Bạn đọc gửi:
Đừng tạo áp lực học hè lên con trẻ
(Dân trí) - Dịch bệnh Covid -19 hiện nay vẫn đang căng thẳng chưa có chiều hướng giảm thì dự báo những ngày nghỉ hè sẽ còn kéo dài.
Học online cả tuần
Hai tháng hè trong đại dịch trôi qua, học sinh chỉ còn 1 tháng nữa là bước vào năm học mới 2021-2022. Thế nhưng, dịch bệnh Covid -19 hiện nay vẫn đang căng thẳng chưa có chiều hướng giảm thì dự báo những ngày nghỉ hè sẽ còn kéo dài.
Những ngày qua, do giãn cách, phong tỏa, cách ly nên con trẻ không được ra ngoài học năng khiếu, ngoại ngữ hay tập luyện thể thao. Thời gian ở trong nhà các em chủ yếu là học hè bằng nhiều hình thức như trực tuyến, online, tự học. Nhiều bậc cha mẹ xếp lịch học cho con em mình kín mít, không còn chỗ hở để trẻ không thể "phá phách", trốn ra ngoài lây nhiễm dịch.
Anh bạn có con học lớp 6 cho biết, hè này đang cho cháu học thêm tiếng Anh ban đêm. Do giãn cách phòng dịch nên cô giáo chọn giải pháp dạy học trực tuyến qua Zoom. Tuy chất lượng không thể bằng dạy trực tiếp nhưng ba tháng hè cho cháu nghỉ học sẽ nhanh quên kiến thức. Thời gian còn lại anh cho bé tự học các môn học khác, suốt ngày làm bạn với sách vở.
Một người bạn có con bước vào năm học 2021-2022 này sẽ lên lớp 9 thì cho bé học thêm Online môn Ngữ văn, Toán, tiếng Anh. Chị rất lo lắng vì năm tới thi tuyển vào lớp 10 sợ cháu sẽ không bằng bạn bè, mất căn bản. Với cả tuần không còn trống buổi nào, chị hy vọng cháu sẽ tiếp thu được một số kiến thức cơ bản.
Hàng loạt những "chiêu trò" né những giờ học
Khác với các phụ huynh trên, con của một số người mà tôi quen biết lại chọn cách cho trẻ tự học online ở nhà. Giao cho các cháu thật nhiều bài tập của các môn, tránh việc "nhàn cư vi bất thiện".
Thời công nghệ thông tin phát triển, chỉ cần nhấp chuột là có đủ thứ chúng ta cần. Những bài giảng trực tuyến, những trang Web về học tập với bài tập, bài kiểm tra làm xong cho ra ngay kết quả, số điểm đạt được.
Cậu học trò lớp 5 khoe với bạn học hè trực tuyến tại một trung tâm Anh ngữ được tăng cường thêm lên 4 buổi rất mệt mỏi. Những lúc như thế bé lại mở máy để đó coi như đang học nhằm qua mắt giáo viên, giải trí bằng game.
Ba mẹ lo làm việc cơ quan ở nhà, không chú ý đến nên bé thường xuyên học trực tuyến bằng những trận game online cùng bạn. Bé con tôi sắp lên lớp 9, cháu nói hè này trong lớp đa số các bạn đều học thêm trực tuyến qua các phần mềm Zoom, Google Classroom, Skype…
Cháu kể hàng loạt những "chiêu trò" né những giờ học cảm thấy chán ngán, mệt nhọc để lướt mạng hay chơi như tắt video, tắt mic, cài sẵn hình nền đang ngồi học, nhờ bạn làm bài tập nộp cho giáo viên…
Trong khi đó, một cô giáo dạy tiểu học than phiền: "Nhà cô ở sát bên một khu nhà trọ, đang phong tỏa phòng chống dịch nên hầu hết cư dân xóm trọ được nghỉ ở nhà. Không thiếu những lúc cô nghe ba mẹ la mắng, thậm chí chửi, đánh con vì chỉ cho chúng học mãi mà không hiểu, không biết làm bài. Mấy con trẻ sắp bước vào lớp 1 lại càng mệt mỏi hơn. Do không có sư phạm, không biết cách dạy nên ba mẹ bực mình nói mãi, giảng mãi không xong lại trút nóng giận lên đầu trẻ".
Các nhà tâm lý, nhà giáo dục cho rằng, mùa hè là thời gian trẻ cần được nghỉ ngơi một cách phù hợp sau một năm học căng thẳng.
Thế nhưng, những năm gần đây, cha mẹ thường bắt trẻ học hầu như kín mít lịch: Học văn hóa, năng khiếu, tiếng Anh. Nghỉ hè trở thành học kỳ 3. Chúng ta ít quan tâm đến việc cho trẻ vui chơi, giải trí, tập luyện thể thao.
Mùa hè đại dịch Covid bị phong tỏa, cách ly, giãn cách do không được đi du lịch, tham quan hay về quê thăm ông bà nên không ít cha mẹ chủ yếu cho con học thêm online, tự học. Vì thế các em cảm thấy bị áp lực, tinh thần uể oải, mệt mỏi và không hứng thú học, tìm mọi cách để tránh né những giờ học trực tuyến.
Để tránh tình trạng học thêm hè quá tải, không cần thiết, thiếu hiệu quả, theo các nhà giáo có kinh nghiệm thì, ôn tập kiến thức, học tiếng Anh trong dịp hè là cần thiết song các bậc cha mẹ cần sắp xếp hài hòa việc học và thời gian dành cho giải trí của trẻ, quan tâm, để mắt tới trẻ nhiều hơn, đồng hành học cùng con.
Giúp trẻ rèn kĩ năng tự học, hướng trẻ đọc những cuốn sách, cuốn truyện thú vị, xem những bộ phim, chương trình truyền hình bổ ích, vào những trang mạng xã hội phù hợp, tập luyện thể dục thể thao tại nhà, rèn kĩ năng sống, giao làm những việc nhà vừa sức với trẻ …