiệt. Cách đây 4 năm, bố chồng chị lại ngã bệnh và nằm liệt giường, gánh nặng lại tiếp tục đè nặng lên gia đình vốn nghèo và bệnh tật.

“Nghèo thì nghèo rồi nhưng tôi quyết tâm giữ ngôi nhà này vì đây là món quà cuối cùng của chúng tôi để lại cho cháu đích tôn duy nhất của gia đình” - bà Lạp nghẹn ngào nói.

Ở chung cùng ông bà nội nhưng gia đình Hiếu lại ăn riêng. Mỗi tháng ông bà nội chu cấp cho gia đình hơn 1 triệu nên việc ăn thịt và cá hàng tuần rất hiếm khi có trong bữa ăn của Hiếu bởi còn dành tiền chữa trị bệnh tật cho mẹ em.

Sống trong hoàn cảnh như vậy nhưng suốt những năm học tiểu học và THCS, Hiếu luôn là học sinh giỏi của trường. Thi vào cấp ba, Hiếu đã đỗ cả 2 trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam và THPT Chu Văn An. Do sợ học trường Ams phải đóng nhiều tiền, gia đình đã bắt Hiếu học ở trường Chu Văn An. Hiếu đã nài nỉ gia đình cho học tại trường Ams và đã nhịn ăn gần 1 tuần để mong bà và mẹ chấp thuận cho ước nguyện của mình.

May mắn thay, ngay đầu năm nhập học, biết được hoàn cảnh gia đình Hiếu, thầy giáo chủ nhiệm năm lớp 10 Bùi Văn Phúc đã kiến nghị lên nhà trường miễn giảm các khoản đóng góp cho em. Để tiết kiệm, hàng ngày tới trường Hiếu mang theo âu cơm nhỏ với muối vừng để ăn bữa trưa.

Mẹ Hiếu gầy gò với gương mặt xanh xao, sau nhiều năm chạy thận chỉ còn 35 kg, tâm sự: “Gia đình tôi sống hoàn toàn phụ thuộc vào đồng lương của ông bà nội. Hàng tháng, gia đình có thêm trợ cấp 250.000 đ/tháng của phường theo chế độ hộ nghèo. Thương mẹ, Hiếu nhiều lần xin phép tôi cho đi làm thêm nhưng tôi không muốn để cháu tập trung vào học tập. Tiết kiệm, Hiếu chỉ ăn cơm muối vừng và nhiều lần lén tôi nhịn ăn sáng nên nó gầy lắm. Bị mẹ mắng, Hiếu bảo với tôi: phải ăn dè mẹ ạ, phải tiết kiệm thì bữa sau mới có. Khi Hiếu học lớp 3, tôi chạy thận trong bệnh viện, Hiếu đã kêu gào bác sĩ cứu mẹ cháu với. Hiếu là động lực cuối cùng để tôi cố gắng sống, làm chỗ dựa động viên cho con học tập”.

Sau bài Văn Hiếu viết, cô giáo dạy văn Đặng Nguyệt Anh đã không cầm nổi nước mắt vì không nghĩ Hiếu lại khó khăn đến như vậy. Cô và các bạn học sinh trong lớp đã làm ruốc để giúp đỡ Hiếu trong bữa ăn hàng ngày. Đồng thời cô đã kiến nghị Hội đồng trường cùng quyên góp hỗ trợ Hiếu.
 
Gặp học trò nghèo với bài văn lạ gây xúc động cộng đồng mạng - 2
Cậu học trò Nguyễn Trung Hiếu.

Mặc dù hoàn cảnh như vậy nhưng Hiếu vẫn lạc quan và tham gia nhiều chương trình tình nguyện như “Chương trình Thắp sáng bản em”, “Nhịp đập mùa thu”... giúp đỡ trẻ em nghèo lang thang cơ nhỡ, trẻ em là nạn nhân của chất độc màu da cam, dioxin, nhặt rác tình nguyện…

Hiếu tâm sự: “Khi cô giáo ra đề đề văn nghị luận Nêu quan điểm của anh (chị) về vai trò của đồng tiền trong cuộc sống”, em viết những gì luôn thường trực, ám ảnh trong đầu em. Em đã từng nghĩ đến việc bỏ học để đi làm thêm nhưng em lại nghĩ phải có kiến thức thì mới làm được việc. Có buổi tình nguyện, chúng em chỉ ăn bánh quy và uống nước để tranh thủ làm việc nhưng em thấy rất thú vị và em yêu thích công việc này vì nó rất cần thiết. Tuy nghèo nhưng em còn may mắn hơn rất nhiều người, nhiều em bé bất hạnh khác vì em còn bố mẹ, ông bà”.

“Chính việc làm từ thiện được gần với những người nghèo khó miếng ăn cũng không có, em thấy cuộc sống nhiều khi quá bất công và tăm tối nên bắt buộc em phải hành động và hành động. Em phải sống, phải cố gắng học tập, phải chấp nhận cuộc sống để giúp đỡ gia đình và những người có hoàn cảnh nghèo khó hơn mình” - Hiếu quả quyết.

Ước mơ của Hiếu là theo học ngành có ứng dụng thực tế và điều đó thôi thúc em học tập để đi du học và đó là cách để em đạt được ước nguyện của mình.

Cao 1m7 mà chỉ nặng 43 kg, Hiếu gầy và xanh nhưng nghị lực sống của em luôn mãnh liệt và luôn hy vọng vào cuộc sống có nhiều điều tốt đẹp và luôn giúp đỡ người khác.

Tâm sự với chúng tôi, cô Đào Phương Thảo - cô giáo chủ nhiệm lớp của Hiếu cho biết: “Hoàn cảnh của em Hiếu rất đáng thương, nghèo, trong gia đình không còn ai có sức lực để lao động. Tuy vậy, nhưng Hiếu rất chăm ngoan, học giỏi và giàu ý chí. Chúng tôi giúp đỡ em cũng rất tế nhị vì sợ ảnh hưởng tới tâm lý của em. Tôi luôn căn dặn các em học sinh, lớp là nhà, bạn bè là anh em nên cần giúp đỡ nhau nên Hiếu cũng không bị mặc cảm ở lớp”.

Hồng Hạnh