Dù cuộc sống khó khăn, học sinh Quảng Trị vẫn nô nức dự lễ khai giảng
(Dân trí) - Năm học 2016-2017 có thể xem là năm học đầy khó khăn với học sinh vùng biển các tỉnh miền Trung, trong đó có Quảng Trị. Hàng vạn gia đình ngư dân đã và đang chịu ảnh hưởng do sự cố môi trường do Formosa gây nên, khiến đời sống gia đình rơi vào cảnh khốn khó. Và con đường theo đuổi giấc mơ học vấn của con em họ sẽ gặp không ít trở ngại trong thời gian tới...
Xã Gio Hải là địa phương thuộc vùng biển bãi ngang của tỉnh Quảng Trị. Cuộc sống của phần lớn ngư dân phụ thuộc vào việc mưu sinh trên biển. Tuy nhiên, mấy tháng nay, người dân phải úp thuyền nằm bờ và không thể ra khơi. Ngày khai giảng năm học mới tại trường THCS Gio Hải, huyện Gio Linh cũng được tổ chức khá gọn nhẹ.
Theo ghi nhận của PV, buổi lễ khai giảng được tổ chức khoảng 60 phút. Các em học sinh trong trang phục áo trắng, quần xanh, khuôn mặt rạng rỡ. Em Võ Thị Luyến, học sinh lớp 9 thay mặt cho học sinh toàn trường bày tỏ niềm phấn khởi khi bước vào năm học mới và hứa sẽ quyết tâm học tập thật tốt dưới mái trường thân yêu.
Trao đổi nhanh với PV, thầy giáo Trần Lương Quang, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, toàn trường có 217 học sinh, phần lớn là con em ngư dân.
"Dù cuộc sống khó khăn nhưng các bậc phụ huynh vẫn động viên con em theo học và tham gia lễ khai giảng đông đủ. Số học sinh thuộc diện nghèo, cận nghèo cũng chiếm tỷ lệ cao. Để động viên học sinh đến trường, Ban giám hiệu cũng hết sức quan tâm, huy động các nguồn quỹ để có thể giúp các em theo đuổi giấc mơ học tập. Nhà trường cũng nỗ lực phối hợp với chính quyền địa phương và gia đình các em để động viên các em đi học, duy trì sĩ số. Năm học 2015-2016, chất lượng học tập của học sinh đạt 66% học sinh lực học khá, giỏi. Nhiều em tham gia kỳ thi Học sinh giỏi đều đạt giải cao", thầy Quang cho biết.
Tại trường Tiểu học Gio Hải, hơn 230 em học sinh cũng tham gia lễ khai giảng đầy đủ. Các học sinh trong trang phục mới tỏ ra phấn khởi khi tham gia lễ khai giảng.
Cô giáo Lê Thị Phương Thảo, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, năm nay các em học sinh là con em ngư dân có thể sẽ gặp nhiều khó khăn do đời sống kinh tế bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, sáng nay phụ huynh vẫn đưa học sinh đến trường khai giảng đông đủ. Nhà trường cũng xây dựng các nguồn quỹ khuyến học để giúp đỡ các em học sinh khó khăn.
Trong năm học mới 2016-2017, toàn tỉnh Quảng Trị có 476 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên với 160.047 học sinh, trong đó tuyển mới ở các cấp học là 36.337 học sinh.
Trước khi bước vào năm học mới hầu hết các đơn vị, trường học đã tập trung tu sửa các phòng học, công trình vệ sinh, nước sạch; làm vệ sinh trường học đảm bảo điều kiện tốt nhất đón năm học mới.
Tại trường PTDT nội trú huyện Đakrông có 280 em học sinh là con em người đồng bào Vân Kiều theo học. Mặc dù trong điều kiện khá thiếu thốn về kinh tế nhưng phụ huynh các em vẫn cố gắng cho các em đến lớp. Nhiều em đã vượt quãng đường gần chục cây số băng rừng để có mặt trong buổi tựu trường.
Tại trường Mầm non Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ, các cháu Mầm non cũng vui mừng tham gia lễ khai giảng năm học mới. Năm học này trường có 330 cháu, trong đó có 40 cháu mầm non và 70 cháu mẫu giáo lần đầu đến khai giảng.
Năm học 2016-2017, ngành giáo dục Quảng Trị dành sự quan tâm đặc biệt đối với học sinh vùng biển, những nơi vừa chịu ảnh hưởng của Formosa. Toàn tỉnh hiện có 16.243 học sinh có hộ khẩu thuộc các xã vùng biển thuộc 4 huyện Vĩnh Linh (Xã Vĩnh Thái, Vĩnh Thạch, Vĩnh Giang, TT Cửa Tùng), Gio Linh (Xã Trung Giang, Gio Hải, TT Cửa Việt, Gio Việt), Triệu Phong (Xã Triệu An, Triệu Vân, Triệu Lăng) và Hải Lăng (Xã Hải An, Hải Khê).
Trước tình hình học sinh vùng biển gặp nhiều khó khăn khi bước vào năm học mới như: gia đình không có tiền để đóng góp học phí và các khoản thu đầu năm; nhiều em thiếu sách, vở, dụng cụ, phương tiện học tập; nguy cơ bỏ học cao…, Sở GD&ĐT đã trình HĐND tỉnh, UBND tỉnh đề nghị miễn, giảm học phí và bảo hiểm y tế cho các đối tượng học sinh vùng biển bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển.
Bên cạnh đó, chỉ đạo các phòng GD&ĐT và các trường học thống kê thực trạng học sinh vùng biển, nắm cụ thể hoàn cảnh của từng học sinh để vận động học sinh đến trường, có giải pháp giúp đỡ. Trước mắt ngành chỉ đạo các trường học tổ chức phát động trong giáo viên và học sinh, quyên góp ủng hộ, giúp đỡ học sinh vùng biển; tích cực vận động các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm trao học bổng cho học sinh nghèo, hỗ trợ sách giáo khoa và dụng cụ học tập cho học sinh vùng biển; chỉ đạo các trường giảm một số khoản thu trong năm học để giảm bớt gánh nặng cho gia đình học sinh…
Đ. Đức