Hội nghị Ban Chấp hành TƯ Hội Khuyến học Việt Nam:

Gần 700 tỷ đồng ủng hộ phong trào khuyến học năm 2012

(Dân trí) - Hôm nay 10/1, tại Hà Nội, Hội Khuyến học Việt Nam tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành TƯ đánh giá hoạt động công tác khuyến học năm 2012 và phương hướng công tác năm 2013. Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, ông Nguyễn Mạnh Cầm chủ trì hội nghị.

Vụ mùa khuyến học bội thu

Về công tác khuyến học năm 2012, GS.TS Phạm Tất Dong khẳng định: “Công tác khuyến học năm 2012 có thể coi là một vụ mùa khuyến học bội thu với số hội viên tăng gần 1 triệu người, số chi hội và Ban Khuyến học tăng thêm trên 30%. Số gia đình hiếu học tăng hơn 1 triệu so với năm 2011. Đặc biệt, các tổ chức hội đã vận động được gần 700 tỷ đồng từ nhân dân, từ các doanh nghiệp và các cá nhân cũng như một số các tổ chức quốc tế cho phong trào khuyến học. Lần đầu tiên sau 16 năm hoạt động, số dư trong Quỹ khuyến học đã lên tới gần 400 tỷ đồng, sau khi các khoản chi vào làm học bổng, phần thưởng cho học sinh và sinh viên, hỗ trợ các thầy cô giáo đã tăng 1,5 lần so với năm 2011”.

GS Dong cho biết, có được những thành công trên là do Hội Khuyến học đã thể hiện được vai trò nòng cốt của mình trong các cuộc vận động nhân dân học tập và xây dựng xã hội học tập. TƯ Đảng, Chính phủ, Đảng bộ, chính quyền địa phương và đông đảo nhân dân đã công nhận Hội Khuyến học là một trong những hội hoạt động tích cực và có nền nếp nhất. Nhờ vậy, Hội đã có uy tín và vị thế trong xã hội. Bên cạnh đó, Hội đã thể hiện được vai trò của một tổ chức xã hội có tính chất đặc thù, hoạt động trong phạm vi cả nước.

Mặc dù đạt được những thành tích đáng nể nhưng theo GS Phạm Tất Dong, công tác hội vẫn một số điểm yếu cần khắc phục như hoạt động văn phòng ở nhiều địa phương còn lúng túng, công tác khen thưởng chưa đạt yêu cầu. Việc xây dựng xã hội học tập được xem như là trọng tâm của nhiệm vụ chính trị mà Hội được TƯ Đảng trao cho nhưng khi triển khai những công tác cụ thể, đề xuất những vấn đề quan trọng thì tiếng nói của hội chưa đồng bộ với tiếng nói của ngành hoặc của cơ quan nghiên cứu giáo dục.

Tại hội nghị, vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là việc triển khai các thủ tục thực hiện việc công nhận Hội đặc thù là Quyết định số 68/QĐ-TTg, Quyết định số 30/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ. Lãnh đạo Hội cho biết, trong quá trình thực hiện 2 quyết định trên các cấp hội còn gặp những khó khăn do cách hiểu Quyết định 68 QĐ-TTg ở một số địa phương chưa thống nhất nên việc UBND ra quyết định xác nhận các cấp Hội Khuyến học của địa phương có tính chất đặc thù còn chậm. Đến nay 25 tỉnh, thành Hội đã được UBND địa phương công nhận Hội có tính chất đặc thù đủ 3 cấp; 19 tỉnh, thành mới được công nhận đến 2 cấp, số còn lại mới được công nhận đến cấp tỉnh. Quyết định 30/QĐ - TTg, đến nay cũng chỉcó 25 tỉnh, thành được UBND địa phương thực hiện chế độ với cán bộ hưu ở cả 3 cấp, những tỉnh còn lại chỉ có Chủ tịch Hội mới có phụ cấp công tác với hệ số thấp.

Nguyên nhân những bất cập đó, theo GS Phạm Tất Dong nơi nào có cấp ủy, chính quyền nhận thức đúng ý nghĩa vai trò tầm quan trọng của công tác khuyến học, khuyến tài thì ở đó phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập phát triển sâu, rộng, bền vững. Nơi nào có lãnh đạo Hội tâm huyết, có uy tín và làm tham mưu tốt, phong trào khuyến học, khuyến tài đóng góp hiệu quả thì ở đó cấp ủy và chính quyền quan tâm và đáp ứng đúng yêu cầu.
Hội Khuyến học Việt Nam tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành Trưng ương hôm nay 10/1, tại Hà Nội
Hội Khuyến học Việt Nam tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành Trưng ương hôm nay 10/1, tại Hà Nội.

Năm 2013: Đẩy mạnh nghiên cứu kế hoạch triển khai xây dựng Xã hội học tập

Trong năm 2013, Ban chấp hành TƯ Hội Khuyến học Việt Nam đề ra 3 phương hướng công tác. Theo đó, yêu cầu các tỉnh, thành Hội đẩy mạnh công tác nghiên cứu kế hoạch triển khai xây dựng xã hội học tập, căn cứ vào các kết luận của Đề tài do TƯ Hội chủ trì, phù hợp với điều kiện của địa phương, kết hợp với việc góp ý kiến xây dựng bộ tiêu chí cần đạt để được công nhận là xã hội học tập. Các cấp hội tích cực góp ý kiến vào Đề án “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục - đào tạo. Phủ kín và thúc đẩy hoạt động thường xuyên của Trung tâm học tập cộng đồng trên địa bàn và đổi mới nội dung học tập tại các trung tâm theo hướng đào tạo lực lượng lao động có kỹ năng phục vụ sự nghiệp CNH- HĐH; chú trọng đặc biệt đến việc dạy nghề cho người lao động nhằm mục tiêu đào tạo nhân lực chất lượng cao cho từng địa phương.
 
Ông Nguyễn Mạnh Cầm - Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
Ông Nguyễn Mạnh Cầm - Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
 
Về đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng mô hình xã hội học tập trong phạm vi cả nước, Chủ tịch Nguyễn Mạnh Cầm nhấn mạnh: “Ở những địa phương có điều kiện, tỉnh, thành Hội đặt vấn đề với cấp ủy và chính quyền cho đề tài nghiên cứu, thông qua đó thử nghiệm các tiêu chí xây dựng xã hội học tập và các chỉ tiêu phát triển các mô hình học tập cũng như các mô hình khuyến học, khuyến học phù hợp với địa phương mình. TƯ Hội lập Ban nghiên cứu Bộ tiêu chí xây dựng xã hội học tập và chuẩn đánh giá việc thực hiện Bộ tiêu chí theo sự phân công của Ban chỉ đạo quốc gia xây dựng xã hội học tập. Ngoài ra, các cấp Hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên hệ thống truyền thông, báo chí, mạng Internet về học tập suốt đời, về mô hình học tập như thôn bản học tập, xã, phương học tập, xứ đạo học tập. Tổ chức Đại hội toàn quốc biểu dương các gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học, cộng đồng khuyến học, đồng thời tôn vinh các doanh nghiệp, cá nhân và tổ chức đã có những đóng góp lớn cho phong trào khuyến học, khuyến tài”.
 

Theo báo cáo của Hội Khuyến học Việt Nam, địa phương có số dư Quỹ Khuyến học lớn nhất là tỉnh Thanh Hóa (90 tỷ đồng), tiếp đến là Ninh Bình 44,3 tỷ đồng; Hà Nội 39 tỷ đồng; Vĩnh Long 33,5 tỷ đồng; Nam Định 15,2 tỷ đồng; Hải Dương 14,5 tỷ đồng...

Đến cuối tháng 12/2012, cả nước đã xây dựng và phát triển Trung tâm Học tập cộng đồng lên tới 10.817 trung tâm; số gia đình hiếu học trong năm 2012 tăng 30,62% là 5.045.662. Số Dòng họ hiếu học tăng so với năm trước tăng hơn 10 nghìn người, nâng tổng số dòng họ hiếu học đạt 46.904. TPHCM là địa phương có số lượng dòng họ lớn nhất với 156.367.

Hồng Hạnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm