TPHCM:
Gần 300 sinh viên bị lừa
(Dân trí)- Hiện nay, gần 300 sinh viên theo học trường quốc tế Mỹ Việt, TPHCM khắc khoải "không biết tương lai về đâu". Bởi nơi các em theo học 1 năm qua không có chức năng đào tạo cao đẳng và càng không đủ tư cách pháp nhân cấp bằng cao đẳng quốc tế như lời hứa.
Sợ lắm hai chữ "quốc tế"
Em Nguyễn Thị H.N, sinh viên học ngành Quản trị kinh doanh của trường quốc tế Mỹ Việt - AVIS (36 đường A4 khu K300, P.12, Q. Tân Bình, TPHCM) khóa 9/2009 tâm sự, quê em ở Kiên Giang. Năm ngoái em thi ĐH Cần Thơ nhưng không đậu, thế rồi gia đình em thấy trường AVIS thông báo tuyển sinh cao đẳng quốc tế với cam kết “Cấp bằng quốc tế, liên thông cao học tại các trường Hoa Kỳ, Singapore”.
Học phí tới 1.000 USD/năm khiến bố mẹ em đắn đo nhưng rồi nghĩ con sẽ được bằng cao đẳng nước ngoài nên cũng vui vẻ đóng ngay. Sau một năm học, N chẳng thấy vẻ gì là quốc tế như lời hứa. Bất ngờ, đến tháng 6/2010, trường được "sang tay" cho người khác. Rồi N và hàng trăm sinh viên choáng váng khi ban quản trị mới của trường thông báo: "Thời gian qua các em đã bị thầy Lê Công Đức (chủ tịch hội đồng quản trị AVIS - PV) lừa"(!).
Tương tự, Nguyễn Thị B.T (quê Bình Thuận) cũng được gia đình tạo điều kiện để học tại trường mang danh quốc tế này. Lúc ấy, gia đình T không hiểu vì sao cầm giấy tờ trường giới thiệu để vay tiền ngân hàng chính sách cho em đi học nhưng bị từ chối. “Phía ngân hàng nói rằng dấu mộc chứng nhận là công ty cổ phần chứ không phải trường học, vậy mà gia đình em vẫn không hiểu. Giờ biết trường lừa, bố mẹ em mới vỡ lẽ ra mọi chuyện và buồn nhiều lắm”, T kể.
Hầu hết các sinh viên theo học tại AVIS đều là học sinh ở các tỉnh xa như Kiên Giang, An Giang, Trà Vinh, Đồng Tháp, Bình Thuận… Học phí 1.000 USD/năm chỉ là một phần nhỏ trong số chi phí mà các gia đình phải bỏ ra cho con em mình ăn học. Điều quan trọng nhất là 1 năm học tập vừa qua của các em trở thành vô nghĩa.
Sinh viên B.T bức xúc: “Mỗi lần về nhìn bố mẹ vất vả bán từng con cá ngoài chợ để cho em có tiền đi học, em thấy buồn vô cùng. Vậy mà họ nỡ lòng nào lừa bọn em”...
Theo lời các sinh viên thì trong vòng 2 tháng nay, ban lãnh đạo mới của trường liên tục tổ chức hội thảo giới thiệu chương trình học, hết trường quốc tế này tới trường quốc tế khác. Tháng 6 liên kết với ĐH University of Northwest (Mỹ), rồi đầu tháng 8 thì CĐ Guildhall, Cao đẳng của Btec Edexcel (Anh). Mới nhất là cuối tháng 8 học chương trình của Viện hợp tác quốc tế Vạn Xuân.
“Nhưng sợ lắm hai chữ "quốc tế" rồi. Chúng em chỉ mong được giải quyết số học phí đã đóng để yên tâm ôn luyện, chuẩn bị cho việc thi lại ĐH. Giờ em đã trễ mất một năm rồi”, đó là suy nghĩ chung của rất nhiều sinh viên bị AVIS lừa.
Ai giải quyết quyền lợi cho sinh viên?
Lật lại quá trình hình thành “trường quốc tế” AVIS: ban đầu chỉ được cấp phép là công ty cổ phần đào tạo nguồn nhân lực quốc tế Mỹ Việt nhưng ông Lê Công Đức tự "nâng cấp" thành trường và lừa hàng trăm sinh viên.
Trường hoạt động được một năm thì ông Đức bán lại cho ông Tống Thanh Tùng. Ông Tùng tiếp tục quảng cáo tuyển thêm sinh viên với lời mời chào kết hợp với Trung tâm giáo dục quản lý và hợp tác quốc tế Comedic TPHCM (thuộc Viện quản trị Doanh nghiệp) dạy và cấp bằng ĐH Northwest của Mỹ.
Trong khi trước đó, vào tháng 4, Thanh tra Sở LĐ-TB-XH đã thanh tra và phát hiện nhiều sai phạm của công ty này. Trong đó, AVIS đã vượt quyền hạn khi tuyển sinh 260 học viên học hệ Cao đẳng khi chỉ mới được cấp phép dạy sơ cấp nghề. Kết luận thanh tra số 159 ngày 29/4/2010 đã yêu cầu AVIS ngưng chiêu sinh, thay bảng hiệu và ngừng đào tạo các ngành nghề chưa được các cơ quan có thẩm quyền cho phép. Thế nhưng AVIS vẫn được bán lại và tiếp tục tuyển sinh chui.
Những điều khó hiểu này diễn ra phải chăng do sự lỏng lẻo của các đơn vị quản lý. Tính tổng số tiền mà AVIS đã lừa sinh viên lên đến gần 300.000 USD. Đây không phải con số nhỏ. Dù trước đó, báo chí cũng đã có các thông tin phản ánh nhưng đến nay vẫn chưa thấy Bộ GD-ĐT vào cuộc.
Đặc biệt, vào cuối tháng 8, trường Quốc tế Mỹ Việt (AVIS) bỗng dưng biến mất và được đổi thành Viện Đào tạo và Hợp tác Quốc tế Vạn Xuân (trực thuộc trường CĐ Kinh tế Kỹ thuật Vạn Xuân). Như vậy, nguy cơ sinh viên của AVIS cũ bị mất quyền lợi sẽ xảy ra.
Lê Phương