Dừng dạy văn hóa trong trường nghề: Bộ Giáo dục có thực hiện đúng luật?

Hồng Hạnh Lệ Thu

(Dân trí) - Bộ GD&ĐT đã phát ngôn, Luật Giáo dục 2019 chỉ có trung tâm GDTX là cơ sở giáo dục duy nhất có chức năng, nhiệm vụ thực hiện Chương trình GDTX cấp THPT, nhiều nhà giáo cho rằng, không đúng, không đủ.

Ngày 29/3, Bộ GD&ĐT đã lên tiếng về việc dạy khối lượng kiến thức văn hóa THPT và Chương trình Giáo dục thường xuyên (GDTX) cấp THPT kết hợp với dạy nghề cho HS tốt nghiệp trung học cơ sở (THCS).

Tuy nhiên, với cách giải thích này, khiến nhiều chuyên gia, nhà giáo trường nghề cho rằng, Bộ GD&ĐT chưa thực hiện đúng Luật Giáo dục? Việc dừng không cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) được giảng dạy chương trình GDTX cấp THPT, trước mắt là thiệt hại dành cho học sinh, ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của học sinh (người dân), không đúng với quan điểm, chủ trương "dân thụ hưởng" mà Nghị quyết ĐH Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra; Bộ cần sớm giải quyết được những bất cập hiện nay trong việc dạy văn hóa THPT cho học sinh theo hình thức GDTX?...

Để làm rõ vấn đề trên, phóng viên Dân trí tiếp tục có cuộc trao đổi với ông Hoàng Đức Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thường xuyên (Bộ GDĐT).

Dừng dạy văn hóa trong trường nghề: Bộ Giáo dục có thực hiện đúng luật? - 1

Gần một triệu học sinh đang học hai hệ tại các trường nghề đang bị "tắc nghẽn" lối ra, bị "đe dọa" tước mất quyền lợi chính đáng và hợp pháp khi Bộ GD&ĐT không cho phép các trường nghề dạy văn hóa.

Phóng viên: Bộ GD&ĐT vừa phát ngôn trên báo chí rằng: Luật Giáo dục 2019, chỉ có trung tâm GDTX là cơ sở giáo dục duy nhất có chức năng, nhiệm vụ thực hiện Chương trình GDTX cấp THPT.

Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 4 Điều 44 của Luật Giáo dục năm 2019 thì: "Cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN), cơ sở giáo dục đại học khi thực hiện các chương trình giáo dục thường xuyên phải bảo đảm nhiệm vụ giáo dục, đào tạo của mình, chỉ thực hiện chương trình quy định tại điểm d khoản 1 Điều 43 của Luật này (điểm d là chương trình giáo dục thuộc chương trình để cấp văn bằng của hệ thống giáo dục quốc dân, tức là bao gồm cả chương trình giáo dục THPT theo hình thức GDTX) khi được cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục có thẩm quyền cho phép".

Theo quy định này, việc giảng dạy chương trình THPT theo hình thức GDTX, thì không chỉ là các trung tâm GDTX mà kể cả trường đại học, trường THPT, cơ sở GDNN (bao gồm trung tâm GDNN, trường TC, Trường CĐ) đều được dạy, nếu Bộ GD&ĐT cho phép. Ý kiến của Bộ về vấn đề này như thế nào?

 Ông Hoàng Đức Minh: Điều 43 Luật Giáo dục 2019 quy định: Chương trình GDTX bao gồm nhiều chương trình, trong đó Điểm d khoản 1 Điều 43 quy định: d) Chương trình giáo dục thuộc chương trình để cấp văn bằng của hệ thống giáo dục quốc dân. 

Khoản 3 Điều 43 quy định:" Nội dung chương trình GDTX quy định tại điểm d khoản 1 điều này nhằm đạt một trình độ trong Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, Khung trình độ quốc gia Việt Nam, phải đảm bảo các yêu cầu về nội dung của chương trình giáo dục cùng cấp học, trình độ đào tạo quy định tại Điều 31 của Luật này, quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp và Luật Giáo dục đại học". 

Điều này khẳng định, chương trình GDTX lấy văn bằng của hệ thống giáo dục quốc dân gồm: Đối với giáo dục phổ thông là Chương trình GDTX cấp THCS và cấp THPT; Đối với giáo dục nghề nghiệp là Chương trình GDTX trình độ trung cấp và trình độ cao đẳng; Đối với trình độ đại học là Chương trình GDTX trình độ đại học.

Khoản 4 Điều 44 được hiểu là: Cơ sở giáo dục phổ thông  được dạy chương trình GDTX cùng cấp (cấp THCS và cấp THPT) sau khi phải bảo đảm nhiệm vụ giáo dục, đào tạo của mình và được cơ quan cơ quan quản lý giáo dục về nhà nước có thẩm quyền cho phép (Bộ GDĐT);

 Cơ sở giáo dục nghề nghiệp được dạy Chương trình GDTX trình độ đào tạo trung cấp, trình độ đào tạo cao đẳng sau khi phải bảo đảm nhiệm vụ giáo dục, đào tạo của mình và được cơ quan cơ quan quản lý giáo dục về nhà nước có thẩm quyền cho phép (Bộ LĐTBXH);

Cơ sở giáo dục đại học được dạy Chương trình GDTX trình độ đào tạo đại học sau khi phải bảo đảm nhiệm vụ giáo dục, đào tạo của mình và được cơ quan cơ quan quản lý giáo dục về nhà nước có thẩm quyền cho phép (Bộ GDĐT).

Các cơ sở giáo dục thực hiện chương trình GDTX ở cấp học nào thì phải có chức năng được quy định bởi luật hoặc quy chế/ điều lệ thực hiện chương trình chính quy ở cùng cấp học đó.

Dừng dạy văn hóa trong trường nghề: Bộ Giáo dục có thực hiện đúng luật? - 2

Ông Hoàng Đức Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thường xuyên (Bộ GDĐT)

 Phóng viên: Theo quy định khoản 3, Điều 45, thì người học viên học hết chương trình trung học phổ thông quy định tại điểm d khoản 1 Điều 43 của Luật này đủ điều kiện theo  được người đứng đầu cơ quan chuyên môn về giáo dục thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp bằng tốt nghiệp trung học phổ thông; trường hợp không dự thi hoặc thi không đạt yêu cầu thì được người đứng đầu trung tâm giáo dục thường xuyên cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông.

Như thế, việc cấp bằng tốt nghiệp THPT là do Sở GD&ĐT ở các địa phương thực hiện; các trung tâm GDTX thì cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông cho người không dự thi và thi không đạt. Điều này có nghĩa, trường THPT, trường ĐH, cơ sở GDNN vẫn được quyền giảng dạy chương trình GDTX cấp THPT nếu được Bộ GD&ĐT cho phép, nhưng không được quyền cấp giấy xác nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông.

Đây có phải là điểm bất cập, điểm mâu thuẫn của Luật Giáo dục năm 2019? Bộ GD&ĐT có chỉ đạo dừng hoạt động giảng dạy chương trình GDTX cấp THPT tại các trung tâm GDNN - GDTX hay không?        

Ông Hoàng Đức Minh: Căn cứ điểm a khoản 3 Điều 44 Luật Giáo dục 2019 quy định: "trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp- giáo dục thường xuyên thực hiện chương trình quy định tại khoản 1 Điều 43 của Luật này, trừ chương trình giáo dục để lấy bằng tốt nghiệp trung cấp, bằng tốt nghiệp cao đẳng, bằng cử nhân".  Như vậy chỉ có trung tâm GDTX, trung tâm GDNN-GDTX thực hiện chương trình GDTX cấp THPT.

Thực tế, Trung tâm GDNN-GDTX là trung tâm được sáp nhập từ 3 trung tâm công lập cấp huyện gồm: trung tâm dạy nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm kỹ thuật tổng hợp- hướng nghiệp thành Trung tâm GDNN-GDTX.

Việc sáp nhập này được thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 39/2015/TTLB-BLĐTBXH - BGDĐT -BNV ngày 19/10/2015 của Liên Bộ LĐTBXH, Bộ GDĐT và Bộ Nội vụ.

Trung tâm GDNN-GDTX này có đủ ba chức năng đào tạo nghề nghiệp (theo quy định của Luật GDNN) giáo dục thường xuyên và hướng nghiệp (theo quy định của Luật GD). Vì vậy trung tâm GDNN-GDTX được thực hiện chương trình GDTX cấp THPT như trung tâm GDTX.

Cũng vì vậy, căn cứ khoản 3 Điều 45 của Luật Giáo dục 2019, trung tâm GDTX (bao gồm cả trung tâm GDNN-GDTX) cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông là hợp lý và phù hợp với các Điều khác của Luật Giáo dục 2019.

Dừng dạy văn hóa trong trường nghề: Bộ Giáo dục có thực hiện đúng luật? - 3

 Bộ Giáo dục và Đào tạo không cho phép các trường nghề dạy văn hóa, mà giao các trung tâm GDTX hoặc các trường THPT dạy văn hóa cho học sinh các trường nghề. Điều này gây khó khăn trở ngại cho học sinh rất nhiều vì các em phải đi học hai nơi và thời khóa biểu khó sắp xếp hợp lý được vì phụ thuộc vào hai cơ sở giáo dục.

 Phóng viên: Nếu chỉ có trung tâm GDTX, được quyền và độc quyền giảng dạy văn hóa THPT theo hình thức GDTX, thì với khoảng 71 trung tâm GDTX của cả nước (quy mô đáp ứng là 14.200 học sinh), liệu các trung tâm này có đáp ứng được cho khoảng 350 nghìn học sinh vừa học nghề, vừa học văn hóa THPT mỗi năm hay không? Bộ GD&ĐT đã chuẩn bị giải pháp gì cho vấn đề này?

Ông Hoàng Đức Minh: Theo báo cáo thống kê của các Sở GDĐT năm học 2020 - 2021, quy mô và số lượng các trung tâm GDTX trên cả nước là 645 trung tâm, trong đó: trung tâm GDTX cấp tỉnh là 71; trung tâm GDNN-GDTX là 574.

Hiện nay, số học viên đang theo học chương trình GDTX cấp THPT tại các trung tâm GDTX trên cả nước là 261,077 học viên. Với quy mô như vậy thì việc đáp ứng yêu cầu của người học là đảm bảo.

Phóng viên: Việc dừng không cho các cơ sở GDNN được giảng dạy chương trình GDTX cấp THPT, trước mắt là thiệt hại dành cho học sinh, ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của học sinh (người dân), không đúng với quan điểm, chủ trương "dân thụ hưởng" mà Nghị quyết ĐH Đảng toàn quốc lần thứ 13 đã đề ra. Theo ông, đâu là giải pháp tổng thể cho vấn đề này?

Ông Hoàng Đức Minh: Căn cứ các quy định của pháp luật, các cơ sở GDNN không có chức năng giảng dạy Chương trình GDTX cấp THPT. Từ trước đến nay, Bộ GDĐT chưa có quy định cho phép các cơ sở GDNN thực hiện giảng dạy Chương trình GDTX cấp THPT.

Các văn bản hướng dẫn của Bộ GDĐT đều thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Những học sinh tốt nghiệp THCS vào học trình độ trung cấp, có nguyện vọng học đồng thời Chương trình GDTX cấp THPT để dự thi lấy bằng tốt nghiệp THPT thì các trường trung cấp, cao đẳng cần phối hợp với trung tâm GDTX, trung tâm GDNN-GDTX đóng trên địa bàn để các trung tâm tổ chức giảng dạy Chương trình GDTX cấp THPT trên cơ sở tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người học.

Các trung tâm GDTX đã cử giáo viên đến các trường trung cấp, cao đẳng nghề để dạy Chương trình GDTX cấp THPT.

Dừng dạy văn hóa trong trường nghề: Bộ Giáo dục có thực hiện đúng luật? - 4

Sẽ khó thực hiện mục tiêu mà Thủ tướng phê duyệt đến năm 2025: "Phấn đấu ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; ít nhất 45% học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ cao đẳng" do quy định của Bộ GD&ĐT

Phóng viên: Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, Bộ GD&ĐT cần sớm ban hành thông tư quy định về khối lượng kiến thức văn hóa THPT và việc giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa THPT trong cơ sở GDNN, trong đó cần quy định khối lượng kiến thức văn hóa THPT tương tự như chương trình GDTX cấp THPT để học sinh đủ điều kiện tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT, hoặc để được công nhận hoàn thành chương trình GDPT thì sẽ sớm giải quyết được những bất cập hiện nay trong việc dạy văn hóa THPT cho học sinh theo hình thức GDTX. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Ông Hoàng Đức Minh: Luật Giáo dục 2005, Luật Giáo dục sửa đổi 2009 có quy định: Bộ trưởng Bộ GDĐT quy định chương trình khung về đào tạo Trung cấp chuyên nghiệp.

Ngày 28/6/2010, Bộ GDĐT đã ban hành Thông tư số 16/2010/TT-BGDĐT ban hành quy định về Chương trình khung trung cấp chuyên nghiệp, trong đó  quy định về khối lượng kiến thức văn hóa THPT cho đối tượng học sinh có bằng tốt nghiệp THCS vào học trình độ Trung cấp chuyên nghiệp từ 1020 tiết đến 1260 tiết theo từng nhóm ngành (Thông tư số 16/2010/TT-BGDĐT).

Tại khoản 4 Điều 34 Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014 có quy định: "Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định khối lượng kiến thức văn hóa THPT mà người học phải tích lũy để học trình độ cao đẳng".

 Mặc dù Luật Giáo dục nghề nghiệp có hiệu lực từ ngày 01/7/2015, nhưng để đảm bảo phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới đang được xây dựng trong giai đoạn 2016 - 2019, Bộ GDĐT chưa có đủ cơ sở khoa học để ban hành Thông tư quy định khối lượng kiến thức văn hóa THPT mà người học phải tích lũy để học trình độ cao đẳng.

Tuy nhiên, trong thời gian chuyển tiếp, ngày 23/6/2017, Bộ GDĐT đã ban hành Công văn số 2691/BGDĐT-GDĐH về việc phối hợp một số hoạt động trong giáo dục nghề nghiệp, theo đó tại mục 3 của Công văn này đã hướng dẫn: "cho phép các trường cao đẳng, trung cấp tổ chức giảng dạy và cấp giấy chứng nhận hoàn thành khối lượng kiến thức văn hóa THPT theo quy định tại Thông tư số 16/2010/TT-BGDĐT mà người học phải tích lũy để học trình độ cao đẳng". 

Tới đây, Bộ GDĐT sẽ hoàn thiện và ban hành Thông tư quy định khối lượng kiến thức văn hóa THPT cho học sinh có bằng tốt nghiệp THCS vào học trình độ trung cấp học lên trình độ cao đẳng phù hợp với Chương trình GDPT mới 2018 nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện theo quy định của pháp luật.

Khối lượng kiến thức văn hóa THPT dạy trong trường nghề phải phù hợp với ngành nghề đạo tạo của học sinh và đủ để học sinh theo học trình độ cao hơn ở giáo dục nghề nghiệp.

Vì vậy, Bộ GDĐT không đưa ra khối lượng kiến thức tương đương với chương trình THPT/chương trình GDTX cấp THPT để có thể dự thi tốt nghiệp/cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình THPT. Theo đó:

           + Đối với học sinh tốt nghiệp THCS vào học trình độ trung cấp, nếu chỉ có nhu cầu học khối lượng kiến thức văn hóa THPT để học lên trình độ cao đẳng thì các trường trung cấp, trường cao đẳng tổ chức dạy khối lượng kiến thức văn hóa này theo quy định và cấp giấy chứng nhận đạt yêu cầu hoàn thành khối lượng kiến thức văn hóa THPT để học lên trình độ cao đẳng theo quy định;

           + Ngoài ra, đối với các học sinh tốt nghiệp THCS vào học trình độ trung cấp, nếu có nguyện vọng đồng thời học Chương trình GDTX cấp THPT để dự thi tốt nghiệp THPT thì các trường trung cấp, cao đẳng phải phối hợp với trung tâm GDTX, trung tâm GDNN-GDTX để các trung tâm chủ trì việc tổ chức dạy Chương trình GDTX cấp THPT đảm bảo chất lượng theo đúng các quy định của pháp luật hiện hành và các văn bản hướng dẫn của Bộ GDĐT.

Phóng viên: Trân trọng cám ơn ông!

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm