Du học Thụy Sĩ: Coi chừng mắc bẫy!

Gần đây, không ít trường tư nhân không có chất lượng ồ ạt vào Việt Nam quảng cáo không trung thực, khiến cho nhiều du HS phải “tiền mất, tật mang”. Tác giả bài viết này từng là nạn nhân của các trung tâm “lừa”, chúng tôi xin trích đăng để bạn đọc tham khảo.

Thụy Sĩ vốn nổi tiếng về chuyên ngành quản lý khách sạn, du lịch, ngân hàng... nên thu hút nhiều du HS (du học sinh). Nhưng Chính phủ Thụy Sĩ hiện đã phải lên tiếng cảnh báo tình trạng lừa bịp trong lĩnh vực này. Thực tế không phải trường nào ở nước này cũng có uy tín, giúp du HS đạt được mơ ước học tập thành tài.

  

Sập bẫy lừa từ... quảng cáo

   

Có một vị trí ổn định tại Cipla, công ty dược phẩm nổi tiếng của Ấn Độ, nhưng Đ.Đ.H đã từ bỏ công việc, sang Thụy Sĩ học lấy bằng MBA vì muốn tiếp thu những kiến thức hiện đại ở đất nước châu Âu này. Cùng mục đích như Đ.Đ.H, em N.H rời gia đình sang Thụy Sĩ đeo đuổi ước mơ thành tài, mặc dù chi phí một năm học không rẻ chút nào: 16.000 USD.

 

Nhưng, cả 2 du HS Việt Nam không thể ngờ rằng ngôi trường các em kỳ vọng thực tế chỉ là những trường tư nhỏ, thiếu thốn trang thiết bị. Đ.Đ.H và N.H phải tự tìm chỗ thực tập nếu không muốn thực tập... rửa chén do trường giới thiệu. Bi kịch không dừng lại ở đó, Đ.Đ.H và N.H trở thành tứ cố vô thân khi khóa học chưa kết thúc mà  trường  học của các em tuyên bố phá sản.

 

Không chỉ 2 em, nhiều du HS đến từ Trung Quốc, Ấn độ, Nepal, Malaysia cũng bị sập bẫy lừa từ quảng cáo. Luật kinh doanh tại Thụy Sĩ hết sức thoáng, cá nhân nào cũng có thể mở trường như mở tiệm bán bánh kẹo. Các công ty tư vấn đã đưa lời quảng cáo hấp dẫn, như bằng cấp có giá trị quốc tế, sau khóa học được chấp nhận chuyển tiếp đến làm việc tại các nước châu Âu, Mỹ, Canada...

 

Có trường quảng cáo tiêu chuẩn “châu Âu”, nhưng thật ra các trường này chẳng được công nhận bởi chính nhà nước Thụy Sĩ, nên họ mua credit của các trường ở nước khác (rất dễ dàng, bằng cách đóng thuế) để núp bóng. Có quảng cáo còn nói “Từ Thụy Sĩ, SV chuyển tiếp đến các nước châu Âu không cần visa”, điều này không chính xác vì Thụy Sĩ không nằm trong Liên minh châu Âu. Muốn sang nước châu Âu khác, bất kỳ một công dân mang quốc tịch Việt Nam nào cũng phải xin visa.

 

Nhận định về du học Thụy Sĩ, báo chí của chính nước này có nhiều thông tin các trường quản lý khách sạn: cứ mở ra liên tục nhưng cũng đóng cửa liên tục vì phá sản, như các trường QLKS College Suisse ở Einsiedeln, trường International Language Institute, trường Hotel Management school... chỉ kinh  doanh chưa đầy 1 năm đã đóng cửa. Ông Trần Hùng, Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Sĩ, cũng cho biết nhiều SV Việt Nam - nạn nhân  các trường - đang kêu cứu với đại sứ quán. Với luật kinh doanh tự do tại Thụy Sĩ, SV sẽ không được bảo vệ và khó lấy lại được học phí.

 

Làm sao để không “tiền mất tật mang”?

 

Thụy Sĩ có hơn 20 trường quản lý khách sạn nhưng chỉ có 6 trường được Bộ Giáo dục Thụy Sĩ công nhận và đảm bảo quản lý về chất lượng khóa học. Đó là các trường:

 

1. Écôle Hotelìere de Genève www.ehg.ch giảng dạy bằng tiếng Pháp. 2. Schweizerische HotelfachSchule Luzern www.shl. 3. Belvoirpark Hotelfachschule Zurich www.belvoirpark.ch. 4. Hotelfachschule Thun www.hfthun.ch  (các trường này giảng dạy bằng tiếng Đức). 5. SSTH Swiss School of Tourism and Hospitality www.ssth.ch, trường duy nhất tại Thụy sĩ giảng dạy bằng 2 ngôn ngữ tiếng Đức và tiếng Anh. 6. SSAT Hotel management school Lugano (Scuola Superiore Alberghiere e del Turismo) giảng dạy bằng tiếng Ý.

 

Tất cả 6 trường nói trên được bảo đảm tuyệt đối cơ sở vật chất, chất lượng giáo dục và đào tạo của Bộ Giáo dục Thụy Sĩ được chấp nhận vào hệ thống trường đại học Thụy sĩ (HES) để tiếp tục hoàn thành hệ cử nhân hay thạc sĩ.

 

Đây là những trường hoạt động mang tính chất giáo dục thuần tuý hơn là kinh doanh, được chính phủ hỗ trợ ngân sách. Chính vì vậy, học phí (chưa bao gồm phí ăn, ở, bảo hiểm sức khỏe) thấp, từ 1.000USD đến 5.000USD/học kỳ (4 đến 6 tháng) tùy theo mỗi trường so với những trường tư thục giảng dạy bằng tiếng Anh học phí từ 12.000USD đến 18.000USD/học kỳ lý thuyết (4 đến 6 tháng).

 

SV ở những trường này được thực tập có trả lương  tại các khách sạn hoặc nhà hàng Thụy Sĩ. Ngược lại, ở những trường tư nhân, SV đi thực tập thường bị bóc lột sức lao động thay vì học hỏi kinh nghiệm. Mặt khác, các trường tư nhân có quảng cáo “đào tạo cử nhân đại học, thạc sĩ”  tuy nhiên các bằng này không liên quan hay được công nhận bởi Bộ Giáo dục Thụy Sĩ.

 

Để có những thông tin chính xác và được tư vấn miễn phí về các trường quản lý khách sạn ở Thụy Sĩ, phụ huynh và HS có thể vào trang web của Swiss study www.swissstudy.info do du HS Việt Nam từng du học tại Thụy Sĩ thiết lập. Là tổ chức phi lợi nhuận, Swiss study còn giúp HS, SV tìm nhà ở, tìm việc làm thêm cuối tuần, việc làm hè tạo thêm điều kiện thu nhập.

 

 

Lê Thị Nga

(Viết từ Thụy Sĩ)

Theo Sài Gòn Giải Phóng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm