Đắk Lắk:

Thầy giáo 85 tuổi vẫn đam mê công tác khuyến học

(Dân trí) -Dù đã 85 tuổi nhưng dường như ông Trần Kim Ngọc không mệt mỏi trên hành trình khuyến học gần 30 năm qua. Khi gặp chúng tôi, ông Phó Chủ tịch thường trực Hội Khuyến học phường Tự An (TP Buôn Ma Thuột) say sưa nói về công tác khuyến học, khuyến tài tại địa phương.

Ở phường Tự An, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, khi nhắc đến tên thầy giáo Ngọc làm khuyến học, ai cũng biết. Ông Trần Kim Ngọc, quê gốc ở tỉnh Thừa Thiên - Huế, là cựu học sinh tú tài Pháp - Trường Khải Định - Huế (1940 - 1945). Tốt nghiệp tú tài, năm 1946 - 1953 ông theo gia đình ra Nghệ An, Thanh Hóa dạy học tại Liên khu IV cũ (Thanh Nghệ Tĩnh) cho các trường trung học. Từ 1955 - 1963, ông quay lại Huế dạy ngoại ngữ Pháp cho các trường trung học phổ thông. Đầu thập niên 70 của thế kỷ trước, khi gia đình chuyển lên Đắk Lắk sinh sống, anh thanh niên Trần Kim Ngọc lại theo gia đình chuyển lên Tây Nguyên tiếp tục công việc dạy Pháp văn cho một số trường trung học trên địa bàn thành phố Buôn Mê Thuột. Năm 1983 nghỉ hưu, ông Ngọc tham gia công tác khuyến học.

Thầy giáo
Thầy giáo Trần Kim Ngọc (phường Tự An, TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) dù 85 tuổi vẫn tham gia công tác khuyến học với đầy nhiệt huyết.

Hiện nay ông đang làm cộng tác viên dịch thuật tiếng Pháp cho phòng công chứng - Sở Tư pháp Đắk Lắk, cộng tác viên thường xuyên cho nhật báo tiếng Pháp Le Courrier Du Vietnam tại Hà Nội (thuộc TTXVN). Ở tuổi 85, ông hiện là Phó Chủ tịch thường trực Hội Khuyến học phường Tự An, kiêm Phó giám đốc Trung tâm Học tập cộng đồng (HTCĐ) với bao nhiệt huyết, ý tưởng táo bạo không hề thua kém thế hệ trẻ.
 

Ông Hà Ngọc Đào - Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Đắk Lắk cho biết: “Ông Trần Kim Ngọc là một thầy giáo về hưu năm nay 85 tuổi nhưng hết sức nhiệt tình và đầy trách nhiệm đối với thế hệ trẻ. Làm việc hết sức hiệu quả, lăn lộn đi đây đi đó, lăn lộn với phong trào, lăn lộn với khối phố, kêu gọi mọi người tham gia gia đình khuyến học, tham gia Trung tâm HTCĐ nên phong trào khuyến học tại phường Tự An rất mạnh”.

Còn ông Nguyễn Hữu Sơn - Chủ tịch UBND phường Tự An, TP. Buôn Ma Thuột chia sẻ: “Thành tích của thầy Ngọc kể dài lắm! Thầy là người có tâm huyết với phong trào khuyến học, tham mưu cho UBND phường về công tác khuyến học, các chuyên đề bám sát thực tiễn địa phương, mời các ban ngành chuyên môn về giảng dạy đem lại hiệu quả tích cực”.

Nghe ông Ngọc trò chuyện về công tác khuyến học tại địa phương thì hầu như không có một góc cạnh nào trong cộng đồng, những vấn đề nổi cộm ở lứa tuổi học sinh (HS), sinh viên (SV) nơi ông sống đều có trong “chuyên đề khuyến học” mà ông cùng các đồng nghiệp tham mưu cho UBND phường Tự An triển khai tại Trung tâm HTCĐ. Theo thầy Ngọc, đã có ít nhất 30 chuyên đề khác nhau đã được triển khai trong những năm qua gồm các lĩnh vực: giáo dục, sức khỏe, giao thông, pháp luật, kỹ năng sống, văn hóa - xã hội thu hút hàng ngàn người tại địa phương tham dự. Trung bình mỗi quý Trung tâm HTCĐ phường Tự An thường triển khai 2 chuyên đề liên quan đến các vấn đề đang “nổi lên” trên địa bàn để phục vụ nhu cầu thiết thực của học viên, HS, SV, người dân.
Thầy Ngọc cho biết, người đứng lớp cho các chuyên đề tại Trung tâm HTCĐ phường Tự An là các giảng viên thỉnh giảng của các trường ĐH, các chuyên gia đầu ngành có chuyên môn. “Đối với các chuyên đề bạo lực học đường, liên quan đến HS, SV, chúng tôi mời đại diện của Sở GD-ĐT, phòng GD-ĐT thành phố; về người cao tuổi, sức khỏe mời lãnh đạo Sở Y tế… Tài liệu tại lớp chuyên đề đều do giảng viên biên soạn bám sát nội dung chuyên đề đã được UBND phường thông qua”, thầy Ngọc bộc bạch. Thầy cho biết thêm, đối với chuyên đề bạo lực học đường thường được tổ chức tại các trường trung học đóng trên địa bàn phường, khi đó đối tượng tham dự không chỉ bó hẹp là HS trên địa bàn phường mà có cả HS từ các phường khác của toàn thành phố Buôn Ma Thuột.
 
Đối với ông, mỗi chuyên đề khép lại là niềm vui khôn nguôi, vì theo ông đó là một việc làm đầy ý nghĩa cho cộng đồng. Cho nên dù đã 85 tuổi, ông vẫn miệt mài trên hành trình khuyến học khi giữ chức Phó Chủ tịch thường trực Hội Khuyến học phường Tự An trong 3 nhiệm kỳ liên tiếp (2001 - 2015). Kể từ năm 2004, ông được đề bạt phó giám đốc Trung tâm HTCĐ. Tại phường Tự An nơi thầy Ngọc đóng góp công sức của mình cho công tác khuyến học, toàn phường Tự An có 664 gia đình hiếu học tính đến tháng 9/2012, trong đó có 4 gia đình hiếu học tiêu biểu; tổng số hội viên khuyến học toàn phường là 1.366 hội viên. Trung tâm HTCĐ phường Tự An được UBND tỉnh Đắk Lắk, Sở GD-ĐT tỉnh này đề cử đọc tham luận về mô hình Trung tâm HTCĐ tại lễ khai mạc “Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời”, đầu tháng 10 vừa qua.
 
Trước những đóng góp không biết mệt mỏi, thầy Trần Kim Ngọc được Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam tặng nhiều bằng khen vì có nhiều thành tích xuất sắc trong phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Ngoài ra, thầy còn được trao nhiều giấy khen, bằng khen của UBND tỉnh Đắk Lắk, UBND TP Buôn Ma Thuột.

Một trong những nhiều Bằng khen của Trung ương Hội khuyến học Việt
Một trong số nhiều Bằng khen của Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam tặng thầy giáo Trần Kim Ngọc.

Khi được hỏi về ý tưởng cho các chuyên đề, thầy Ngọc tâm sự: “Các chuyên đề ra đời là để đáp ứng nhu cầu thực tiễn xã hội trên địa bàn phường. Lấy điển hình ngay tại địa phương để mở các chuyên đề như nâng cao kiến thức, kỹ năng cho học viên lớn tuổi; chuyên đề bạo lực học đường, kỹ năng sống cho HS, SV trên địa bàn nếu có biểu hiện lệch lạc. Ở đó các học viên, HS, SV, người dân phát biểu ý kiến, giảng viên sẽ giải đáp thắc mắc, đưa ra cách giải quyết vấn đề ngay tại lớp”.

Khi được hỏi về lý do gắn bó với công tác khuyến học dù tuổi đã cao, thầy Ngọc nói: “Tôi chỉ muốn làm một việc có ích cho đời, cho cộng đồng nơi mình sống. Đem vốn kinh nghiệm sống truyền lại cho thế hệ trẻ, làm gương cho con cháu. Ngoài ra, tham gia khuyến học bản thân còn được học hỏi nhiều cái hay, cái tốt, không ngừng nâng cao kiến thức, vốn sống chứ không phải cái gì mình cũng biết. Tôi còn khỏe đến ngày nào chắc chắn sẽ làm khuyến học đến ngày đó”.
 
Được biết, thầy Ngọc có đến 10 người con, gồm 4 con trai, 6 con gái. Có 14 cháu nội, 16 cháu ngoại, 3 chắt nội, 4 chắt ngoại. Hiện các con ông đã thành đạt, nhiều người có học hàm, học vị cao.

Một điều mà có lẽ ít người biết, đó là người thầy giáo già ấy lại có một tâm hồn thi sỹ sâu sắc. Ngoài thời gian một tuần 3 buổi đến Trung tâm HTCĐ, tham gia các chuyên đề, huy động các nguồn hỗ trợ cho công tác khuyến học địa phương, những lúc rảnh rỗi, thầy Ngọc lại làm thơ, ca hát, dịch thơ của các thi hào nổi tiếng Pháp sang tiếng Việt, viết thơ văn gửi cho nhật báo tiếng Pháp Le Courrier Du Vietnam tại Hà Nội (thuộc TTXVN).

Không chỉ nhiệt huyết làm khuyến học, thầy Ngọc còn có một tâm hồn đầy thi sỹ.
Không chỉ nhiệt huyết làm khuyến học, thầy Ngọc còn có một tâm hồn đầy thi sỹ.

Trong âm nhạc, ông thổi được khẩu cầm Harmonica, chơi được đàn Mandoline. Hát được Ca Huế, nhạc dân ca, như các bài: “Nam ai nam bằng”, “Tứ đại cảnh”, “Cổ bản xuân”, “Lưu thủy - Kim tiền”, “Phủ lục”…

Viết Hảo