Gần 6.000 thí sinh thi học sinh giỏi quốc gia năm 2024 được lợi ích gì?

Hoàng Hồng

(Dân trí) - Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm học 2023-2024 có 5.812 thí sinh. Các học sinh tham dự kỳ thi này được quyền lợi gì?

Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia trung học phổ thông năm học 2023-2024 được tổ chức vào ngày 5-6/1 với 5.812 thí sinh đến từ 63 tỉnh, thành và 7 trường THPT thuộc đại học.

Các thí sinh tham gia tranh tài ở 12 môn gồm: Toán, vật lý, hóa học, sinh học, tin học, ngữ văn, lịch sử, địa lý, tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp và tiếng Trung Quốc.

Hội đồng chấm thi đã chọn được 3.359 thí sinh đạt giải, chiếm 55.79%. Nhiều tỉnh, thành có tỷ lệ đạt giải trên 70% như Hà Nội, Quảng Ninh, Bắc Giang, Nghệ An, Hải Phòng, Nam Định… Cá biệt có tỉnh đạt trên 90% học sinh đi thi giành giải như Thanh Hóa, Vĩnh Phúc.

Các học sinh tham gia và đạt giải tại kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, đặc biệt những thí sinh được vào vòng 2 và góp mặt trong đội tuyển Olympic, được hưởng nhiều lợi ích khi xét tuyển vào đại học.

Gần 6.000 thí sinh thi học sinh giỏi quốc gia năm 2024 được lợi ích gì? - 1

Vũ Thế Sơn - học sinh lớp 12A12 Trường THPT Phùng Khắc Khoan, huyện Thạch Thất, Hà Nội - đạt giải Nhì môn vật lý kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm học 2023-2024 (Ảnh: NVCC).

Cụ thể, học sinh đạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia và đã tốt nghiệp THPT được xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển vào đại học, cao đẳng theo quy định của quy chế thi tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục mầm non hiện hành.

Học sinh lớp 12 tham dự kỳ thi chọn đội tuyển Olympic được miễn thi tốt nghiệp THPT.

Học sinh là thành viên đội tuyển Olympic quốc tế và khu vực được tuyển thẳng vào các trường đại học theo quy định hiện hành và được ưu tiên cử đi đào tạo đại học ở nước ngoài bằng học bổng ngân sách nhà nước.

Bên cạnh đó, học sinh đạt giải Nhất, Nhì, Ba kỳ thi học sinh giỏi quốc gia được tuyển thẳng vào tất cả các trường đại học có ngành học phù hợp với môn đạt giải và theo phân bổ chỉ tiêu cụ thể của từng trường. 

Trường hợp học sinh không muốn dùng quyền tuyển thẳng thì được sử dụng kết quả thi học sinh giỏi quốc gia làm điểm cộng ưu tiên khi xét tuyển bằng các phương thức khác theo quy định của từng trường.

Ví dụ, tại Trường Đại học Kinh tế quốc dân, học sinh đạt giải Nhất, Nhì, Ba kỳ thi học sinh giỏi quốc gia nếu không dùng quyền tuyển thẳng sẽ được cộng điểm ưu tiên khi xét tuyển bằng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Tại Đại học Bách Khoa Hà Nội, học sinh đạt giải học sinh giỏi quốc gia các môn toán, vật lý, hóa học, sinh học, tin học, ngoại ngữ nếu không dùng quyền tuyển thẳng sẽ được xét tuyển theo phương thức xét tuyển hồ sơ năng lực kết hợp phỏng vấn.

Chính sách này được Đại học Bách Khoa Hà Nội áp dụng cho cả thí sinh tham gia kỳ thi học sinh giỏi quốc gia mà không đạt giải.

Tương tự, Đại học Ngoại thương có chính sách xét tuyển học bạ đối với thí sinh tham gia hoặc đạt giải tại kỳ thi học sinh giỏi quốc gia các môn toán, vật lý, hóa học, tin học, ngữ văn, ngoại ngữ. 

Điều kiện phụ đi kèm là thí sinh cần có tổng điểm các môn thi tốt nghiệp THPT năm 2024 của một trong các tổ hợp môn xét tuyển của trường đạt từ 24 điểm trở lên; điểm trung bình chung học tập từng năm học lớp 10, 11 và học kỳ 1 năm lớp 12 đạt từ 8,0 trở lên.

Đại học Sư phạm Hà Nội xét tuyển thẳng với mọi thí sinh đạt giải quốc gia. Đồng thời, trường cũng xét tuyển thẳng với thí sinh tham gia kỳ thi học sinh giỏi quốc gia mà không đạt giải. Thí sinh chỉ được đăng ký duy nhất 1 nguyện vọng xét tuyển thẳng diện này.

Theo quy chế mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ năm học 2023-2024, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng sẽ cấp giấy chứng nhận cho học sinh tham gia kỳ thi học sinh giỏi quốc gia nhưng không đạt giải.