Đứa trẻ thi rớt lớp 10: "Con đã cố hết sức, bố mẹ đừng chửi con nữa"
(Dân trí) - "Con đã cố gắng hết sức, mong bố mẹ đừng chửi con nữa", đó là điều H. muốn nói với bố mẹ nhưng em không dám mở lời. H. đăng trạng thái đó lên mạng xã hội như để chia sẻ nỗi lòng rớt lớp 10.
H. vừa trải qua kỳ thi vào lớp 10 ở TPHCM vừa qua. Em rớt hết cả 3 nguyện vọng khi điểm thi không tốt, các trường em đăng ký lại đều nằm trong nhóm tăng điểm chuẩn.
Rớt lớp 10 là nỗi ám ảnh bám riết lấy H. từ nhiều năm nay, đến khi thi xong, nỗi sợ đó càng rõ rệt hơn khi em làm bài không như mong muốn.
Ngày 3/7, ngày có điểm chuẩn, biết chắc mình đã rớt, hóa ra nỗi sợ thi rớt với H. không đáng sợ bằng việc phải đối diện với bố mẹ, phải nghe những lời la mắng, chửi bới từ bố mẹ.
H. kể, ngày có điểm chuẩn, mẹ cầm cả bình nước ném vỡ toang giữa nhà rồi òa khóc nức nở.
H. lại ôm lấy mẹ nhưng bị bà hất ra, kèm đủ lời chê bai con bằng những từ ngữ nặng nề như ngu dốt, kém cỏi, vô tích sự… và cả ví với con vật này, con vật nọ.
Đứa con đứng đó nhìn mẹ đầy mặc cảm tội lỗi, khổ sở.
H. kiệm lời hơn nhưng em lại như mất hết năng lượng trước sự não nề trên khuôn mặt của bố. Ông buông ra lời nào ý như rằng H. sẽ thấy mình thật kém cỏi, yếu đuối, vô dụng…
Khi thấy H. cầm ly nước, chén cơm, ông nói ngay: "Mày vẫn nuốt trôi được hả?" làm cổ họng đứa trẻ nghẹn đắng.
"Con đã cố hết sức, bố mẹ đừng chửi con nữa", đây là điều H. muốn nói với bố mẹ nhưng em không dám mở lời. H. đăng tâm sự lên mạng xã hội lúc 1h sáng như có chỗ nói để ra lòng mình.
Dù rằng ở đó, em tiếp tục nhận về nhiều lời chỉ trích "ai bảo không lo học", "thi rớt cả 3 nguyện vọng còn trách ai"... từ những người xa lạ. Đâu đó, cũng có vài lời an ủi, động viên em.
Con rớt, bố mẹ tiếc… công đưa đón
Ngày 3/7, Sở GD&ĐT TPHCM công bố điểm chuẩn lớp 10. Ngay cạnh những tiếng hò reo, cạnh những bài viết khoe con thi đậu, điểm cao, thừa điểm còn là nước mắt, tiếc nuối lẫn khổ đau của hàng ngàn đứa trẻ, hàng ngàn gia đình trước kết quả thi lớp 10.
Chị Ng.M.T. (nhà ở Gò Vấp, TPHCM) cho biết không khí gia đình chị vô cùng nặng nề, ngột ngạt sau khi có điểm chuẩn lớp 10. Con gái chị thi điểm không quá thấp nhưng đặt nguyện vọng vào những trường có điểm chuẩn tăng nên rớt hết.
Cũng như nhiều gia đình khác, hai năm nay, bắt đầu từ năm con lớp 8 vợ chồng chị luân phiên nhau đưa đón con đi học thêm ôn thi vào lớp 10.
Ngoài giờ học chính khóa ở trường, mỗi tối và cuối tuần ngày 2-3 buổi anh chị lại đón đưa, chờ đợi cháu ở lớp học thêm không kể ngày nắng ngày mưa…
Chưa tính những năm trước đó, từ khi con học tiểu học, bố mẹ đã thường xuyên xếp lịch cho con học thêm, đưa đi đón về. Chi phí cho việc học thêm của con cũng chiếm một khoản lớn trong chi tiêu của gia đình.
Đợt con thi lớp 10, vợ chồng chị T. còn xin nghỉ việc cả nhà rồng rắn đưa con đi thi, ngồi chờ trước cổng trường động viên, cổ vũ tinh thần cháu.
Với người mẹ, tất cả những công sức bao năm của cả gia đình đã đổ sông đổ bể khi con… rớt hết các nguyện vọng. Chị im lặng không nói nhưng chồng chị, mấy hôm nay không ngừng trách con phụ công bố mẹ, rồi quay sang trách vợ bắt con học chỉ tốn công tốn sức, tiền bạc.
Nhiều ngày qua, con gái chị T. giam mình trong phòng. Cha mẹ con cái chưa thể bình tâm để bàn về phương án sắp tới con sẽ học ở đâu.
Không chỉ H. hay con gái chị T., chỉ riêng tại TPHCM, dựa vào số thí sinh dự thi và chỉ tiêu, có hơn 20.000 học sinh rớt khỏi lớp 10 trong kỳ thi năm nay. Sau ngày công bố điểm chuẩn, còn rất nhiều đứa trẻ như H. và nhiều gia đình như gia đình chị T. đang phải đối diện với cảnh thi rớt, con rớt.
Ngay trong mùa thi lớp 10 năm nay, trên mạng xã hội liên tục chia sẻ tình huống khi con thi rớt, con buồn hay bố mẹ buồn hơn, con hay bố mẹ đau hơn làm nhiều người ngậm ngùi.
Tình huống này phần nào nói lên nỗi buồn thê thảm của bố mẹ khi con thi rớt. Và phía sau "nỗi buồn của ba mẹ" cũng là áp lực kinh khủng, đáng sợ với nhiều đứa trẻ.
Bà Nguyễn Ngọc Vy, chuyên viên tâm lý học đường ở TPHCM cho hay, bố mẹ càng đổ nhiều công sức, kỳ vọng thì càng thất vọng, đau khổ khi con thi rớt. Trong tình huống này, các con cũng cần hiểu cho tâm trạng, lo lắng của bố mẹ. Lúc này vì đau khổ, người lớn có thể mất kiểm soát, có những lời lẽ không hay.
Tuy nhiên, hơn ai hết, bố mẹ cần xác định việc cho con ăn học, làm mọi thứ để con theo đuổi con đường học tập là trách nhiệm và cũng là lựa chọn của bố mẹ.
Bố mẹ có thể tốn nhiều thời gian, tiền bạc cho con học tập nhưng đứa trẻ không thi đỗ là việc bình thường, nhất là ở kỳ thi lớp 10 vốn khốc liệt và có cả yếu tố may rủi.
Bà Nguyễn Ngọc Vy khuyến cáo, bố mẹ nên tránh việc lấy công sức của mình đổ ra để trách móc con khi kết quả thi của con không như ý. Nếu không, đứa trẻ có thể rơi vào trạng thái thấy mình vô dụng, tội lỗi... cực kỳ nguy hiểm.
"Kỳ thi nào cũng chỉ là một lát cắt nhỏ trong cuộc sống, còn tình cảm bố mẹ con cái mới là thứ đi suốt cuộc đời chúng ta và cả cuộc đời đứa con", bà Vy nói.