Du học - Cuộc thử thách bản thân

Một mình tự do nơi đất khách, du học sinh phải đối mặt với trăm nghìn khó khăn, vất vả. Nếu không có tinh thần tự giác, tự lập, tự phấn đấu, không ít người sẽ phải sớm rẽ ngang trên con đường du học.

Từ trăm nghìn khó khăn thường nhật...

 

Đến một nước hoàn toàn xa lạ, cách xa quê hương hàng nghìn cây số để học tập, du học sinh sẽ phải đối mặt với trăm vàn khó khăn về vật chất, cũng như tinh thần trong cuộc sống thường nhật.

 

Đối với phần lớn du học sinh, trở ngại về ngôn ngữ, sự khác biệt về phong tục tập quán... là những khó khăn đầu tiên vấp phải. Nhiều người dù đã học kỹ ngoại ngữ, và ở nhà rất tự tin, nhưng đến khi ngồi ở “giảng đường ngoại”, nghe thầy ngoại giảng mới thấy như… vịt nghe sấm sét.

 

Hà Trang, du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản tâm sự: Những ngày đầu lên giảng đường, dù rất cố gắng nhưng cũng chỉ hiểu lơ tơ mơ những điều giảng viên “bắn lia lịa” như súng máy. Rồi khối lượng bài tập về nhà khổng lồ, những dự án, bài luận phải tự viết bằng thứ tiếng... không phải mẹ đẻ làm em không khỏi lúng túng...”.

 

Bên cạnh khó khăn về ngoại ngữ, phương pháp học tập ở nước ngoài cũng không mấy giống như cách thầy đọc – trò chép ở Việt Nam, mà thường thiên nặng về tự học, tự nghiên cứu.

 

Việc phải mần mò tự tìm đọc tài liệu, viết luận, làm dự án... cũng làm nhiều sinh viên toát mồ hôi hột, nhất là với những người du học theo diện tự túc không có thành tích học tập tốt.

 

“Xảy nhà ra thất nghiệp”, hơn ai hết du học sinh là người thấu kinh nghiệm đó. Một mình nơi không họ hàng, thân thích, từ việc thuê nhà trọ, đi lại, ăn uống đến các mối quan hệ xã hội..., các bạn trẻ đều phải tự mình đưa ra quyết định trong khuôn khổ “ngân sách” được gia đình cung cấp.

 

Rồi những lúc ốm đau, những khi gặp rủi ro, những tối một mình nằm trong phòng trọ mặc cho nỗi cô đơn và nhớ nhà cắn xé, mới thấy tủi thân đến rơi nước mắt...

 

Đến đánh mất mình nơi đất khách

 

“Đừng đánh mất mình như tôi nơi đất khách”, đó là lời khuyên chân thành rút từ tim gan của N. T. K trên một diễn đàn của du học sinh Việt Nam tại Pháp (www.uevf.fr).

 

Chỉ vì đánh liều làm giả giấy tờ chăm chỉ của khoá học tiếng khi đang theo chương trình cao học tại Pháp, K đã bị buộc phải về nước. Nếu không tuân thủ, K sẽ bị cưỡng ép về nước và bị phạt hàng nghìn euro. Giấc mơ du học đầy ắp bao hoài bão của bản thân, niềm kiêu hãnh của gia đình, họ hàng, bè bạn… thế là tan biến.

 

Với quyết tâm tu nghiệp tại Pháp, K khăn gói quả mướp lên đường du học khi đã tốt nghiệp đại học trong nước. Giống như bao du học sinh khác, K đăng ký học tiếng tại những cơ sở học tiếng ở Paris như  CFILC, Sorbonne, Alliance francais…

 

Nhưng do chủ quan, không chú ý đến việc học tiếng, K dành thời gian cho việc làm thêm kiếm sống và hoàn thiện những dự án phải nộp trong kỳ sát hạch vào cao học.

 

Đến khi được nhận vào nghiên cứu tại một trường có tiếng ở Paris, việc phải viết dự án bằng tiếng Pháp làm K lúng túng. Không những thế, để đủ điều kiện làm mới gia hạn thẻ cư trú, K đã đánh liều làm giả giấy chăm chỉ từ những khoá học tiếng mà anh không có vì đã thường xuyên bỏ học.

 

“Tôi đã mắc một sai lầm nghiêm trọng. Tôi muốn tâm sự với các bạn, mong sao có thể làm một ví dụ điển hình về việc tắc trách với bản thân. Đừng ai vấp phải lỗi lầm nghiêm trọng như tôi nữa”, K đau sót viết trên diễn đàn.

 

Khác với kiểu “đánh mất mình” vì vi phạm pháp luật nước sở tại vốn không nhiều như trường hợp của K, tình trạng du học sinh đánh mất mình vì đam mê cờ bạc phổ biến hơn. Nhắc đến “bộ môn” này, Trọng Tuệ, sinh viên Đại học Nottingham (Anh) thẳng thắn: Chuyện thường ngày ở huyện!.

 

Tuệ cho biết, các sinh viên nam thường là những người đóng vai chính trong việc đóng cửa sát phạt lẫn nhau. Thay vì chú tâm đến sách, vở, giáo trình, lên thư viện, họ dùng bài, tá lả, poker để kiếm tiền và giải trí. Tuy là những cuộc chơi “tự biên tự diễn”, nhưng nhiều du học sinh còn say đòn đến nỗi viết giấy nợ để… gán bạc.

 

Như để minh chứng, Tuệ kể về trường hợp của một “đàn em” tên N (SN 1986). “Có lần, N đánh bạc thua 4000 bảng Anh. Bố mẹ gửi cho 1000 bảng, chưa đầy tháng sau thì cũng bay hết”...

 

Tất nhiên, kết quả học tập của cậu ấm con nhà giàu này là mất tới 3 năm chưa học xong chương trình phổ thông ở Beeston (Nottingham, Anh), trong khi người khác chỉ mất có 1 đến 2 năm.

 

Không phải ai cũng đánh mất mình nơi đất khách, nhưng rõ ràng, nếu không có bản lĩnh để vượt qua bản thân thì nguy cơ sa ngã là hiện hữu. Bởi lẽ, được “thả” trong một môi trường tự do, không người thân giám sát, du học sinh rất dễ “cuốn theo chiều gió” của những tệ nạn.

 

Rồi cả hàng trăm nghìn những khó khăn đời thường tưởng như “nhỏ như con thỏ”, nhưng đến khi bắt tay giải quyết mới thấy phức tạp... Ai bảo là du học không phải là cả một quá trình thử thách?

 

Theo Xuân Mai

Tiền Phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm