Du học sinh Việt tại Pháp: Bàng hoàng, xót xa khi Nhà thờ Đức Bà Paris bị cháy
(Dân trí) - Sinh sống, học tập ở Pháp nhiều năm, các du học sinh Việt đã có những mảnh ký ức vô cùng đẹp đẽ, lãng mạn với Nhà thờ Đức Bà Paris. Bất ngờ, buồn bã, xót xa, tiếc nuối là những cung bậc cảm xúc của họ khi nơi được xem là “trái tim Paris” bị cháy dữ dội.
Một ngày buồn với nước Pháp, với Paris - bạn Nguyễn Hoàng Trâm Anh, nữ du học sinh Việt tại Đại học Paris Diderot (Paris 7) hiện đang phụ trách truyền thông của Hội sinh Việt Nam tại Pháp (UEVF) ngậm ngùi chia sẻ trên trang Facebook của Hội.
Theo đó, vào khoảng 6:50 tối ngày 15/4, hàng trăm lính cứu hỏa đã cố gắng cất công dập tắt đám cháy đang tàn phá nhà thờ Đức Bà - Notre Dame de Paris. Khi ngọn lửa bốc lên trên gác mái của nhà thờ, từng thứ một như sụp đổ. Cảnh Nhà thờ từng là nơi tôn nghiêm, an yên đến vậy, nay ngập trong lửa khói không khỏi làm những người dân sống tại Paris, Pháp đau lòng.
Có người chia sẻ: "Tôi đang đứng khóc trước nhà thờ Đức Bà, cơn cháy làm tôi muốn phát điên lên. Tôi là người Paris, sinh ra ở Paris, bụng tôi đau quặn thắt lại khi nhìn cảnh đau lòng ấy” - bà Valerie, hơn 50 tuổi, mắt đỏ hoe độ nói: “Đã hai mươi mốt năm kể từ khi tôi rời khỏi nhà và điều đầu tiên tôi nhìn thấy là nhà thờ Notre Dame… Đây hẳn là một cú sốc, tim tôi vỡ thành hàng trăm, hàng nghìn mảnh”.
Tổng thống Cộng hòa Pháp, Emmanuel Macron, người đã hoãn bài phát biểu, hiện đang có mặt với thủ tướng Edouard Philippe tại chính hiện trường vụ cháy.
Ngay bây giờ, tại sân trước của Hotel de Ville, nơi hàng trăm người dân Paris và khách du lịch tiếp tục giữ sự im lặng tuyệt đối, xung quanh chỉ là tiếng còi xe cứu hoả inh ỏi... Trên hai bên đường đi, người dân Pháp vỗ tay khi nhìn thấy dàn lính cứu hỏa
Một vài khuôn mặt rơi nước mắt, nhiều khuôn mặt choáng váng, những nỗi đau hẳn chưa nguôi..
Một vài người chỉ cho phóng viên hình ảnh mới chụp nhà thờ từ vài tiếng trước, khi tất cả còn nguyên vẹn. Vài người vẫn kiên quyết không rời đi, như tất cả chỉ là một giấc mơ. Vài tiếng nói:
- "Tôi không thể rời đi.
- Chúng tôi không chịu được
- Xin đây đừng là sự thật"
“Hôm nay, hẳn là một ngày buồn cho Paris, cho nước Pháp, cho những tình yêu vô hạn dành tặng một địa điểm tượng trưng cho du lịch của Paris với hàng trăm, hàng triệu lượt khách viếng thăm mỗi năm.
Nhưng ngày mai, hẳn sẽ khác, nước Pháp vẫn là như vậy, con người Pháp vẫn là như vậy, họ đứng lên, xây dựng lại từ những tàn tro, từ những đổ nát, từ những điều không thể. Hãy vẫn cứ vững tin là như vậy”, Trâm Anh chia sẻ như khẳng định sẽ luôn dành niềm tin và tình yêu cho địa danh văn hóa, lịch sử nổi tiếng này.
Trao đổi với PV Dân trí, Phan Tùng - chàng trai Việt hiện là thực tập sinh chương trình Thạc sĩ (Master 2) tại Đại học Clermont-Ferrand cũng không khỏi tiếc nuối: "Chỉ vừa cách đây vài ngày, tôi có dịp ghé thăm Paris và tạt qua thăm nhà thờ Đức Bà, nó vẫn vậy vẫn mang dáng dấp thiêng liêng với bề dày lịch sử.
Khi nghe tin, tôi cũng cảm thấy buồn và xót cũng như những người dân ở Paris và toàn nước Pháp, vì có thể nói đối với các bạn du học sinh trên nước Pháp như tôi thì Pháp dường như là quê hương thứ 2. Hi vọng Nhà thờ sớm được phục hồi!".
Cùng chung cảm xúc, em Nguyễn Cao Trần Phương (du học sinh Việt tại Đại học Grenoble-Alpes nói: "Là một du học sinh Pháp, được học và tìm hiểu về nền văn hoá lâu đời nước Pháp, câu chuyện về Notre Dame với bề dày lịch sử 850 năm và “Thằng gù ở Nhà thờ Đức Bà” đã từng lại ấn tượng cho em từ lúc còn ngồi trên ghế nhà trường ở Việt Nam và tự hứa sẽ phải đặt chân đến đây một lần".
Nhà thờ Đức Bà Paris luôn là kỳ ức đẹp đẽ, thiêng liêng trong trái tim nhiều du học sinh Việt.
"Hôm qua xem tin Nhà thờ Đức Bà Paris bị cháy lớn, cảm xúc buồn, xót xa, em cũng như tất cả người dân nước Pháp đã như dừng lại, chỉ biết im lặng và hối tiếc trước khoảnh khắc di sản văn hoá 800 năm tuổi sụp đổ...
Có lẽ em cũng như rất nhiều người đã may mắn được đến Paris và ghé thăm nhà thờ Đức Bà, nhưng với hàng triệu người thì điều đó sẽ trở thành ước mơ xa xỉ trong nhiều năm tới...", chàng trai Việt xót xa chia sẻ.
Xót xa vì những bất ổn ở Paris...
Anh Nguyễn Phan Bảo Thụy - Phó chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam tại Pháp (UFVF) tâm sự: “Đó là một chuyện không ai mong muốn nhưng điều đó đã xảy ra với một biểu tượng tôn giáo, văn hoá của Paris nói riêng và Pháp nói chung.
Mọi người đều rất tiếc nuối và đau buồn khi một hình ảnh quen thuộc sẽ không còn được nhìn thấy trọn vẹn mỗi lần đi ngang sông Seine”.
Hội sinh viên Việt Nam tại Pháp cũng đang kêu gọi trên trang Facebook của mình một phần nhỏ đóng góp mang tính biểu tượng để gửi tặng Nhà thờ Đức Bà Paris.
“Người Pháp nói : “L’histoire ne meurt jamais” - lịch sử sẽ không bao giờ chết. Đúng vậy, một công trình được xây dựng từ năm 1163, vừa kỉ niệm tuổi 850 của mình thì sau vài năm bị bốc cháy dữ dội khi đang được trùng tu.
Chúng tôi đã thấy những người Pháp rơi lệ khi trực tiếp nhìn thấy cảnh tượng đó, ngay cả lúc trên tất cả hệ thống tàu điện ngầm (metro) được Thông báo Nhà thờ Notre Dame de Paris đang bị cháy dữ dội .
Tất cả các nhà thờ tại Pháp đang cầu nguyện cho Notre Dame de Paris. Mặc dù hiện nay 60% người Pháp nhận mình là người Công giáo, nhưng với người Pháp nói chung, từ lâu nó đã trở thành một biểu tượng tâm linh, văn hoá và du lịch vô cùng lớn và không thể thay thế”, Bảo Thụy chia sẻ.
Bao nhiêu thơ văn và bài hát đã viết về Đoạn sông Seine nơi chảy qua nhà thờ, với khu vườn thơ mộng nho nhỏ, tượng thánh, tượng giáo hoàng, đàn bồ câu, chiếc cầu gỗ, tiếng kèn của những người nghệ sĩ không nhà... Giờ đây đã thực sự trở thành một kỉ niệm buồn và trống vắng khi Notre Dame de Paris không còn nguyên vẹn ban đầu nữa!
“Với cá nhân tôi, 7 năm ở Pháp, năm nào cũng hàng chục lần ghé ngang đây với bạn bè, nó trở nên quá đỗi thân quen.
Sáng nay, tôi vội vàng chạy ra để chứng kiến cảnh hoan tàn đó, thực sự đau lòng. Những năm qua nước Pháp đã liên tục hứng chịu liên tục nhiều nỗi đau và bất ổn thật khiến người ta xót xa một Paris hoa lệ, một nước Pháp - một nền văn minh lớn.
Là một người Việt sống trên đất Pháp, tôi mong Chúa sẽ ban phước và tình thương cho Paris, mong cộng đồng giáo dân Công giáo thế giới cùng chung tay xây dựng lại. Là một Phật tử, tôi nguyện cầu chư Phật để Paris và nước Pháp đừng chịu thêm bất cứ sự tổn thương nào nữa”, anh Phan Nguyễn Bảo Thụy gửi lời nguyện cầu đến Nhà thờ Đức Bà Paris.
Lệ Thu