Du học sinh Việt cùng chung tay vì “Cơm Có Thịt”
(Dân trí) - “Để các em bé vùng cao có vài miếng thịt trong bát cơm hàng ngày, ít thôi nhưng đều đặn…”, đó là mục đích của chương trình nhân ái thu hút được sự quan tâm một cách mạnh mẽ của các bạn DHS Việt trên toàn thế giới trong suốt thời gian qua.
Cơm Có Thịt
Những hình ảnh các em bé vùng cao mặt mày nhem nhuốc, cởi trần hay độc một thân áo mong manh trong những ngày đông giá buốt hay lũ trẻ quanh năm với bát cơm hai màu xanh - trắng khiến ai thấy cũng không khỏi chạnh lòng.
Chắc chắn rằng nhiều người không thể tin nổi nguồn thực phẩm cho 80 em học sinh tiểu học và 45 em học sinh trung học cơ sở trong khu nội trú dân nuôi chỉ là 2kg gạo và 5.000 đồng mỗi tuần một em do cha mẹ đóng góp. Một con số quá ít ỏi so với nhu cầu ở độ tuổi của các em nhưng đó lại là sự thật! Và “Cơm có thịt” đã ra đời…
“Cơm Có Thịt” (CCT) là chương trình từ thiện giúp tổ chức nấu ăn và thêm thực phẩm cho bữa ăn tại trường học của học sinh tại một số điểm trường vùng cao khó khăn, nơi các em bé nghèo quanh năm đi học chỉ có cơm trắng và muối giềng, ít có thức ăn giàu dinh dưỡng. Song song và sau giai đoạn hỗ trợ về dinh dưỡng, CCT mở rộng sự trơ giúp sang các nhu cầu khác như nước sạch, vệ sinh, sách vở, đồ dùng học tập … cho các em. “Cơm có thịt” sẽ phần nào giúp các bữa ăn của những em bé vùng cao đầy đủ dinh dưỡng hơn. CCT được tiến sĩ Trần Đăng Tuấn và các cộng sự khởi xướng tháng 9/2011 tại Việt Nam, tới 10/2012 đã lan rộng ra nhiều nước, nó có sực lan tỏa đặc biệt mạnh mẽ trong cộng đồng DHS trên khắp thế giới: từ Mỹ đến Úc; từ Nhật, Hàn, Trung, Singapor đến các nước Châu Âu như Thụy Điển, Phần Lan và hiện tại là Hà Lan, Ba Lan, Đức, Pháp đang rục rịch khởi động,… |
Cộng đồng du học sinh Việt Nam thao thức vì “Cơm Có Thịt”
Cộng đồng du học sinh Việt Nam nói riêng và cộng đồng người Việt tại Úc nói chung là nơi đầu tiên phát động phong trào CCT tại nước ngoài. Chỉ trong một thời gian ngắn, lời kêu gọi CCT từ Úc đã biến thành một phong trào có sức lan tỏa mạnh mẽ khiến cho cộng đồng người Việt tại đây phải thao thức.
“Để bữa ăn của các bé có thịt mỗi ngày, ít thôi nhưng đều đặn đã được truyền đi tới khắp xứ sở chuột túi. Từ Brisbane, Melbourne tới Sydney; từ Canberra, Albury, Wollonggong, Gold Coats, Perth, Adelaine, tới Ballarat, … Tất cả đều muốn chung tay để giúp tuổi thơ các em thêm tròn đầy hơn…
Rồi "Cơm Có Thịt" lan tới cộng đồng người Việt ở Mỹ, đặc biệt được các bạn sinh viên, nghiên cứu sinh đông đảo tại đây hưởng ứng phong trào một cách vô cùng hào hứng dưới sự kết nối của các Đại sứ CCT. Chương trình được bắt đầu với ba đại sứ tới từ 3 bang thì tới nay, sau khoảng 3 tuần vận động, chương trình đã có 19 đại sứ tại 14 bang trên toàn nước Mỹ. 12 giờ trưa (giờ Hà Nội) ngày 6/11, "Cơm Có Thịt" từ nước Mỹ đã tổng kết đợt quyên góp đầu tiên với số tiền gần 11.000 đô-la Mỹ. Một con số ấn tượng!
Một sự kết nối cộng đồng vô cùng mạnh mẽ ! Như lời sẻ chia đầy yêu thương của bạn Võ Ngọc Ánh, đại sứ của CCT tại Mỹ : “Từ phương xa, mình và rất nhiều các bạn nữa, bằng tất cả tấm lòng muốn sẻ chia những thiếu thốn trong từng bữa cơm, chiếc áo, đến đôi dép của các em nhỏ vùng cao.
Mình và các bạn, chúng ta có thể chưa được gặp các em nhưng sẽ không khỏi chạnh lòng khi nhìn thấy các em trong cái tím tái của mùa đông trên những miền đồi núi, trong mỗi bàn chân không dép lẫm chẫm qua triền dốc, trong mỗi bát cơm chỉ có màu xanh của rau, nó xanh ngát một màu như núi đồi của các em vậy… Với những sự cố gắng của chúng ta có thể mang về cho các em những TẤM LÒNG, để từ mùa đông này, các em sẽ được sưởi ấm …”.
Ngoài những đóng góp cá nhân, các bạn du học sinh tại Thụy Điển và Phần Lan còn có ý tưởng rất hay là quyên góp quần áo, đồ dùng không dùng tới của mọi người và thuê một gian hàng bán lấy tiền để quỹ CCT ngày một đầy thêm.
Hình ảnh các bạn du học sinh tại Phần Lan hào hứng trong quầy hàng bán đồ cũ để ủng hộ CCT
Hình ảnh đẹp về lòng nhân ái
Sau khoảng hơn 1 năm hoạt động, CCT đã gây quỹ được trên 5 tỉ đồng, tương đương 250.000$ tiền đóng góp để hỗ trợ bữa ăn cho tổng cộng 187 điểm trường, thuốc 28 trường ở 26 xã thuộc khu vực tây Bắc với hơn 5.000 hoc sinh. Và chắc chắn, con số này sẽ được lớn dần hơn nữa với sức mạnh kết nối cộng đồng của du học sinh Việt nói riêng và cộng đồng người Việt ở nước ngoài nói chung.