Vụ trưởng Vụ giáo dục Tiểu học-Bộ GD-ĐT

Đừng lẫn lộn giữa việc “lo” và “chạy” trường

(Dân trí) - “Theo tôi thì việc “chạy" trường e rằng trong đó có chuyện lẫn lộn, chúng ta cần phải tách bạch ra như thế nào để đánh giá chứ nếu đơn thuần đó chỉ là “lo” chỗ học cho con thì thiết nghĩ là điều hết sức bình thường”

Ông Lê Tiến Thành - Vụ trưởng Vụ giáo dục Tiểu học (Bộ GD-ĐT) chia sẻ với Dân trí trước thông tin có đến 62% độc giả Dân trí thừa nhận gia đình họ đã tham gia vào việc “chạy” trường, lớp cho con.

Khi biết kết quả thăm dò độc giả của Dân trí, ông có bất ngờ về con số phụ huynh thừa nhận tham gia vào việc “chạy” trường, lớp cho con? Ông có thể giải thích như thế nào về hiện tượng này? Đây là vấn đề nên mừng hay lo?

Vụ trưởng Lê Tiến Thành: Có thể nói rằng kết quả đó có bất ngờ nhưng lại không nằm ngoài dự đoán. Bởi vì, theo tâm lý của người Việt Nam bây giờ và trong cái điều kiện kinh tế như thế này thì ai cũng muốn cho con theo học trường tốt nên họ phải lo đến việc chọn trường cho con. Chữ “lo” với chữ “chạy” nhiều khi chúng ta hay bị lẫn lộn.

Ở các thành phố lớn hay những nơi có điều kiện thì tôi nghĩ 100% các bậc phụ huynh đều quan tâm đến việc học của con trẻ. Đây gọi là “lo”. Còn “chạy” thì tôi sợ rằng trong đó có chuyện lẫn lộn, chúng ta cần phải tách bạch ra như thế nào để đánh giá chứ việc “lo” chỗ học cho con là điều hết sức bình thường.
 
Đừng lẫn lộn giữa việc “lo” và “chạy” trường - 1

Ông Lê Tiến Thành, Vụ trưởng Vụ giáo dục Tiểu học (Bộ GD-ĐT): "Việc “lo” chỗ học cho con là điều hết sức bình thường".

Tại sao lại có tình trạng như thế? Đây là vấn đề này mừng hay lo? Trước hết phải nói là mừng. Vì phụ huynh muốn con em của mình được học ở chỗ tốt hơn, điều đó đồng nghĩa với việc quan tâm đến chuyện học của con. Khác hẳn ở miền núi là phụ huynh không cần quan tâm. Thậm chí đề nghị cho con đi học nhưng vì bận quá nên họ cũng chẳng thiết tha gì.

Với xu hướng như vậy thì chuyện phát sinh ra các vấn đề là điều khó trách khỏi. Đây cũng là yếu tố gây khó khăn cho ngành giáo dục. Như các bạn đã biết, luật giáo dục quy định mọi đứa trẻ 6 tuổi, lãnh thổ ở đâu thì UBND phường, xã phải đảm bảo cho đứa trẻ đó được vào học. Vậy về lý thuyết thì mọi đứa trẻ đến độ tuổi đều có một trường học. Còn phần mọi người muốn hơn cái chỗ đó, nghĩa là không sử dụng hết hoặc có nhu cầu cao hơn khả năng cung ứng của nhà nước thì chuyện đó cũng là tất yếu.

Chúng tôi cũng đã phân tích và nghiên cứu vấn đề tuyển sinh đầu cấp ở các địa phương. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc tuyển sinh vào lớp 1 nóng bỏng như hiện nay đó là: Thứ nhất, nhà cháu ở đây, mẹ cháu đi làm ở nơi khác nên người ta sẽ tính đến chuyện thuận lợi trong việc đưa đón con đi học. Mà vấn đề này ngành giáo dục lại rất dễ thông cảm cho các bậc phụ huynh. Thứ hai, trường này như thế nhưng lại không thể học cả ngày. Vậy thì phụ huynh sẽ có một sự lựa chọn (gọi là mong con mình được quan tâm) đó là tìm một chỗ thuận lợi hơn. Thứ ba, có thể nghe tin ở đó có cô giáo tốt hơn. Mà đối với ngành giáo dục thì chuyện chỗ này có cô giáo tốt hơn ở chỗ kia là điều khá bình thường.

Qua sự phân tích đó các bạn sẽ thấy, nguyện vọng của phụ huynh suy cho cùng cũng rất là chính đáng. Tuy nhiên vì lựa chọn đó nên nó đã ảnh hưởng đến ngành giáo dục và gây những hiệu ứng “bức xúc” mà như chúng ta đã biết.
 
Đừng lẫn lộn giữa việc “lo” và “chạy” trường - 2

Nguyện vọng của phụ huynh "lo" cho con vào lớp 1 suy cho cùng cũng rất là chính đáng.
(Ảnh minh họa)

Hiện nay ở các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM…đều có các quy định rất khắt khe trong vấn đề tuyển sinh đầu cấp (nhất là tuyển sinh trái tuyến) nhưng dường như nó không làm giảm sức nóng mà lại có chiều hướng gia tăng thêm với giá thành “chạy” trường cao hơn. Vậy ông đánh gia như thế nào? Bộ GD-ĐT sẽ giải quyết bài toàn này như thế nào?

Ở thành phố lớn người ta đang cố gắng thực hiện phương châm “3 giảm”. Đây là một trong những nỗ lực rất lớn của họ. Có nhiều người sẽ không hình dung ra được vấn đề ùn ùn di cư cơ học do đô thi hóa thì thành phố lớn chịu nhiều sức ép nhiều như thế nào.

Tôi lấy ví dụ như Hà Nội, mỗi năm ở mỗi quận có thể thêm hàng trăm thậm chí đến hàng nghìn trẻ đến trường và con số này vượt qua sức mà họ phải chuẩn bị. Trên thực tế thì dù có chuẩn bị đến mấy cũng không thể giải quyết được. Trong khi đó việc xây trường học ở quận đó như thế nào lại là vấn đề nan giải bởi ai xây phòng, đất ở đâu mà xây, tiền ở đâu để thực hiện? Chúng ta cần phải hiểu vấn đề khó khăn của ngành giáo dục là ở chỗ đó.

Với cơ cấu hình thành như vậy thì cánh cửa đã bị “đóng sập” với các trường hợp “chạy” trường, lớp. Tuy nhiên sẽ xuất hiện các luồng tin như chạy hộ khẩu sang để đúng tuyến, chạy cô hiệu trưởng…Tôi không phủ nhận vấn đề cho rằng có việc “chạy” trường, nhưng nếu chúng ta đề cập xem đó là ai và tốn kém như thế nào thì chắc hẳn rất khó để có câu trả lời bởi ngay bản thân các bạn là các nhà báo cũng chỉ nghe từ người này truyền qua người nọ.

Theo tôi nghĩ, nếu có thì đây là một vấn đề của xã hội. Khi chúng ta đã biết chính xác vụ việc thì xã hội cần phải bắt tay với ngành giáo dục để cùng giải quyết chứ không phải chỉ biết phê phán, lên án…

Về phía ngành, để khắc phục những vấn đề trong khâu tuyển sinh đầu cấp thì Bộ GD-ĐT đã và đang xây dựng các bộ chuẩn quốc gia để nâng chất lượng đồng đều giữa các trường lên, đảm bảo cho giáo viên đồng đều ở các trường, bố trí học 2 buổi/ngày, không còn trường chất lượng yếu, kém... Tuy nhiên đây là bài toán khó nên cần phải có thời gian chứ không thể giải quyết ngay được.

Chúng ta cũng cần phải hiểu, về vấn đề quản lý, bố trí chỗ học cho trẻ thuộc phạm vi giải quyết của các quận/huyện, Bộ GD-ĐT hay Sở GD-ĐT cũng không thể can thiệp được. Trường như thế nào, quy định ra sao đều do chủ tịch UBND cấp này phụ trách. Bộ GD-ĐT chỉ quản lý ở tầm vĩ mô và đưa ra các bộ tiêu chuẩn đánh giá để nâng cao chất lượng giáo dục mà thôi.
 
Đừng lẫn lộn giữa việc “lo” và “chạy” trường - 3

Mặc dù có nhiều quy định nhưng để giải bài toán về tuyển sinh đầu cấp vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn.

Tuy nhiên ngay cả khi đưa ra các quy định, ngành giáo dục cũng gặp nhiều khó khăn. Chẳng hạn như theo quy định thì không quá 35 HS/1 lớp, thế nhưng nếu lớp  học vượt qua quy định này chẳng nhẽ chúng ta lại không cho các em còn lại được học?

Đây là một vấn đề rất khó, nó không giống chuyện chúng ta đi ô tô được phép chở tối đa 35 người, nếu có người thứ 36 thì khi mời xuống xe sẽ được khen, nhưng đối với ngành giáo dục nếu thực hiện như vậy lại là vi phạm luật giáo dục.

Vấn đề “lo” chỗ cho con học hay “chạy” trường rõ ràng xuất phát từ phía phụ huynh, không ai ép buộc họ làm việc đó cả. Tại sao khi người ta “bỏ tiền” để lo cho theo học trường tốt nhưng sau đó lại tỏ thái độ bức xúc trước hiện tượng này?

Theo quan điểm của tôi thì bây giờ họ quá lo cho con. Thậm chí có nhiều phụ huynh tự nguyện và chính điều đó là tiền đề để cho những người khác lợi dụng. Đôi khi họ thấy bỏ ra nhiều công sức nhưng lại không thu được kết quả như mong muốn nên sẽ dẫn đến chuyện bức xúc.

Nó cũng giống như câu chuyện các bạn đi xe ô tô thấy chặt, quá tải thì bức xúc, chê ngành giao thông nhưng nếu các bạn đặt mình ở địa vị lãnh đạo ngành giao thông thì cũng thừa hiểu là không thể giải quyết được khi nhu cầu thì tăng mà đường xá vẫn như vậy.

Nếu chúng ta để ý sẽ thấy, xây dựng trường chuẩn ở các thành phố lớn là kém nhất bởi vì không có đất. Cho nên trẻ con thành phố thua thiệt ở trẻ con ở nông thôn là chỗ đó. Hai nữa là bố mẹ có quá nhiều sự lựa chọn nên dễ dẫn đến tình trạng cạnh tranh nhau. Từ sự cạnh tranh đó nó cũng làm xuất hiện những tình huống “đối đầu” nhau.

Đối với ngành giáo dục thì chúng tôi chỉ khuyến cáo, với tiểu học thì mức độ kiến thức yêu cầu vừa phải để đảm bảo làm sao cho trẻ phát triển bình thường. Chính vì thế trong việc học của trẻ chúng ta đừng quá kì vọng vào việc chọn chỗ quá tốt, nhiều khi chúng ta cứ chạy theo xu hướng số đông nhưng thực tế chỗ học đó chưa chắc đã tốt như mình nghĩ.

Như ông đã nói, vấn đề tuyển sinh vào lớp 1 trách nhiệm thuộc về chủ tịch UBND các quận/huyện. Với cương vị là một nhà quản lý, ông có chia sẻ gì đối với các đơn vị này?

Tôi nghĩ đây là vấn đề của các quận/huyện, việc họ thực hiện ra sao như thế nào thì chúng ta không thể can thiệp được. Theo quan điểm của tôi, để giải quyết những bất cập về tuyển sinh đầu cấp thì đòi hỏi họ phải “đóng cửa” một cách rất dứt khoát. Chẳng hạn như ở TPHCM là không cho tuyển trái tuyến ngoài quận.

Khi mà vấn đề chỉ còn diễn ra trong nội bộ quận thôi thì việc bố trí như thế nào để đảm bảo tôi thiết nghĩ là điều không quá khó. Đối với vấn đề tuyển sinh đầu cấp thì tốt nhất lãnh đạo các quận/huyện phải là người đứng ra để xử lý. Chứ như tôi biết khi tuyển sinh đầu cấp giáo viên rất là khổ bởi người Việt Nam thì có nhiều mối quan hệ xã hội nên khi có sự “nhờ vả” thì không dễ dàng gì để từ chối được.

Do đó để tránh việc làm “khó” cho giáo viên thì Chủ tịch các quận/huyện cần ra một lệnh cứng và nói thẳng tất cả trường hợp tuyển sinh trái tuyến do tôi giải quyết, tôi chịu trách nhiệm. Còn giáo viên chỉ là người đại diện trông nom, quản lý trường và giảng dạy cho tốt.

Tôi nghĩ, ngành giáo dục chỉ nên làm tốt các vấn đề của mình đó là: dạy, quản lý và chăm sóc các cháu thật tốt để đảm bảo làm sao tất cả các trường đều tốt. Thực tế ngành giáo dục không thể hướng cũng như ra lệnh cho quận/huyện được. Có đi kiểm tra mà phát hiện sai phạm thì cũng chỉ được phép phê bình chứ không có quyền xử lý kỷ luật.

Hơn thế, đội ngũ giáo viên cũng do quân/huyện quản lý, việc luân chuyển như thế nào để đảm bảo hợp lý và hiệu quả chỉ có họ mới có quyền còn ngành giáo dục làm sao thực hiện được viện đó.

Có nhiều độc giả của Dân trí cho rằng, đối với việc tuyển sinh trái tuyến thì nên có một sự “đấu giá” công khai. Ông có nghĩ rằng đấy là một giải pháp tích cực?

Tôi nghĩ thực hiện việc này trong ngành giáo dục là rất khó. Nếu không cẩn thận thì cái sự “đấu giá” đó sẽ trở thành “nhiều chuyện” do tính thị trường quá cao. Bên cạnh đó nó có thể biến tướng thành sự mua và bán và nếu điều đó xảy ra thì rất là nguy hiểm. Đối với giáo dục thì vẫn mang tính phúc lợi xã hội là cơ bản, nếu mình đưa ra như thế sẽ có sự phân biệt lẫn nhau và đây là một điều không ổn một tí nào.

Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Hùng (thực hiện)

Dòng sự kiện: "Cuộc đua" vào lớp 1