"Chạy" vào lớp 1: Nguy cơ xóa điểm trường!

(Dân trí) - Là trường công lập nhưng nhiều năm nay trường tiểu học M. thuộc quận Đống Đa, Hà Nội luôn vất vả trong việc tuyển sinh đầu cấp. Học sinh thuộc địa bàn đến trường nhập học hàng năm chỉ bằng 1/5 so với con số báo cáo về độ tuổi bước vào lớp 1.

Như đã đề cập ở bài viết trước, để tạo điều kiện cho các trường khó tuyển sinh, Hà Nội đã đưa ra các giải pháp tích cực như hạn chế chỉ tiêu tuyển sinh trái tuyến, đưa ra các quy định cứng để loại bỏ những học sinh (HS) thuộc địa bàn trường khó tuyển sinh đến đầu đơn trường khác… Tuy nhiên với trào lưu “chạy trường", dường như các biện pháp này vẫn chưa đủ sức để chấn chỉnh.

Khốn khổ từ những con số “ảo”

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay ở Hà Nội việc xác định chỉ tiêu cho từng trường phụ thuộc vào con số báo cáo về độ tuổi bước vào lớp 1. Không có một quy định hay ràng buộc nào trong việc cấp chỉ tiêu bởi chúng ta đang tiến tới cái mốc là phổ cập giáo dục THPT.

Quay lại câu chuyện về trường tiểu học M, hàng năm theo kê khai báo cáo về nhân khẩu của địa bàn mà trường M cư trú thì có khoảng 100-130 em có độ tuổi bước vào lớp 1. Từ con số này trường M sẽ được Phòng GD-ĐT cấp con số chỉ tiêu tương ứng. Tuy nhiên nhiều năm nay con số thực tế mà trường M tuyển sinh được từ những HS có hộ khẩu tại địa bàn quản lý chỉ dao động từ 30-35 em.

Trước sự khó tuyển sinh của trường tiểu học M, Hà Nội đã quyết định đưa ra “sắc lệnh” là yêu cầu các trường gần địa bàn không được phép tiếp nhận những HS có hộ khẩu thuộc con số do trường M phụ trách. Tưởng chừng đây sẽ là tín hiệu để cái thiện tình hình tuyển sinh của trường M nhưng thực tế cậu chuyện chẳng thay đổi là bao.

Theo thầy L.K.T, hiệu trưởng trường tiểu học M, thì dường như con số kê khai về các gia đình có con bước vào lớp 1 là không chính xác. Thậm chí là lệch tương đối. Có những gia đình mặc dù vẫn có tên tuổi trong diện quản lý nhân khẩu của phường K. nhưng họ đã chuyển đi từ lúc nào thì không ai biết. Chính vì thế con số các em đăng ký bước vào lớp 1 cũng biến động theo. Trong khi đó việc xác định chỉ tiêu lại đặt trọn “niềm tin” vào báo cáo kê khai nhân khẩu.

“Nhiều lúc bọn mình nghĩ, nên chăng các thầy cô là những người trực tiếp xuống địa bàn để xác minh những gia đình có trẻ bước vào lớp 1. Chứ cứ như hiện nay gặp rất nhiều khó khăn bởi lẽ cứ mỗi mùa tuyển sinh từ con số báo cáo về độ tuổi đến lớp phải lập kế hoạch về phòng học, đội ngũ giáo viên… nhưng đến phút cuối kế hoạch đó lại quá sai lệch do con số “ảo” quá” - thầy T. tâm sự.

Trước thắc mắc của chúng tôi là nếu còn thiếu chí tiêu nhà trường có thể xin phép tuyển sinh trái tuyến, thầy T. chia sẻ: “Đối với các trường mà phụ huynh cho là “điểm” thì rầm rộ và nóng bỏng chuyện tuyển sinh trái tuyến, còn đối với trường chúng tôi do đóng ở địa bàn không thuận lợi có nhiều người lao động tỉnh ngoài nên đối tượng tiếp nhận chủ yếu là con em họ. Nhưng điều đáng nói là ở chỗ do các lao động này việc cố định cố nơi cư trú là rất khó khăn chính vì thế sĩ số lớp của trường tiểu học M không thể đều và ổn định do con cái phải đi theo bố mẹ”.

Và nguy cơ xóa điểm trường

Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, hiện nay không ít trường ở địa bàn vẫn thuộc diện rất khó tuyển sinh. Theo giải thích của Sở thì nguyên nhân chủ yếu là do trường đóng ở các địa bàn không thuận lợi như ngõ hẹp, đường xá không tốt… Tuy nhiên qua tìm hiểu thực tế thì đây mới chỉ là lý do bề ngoài, còn nguyên nhân sâu xa dưới đây sẽ khiến nhiều người giật mình.

Chị H.L.Q. ởc quận Đống Đa, là một trong những người cương quyết tìm mọi cách để cho con theo học trái tuyến với lý do không thể yên tâm cho con đến trường tiểu học L. (trường đúng tuyến - PV). Giải thích về quyết tâm này, chị Q. không ngần ngại cho biết: “Thật ra mình không lo ngại về chất lượng đội ngũ của thầy trường L., bên cạnh đó nhà cũng ở gần trường nên cũng chẳng có lý do gì để ngại ngõ hẹp, đường không thuận lợi… Tuy nhiên do số HS có hộ khẩu thuộc địa bàn đến nhập học ít, trường chủ yếu tiếp nhận trái tuyến đối với con em những người lao động tỉnh lẻ có thu nhập thấp. Chính vì thế nếu cho con theo học chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng và không thể học tốt được dù thầy cô có giỏi. Đối với tôi thì môi trường học tập là yếu tố rất quan trọng”.

Theo đánh giá của giới chuyên môn, xu hướng của chị Q. không phải là điều gì đó khó hiểu. Trên thực tế nếu trong môi trường học tập đồng đều thì chất lượng sẽ tốt hơn. Chính vì thế không chỉ ở Hà Nội mà ở nhiều thành phố khác, xu hướng này đang ngày càng thể hiện rõ nét hơn. Nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời, nhất là nạn “chạy trường" trái tuyến thì trong tương lai gần, nguy cơ xóa điểm trường là điều khó tránh khỏi. Việc trường công lập được thành lập là nhằm mục tiêu phát triển giáo dục đối với địa bàn được giao phó. Nếu phụ huynh ở địa bàn cương quyết “tẩy chay” không cho con theo học thì coi như mục tiêu đó bị phá sản, đồng nghĩa với việc trường đó sẽ bị xóa sổ.

Thầy L.K.T, hiệu trưởng trường tiểu học M. chia sẻ: “Nguy cơ này luôn tiềm tàng đối với các trường khó tuyển sinh. Chính vì thế cần phải có những biện pháp tích cực để giải quyết bài toán này. Vấn đề không phải là giải quyết bài toán chạy trường, phân luồng tuyển sinh mà phải xuất phát từ việc thống kê chính xác dữ liệu trẻ vào lớp 1 ở từng địa bàn để đưa ra hướng xử lý phù hợp”.

Nguyễn Hùng

Dòng sự kiện: "Cuộc đua" vào lớp 1