Được khuyên thi hoa hậu, nữ sinh do dự khi chọn nghề "lăn vào bếp"

Hoài Nam

(Dân trí) - Nhiều người khuyên Linh có hình thức, cao ráo nên thi hoa hậu hoặc chọn công việc nhàn nhã, ngồi văn phòng bật máy lạnh. Cô nữ sinh băn khoăn khi chọn nghề "muốn ăn phải lăn vào bếp".

Ngày 21/4, hơn 3.000 học sinh ở TPHCM và các tỉnh lân cận tham dự Ngày hội Tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2024 tại Trường Đại học Công thương TPHCM.

Được khuyên thi hoa hậu, nữ sinh do dự khi chọn nghề lăn vào bếp - 1

Hơn 3.000 học sinh tham gia Ngày hội Tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp tại Trường Đại học Công thương TPHCM (Ảnh: Hoài Nam).

Tại đây, học sinh được trải nghiệm thực tế về từng ngành học để có thể định hướng ngành nghề một cách phù hợp, chính xác cho bản thân; được giải đáp thông tin về nhu cầu nhân sự, đầu vào, đầu ra các ngành, nhóm ngành.

Cùng nhóm bạn tham quan ở gian hàng trang trí, chế biến thực phẩm, Nguyễn Ngọc Linh, học sinh một trường cấp 3 ở quận Tân Phú, TPHCM cho biết em đang có ý định theo học ngành chế biến món ăn nhưng gặp khá nhiều rào cản.

Xinh đẹp cùng chiều cao vượt trội (gần 1,75m), từ bé Linh đã nghe rất nhiều người nói "nên thi hoa hậu". Gần đây, khi Linh chuẩn bị vào đại học, người thân trong gia đình cũng cho rằng "nên học ngành nào đó nhàn nhã, ăn mặc đẹp ngồi ở phòng máy lạnh mát rượi". 

Yêu thích lĩnh vực ẩm thực, Linh muốn học ngành chế biến món ăn nhưng cũng lo nghề này cả đời "muốn ăn phải lăn vào bếp". Bởi vậy, cô nữ sinh lăn tăn nên chọn công việc "nhàn tấm thân" hay theo đuổi theo sở thích của bản thân.

Không riêng Linh, suy nghĩ cả đời ở "góc bếp" là thắc mắc của rất nhiều học sinh khi quan tâm đến ngành đầu bếp, chế biến món ăn, ẩm thực. 

TS Bùi Hồng Đăng, Phó Chủ tịch phụ trách Hội đồng trường, Trường Đại học Công Thương TPHCM chia sẻ, nhiều học sinh không đánh giá cao về ngành chế biến món ăn vì nghĩ học xong là… chỉ vào bếp để nấu món.

TS Đăng cho hay, đây là ngành nghiên cứu chế biến món ăn, không phải cứ học là "lăn vào bếp".

Sinh viên tốt nghiệp có thể làm việc ở những vị trí như đầu bếp; quản lý bộ phận ẩm thực tại các cơ sở kinh doanh ẩm thực và phục vụ ăn uống; nhân viên bộ phận phát triển sản phẩm tại các cơ sở chế biến, sản xuất thực phẩm; chuyên viên nghiên cứu phát triển ẩm thực tại các bếp ăn thử nghiệm, trung tâm nghiên cứu ẩm thực; cán bộ giảng dạy tại các cơ sở đào tạo về lĩnh vực ẩm thực hoặc tự khởi nghiệp, kinh doanh ẩm thực.

Được khuyên thi hoa hậu, nữ sinh do dự khi chọn nghề lăn vào bếp - 2

Nghề chế biến món ăn có nhiều cơ hội nghề nghiệp chứ không phải "ở góc bếp" như nhiều học sinh nhầm tưởng (Ảnh: Hoài Nam).

TS Bùi Hồng Đăng cho hay hiện nay nhu cầu tuyển dụng trên thị trường với lĩnh vực này rất lớn nhưng nguồn cung nhân lực còn hạn chế.

Nói về điều kiện để học tốt một ngành nghề, theo ông Đăng ngoài yếu tố đào tạo, chất lượng giảng viên thì chính người học phải có khát khao, nỗ lực với lĩnh vực mình theo đuổi. Không có ngành nào nhàn nhã hơn ngành nào mà chỉ có sự phù hợp và lựa chọn của mỗi người. 

Băn khoăn về nghề bị bêu rếu "không có tương lai"

Trước ngưỡng cửa chọn ngành, nhiều học sinh cũng lo lắng khi trên mạng xã hội gần đây nhiều TikToker liệt kê, gọi hàng loạt ngành học là ngành vô dụng, ngành không có tương lai.

Từ ngành quản trị kinh doanh, quản trị nhân sự, ngôn ngữ Anh,  marketing cho đến các ngành thiết kế thời trang, xã hội học, văn hóa học, nhân học, hán nôm, bảo tàng học… đều được các TikToker gọi tên. 

Ông Phạm Thái Sơn, Giám đốc tuyển sinh, Trường ĐH Công Thương TPHCM, cho rằng TikTok là kênh dành cho trải nghiệm cá nhân chứ không phải quảng bá thương hiệu nhà trường, cũng không phải là các chuyên gia hướng nghiệp. Các TikToker có thể nói đúng trong trải nghiệm cá nhân hay một vài trường hợp chứ không đúng cho tất cả.

Được khuyên thi hoa hậu, nữ sinh do dự khi chọn nghề lăn vào bếp - 3

Thí sinh hoang mang trước lựa chọn ngành học khi nhiều ngành nghề bị TikToker gọi là ngành vô dụng, không có tương lai (Ảnh: Hoài Nam).

Trước thực tế thay đổi của thời cuộc, tác động của công nghệ, kinh tế khó khăn sẽ có ngành thu hút thí sinh, có ngành ít thí sinh quan tâm. Nếu các TikToker dựa vào một vài ngành nghề yếu ở một vài trường đại học mà kết luận rằng ngành đó sẽ thất nghiệp có thể dẫn đến sai lệch.

Nhiều người lên mạng diễn giải về ngành nghề nhưng thực tế, theo ông Sơn, họ không biết về ngành đó như thế nào, việc học có khó khăn thuận lợi ra sao, học ra trường làm những công việc gì.

Ông Phạm Thái Sơn bày tỏ, những clip tư vấn này có thể ảnh hưởng đến các bạn trẻ, làm nhiều bạn lung lay, thậm chí dẫn tới việc không học, không đi làm việc.

Những clip này thường xuyên xuất hiện có thể làm nhiều bạn trẻ nghĩ rằng "TikToker nói đúng rồi" từ đó dẫn đến việc nhiều thí sinh không lựa chọn ngành nghề này nữa và hậu quả không có người học, người làm việc trong ngành đó dù doanh nghiệp rất cần lao động có chuyên môn.

Năm 2024, Trường Đại học Công thương dự kiến tăng 700 chỉ tiêu với tổng 7.000 chỉ tiêu cho 33 ngành với 4 phương thức xét tuyển gồm xét kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024; xét kết quả học tập THPT của năm lớp 10, năm lớp 11 và học kỳ I năm lớp 12; sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TPHCM 2024; xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển thẳng.

Với phương thức xét kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TPHCM, trường xét theo 3 mức điểm sàn.

Từ 700 điểm trở lên đối với các ngành công nghệ thực phẩm, quản trị kinh doanh, công nghệ thông tin và marketing. Từ 650 điểm đối với các ngành: ngôn ngữ Anh, ngôn ngữ Trung Quốc, kinh doanh quốc tế, kế toán và từ 600 điểm cho các ngành còn lại.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm