Bạn đọc viết:

Đồng phục: Lãng phí và sự sáng tạo

(Dân trí) - Đầu năm học, bên cạnh nhiều vấn đề đáng quan tâm của giáo dục, chuyện đồng phục lại nổi cộm lên với nhiều quy định khe khắt từ nhà trường.

Đọc hai bài viết “Bàn về đồng phục học sinh” và “Đồng phục cả bìa đọc sách: Đẹp thì có đẹp…” trên báo Dân trí, tôi hoàn toàn đồng cảm với tâm sự của tác giả. Đồng phục đang tạo ra sự lãng phí và triệt tiêu sự sáng tạo của người học.

Nét đẹp học đường lâu nay của học sinh vẫn là màu áo trắng tinh khôi đi kèm với chiếc quần xanh giản dị. Theo dòng chảy của thời gian, hầu hết các trường học từ mầm non đến đại học bắt đầu chú ý đến việc quy định đồng phục cho học sinh.

Ở địa phương tôi, màu áo đồng phục nổi bật nhất vẫn là xanh lơ gắn kèm logo của từng trường. Các cháu tiểu học thì có đồng phục váy, quần, áo thể dục, áo khoác. Các em cấp ba thường mặc đồng phục áo đoàn thanh niên.

Vào những ngày mặc đồng phục, sắc màu chung ấy hòa làm một nền nã và đẹp mắt vô cùng. Quan trọng hơn, đồng phục còn giúp các cháu học sinh giảm sự phân biệt, khoảng cách giàu nghèo. Đến trường, tất cả các bạn đều như nhau trong cùng bộ đồng phục, học tập trong môi trường giống nhau, nhận sự tôn trọng trong ứng xử như nhau. Chính lý do ấy giúp học đường trở thành môi trường thân thiện, hòa đồng, kết nối.

Tuy nhiên, tôi bắt gặp khá nhiều trường hợp đồng phục làm khó phụ huynh và học sinh. Cháu tôi đang học cấp hai ở một ngôi trường vùng ven thành phố. Mấy năm nay, nhà trường duy trì đồng phục áo trắng có cổ và vai áo viền xanh lơ gắn logo trường. Đồng phục thể dục thì quy định mỗi khối mỗi màu áo.

Mỗi chiếc áo được bán với giá khá rẻ, tầm sáu đến bảy chục ngàn đồng, vừa với túi tiền của phụ huynh vùng nông thôn. Bọn trẻ được giáo dục kỹ nên rất có ý thức bảo quản áo quần nên chiếc áo nào bị chật đều được dành để lại cho em út vào trường nhằm tiết kiệm chi phí.

Thế mà trong năm học này thầy hiệu trưởng vừa chuyển công tác về lại quyết định thay đổi mẫu đồng phục. Áo trắng tinh, không còn viền xanh nữa và thay luôn mẫu logo ở tay áo. Thế là toàn bộ học sinh trong trường đều phải mua đồng phục mới từ 1 - 2 áo và bộ thể dục mới với mẫu logo mới. Lãng phí đến vô cùng!

Một cháu khác của tôi học trường tiểu học có tiếng ở thành phố cũng có chuyện cách đây khoảng hai năm trước, khi hiệu trưởng mới về nhận công tác cũng thay đổi mẫu mã đồng phục buộc phụ huynh phải mua sắm lại từ đầu, còn những chiếc áo đồng phục cũ dẫu còn mới tinh tươm nhưng phải vất xó. Vả lại, giá áo đồng phục còn tăng chóng mặt gây sự bất bình lớn trong phụ huynh.

Theo quy định với một thời hạn nhất định, cán bộ quản lý lại được luân chuyển giữa các trường trong cùng phòng giáo dục. Vậy nên, cứ mỗi lần thay đổi hiệu trưởng là trường lại làm một cuộc cải cách về đồng phục ư?

Dẫu giá cả có phải chăng và chất lượng đồng phục tốt đến đâu đi nữa thì khi nhà trường đứng ra bán đồng phục, điều tiếng dị nghị tất nhiên sẽ tồn tại. Những con số hoa hồng mà cơ sở may mặc đưa ra không hề được công khai nhưng chắc chắn nó sẽ đủ sức cám dỗ những ai chưa đủ tài, đủ tâm làm người quán lý giáo dục!

Đồng phục hôm nay đã đi xa hơn chuyện một bộ áo quần chung thống nhất mang màu sắc riêng của từng trường. Đồng phục hôm nay còn yêu cầu giống nhau đến cả cặp sách, giày dép, bút thước, giấy bao vở và… nhãn vở. Điều đó rất phí lý.

Nếu các cháu lớp 1 còn lạ lẫm với chương trình học tập nên cần quy định chung thống nhất thì có thể chấp nhận được. Ở quê tôi, có trường yêu cầu bao vở theo màu giấy, vở chính tả, toán và tăng tiết mỗi loại mỗi màu. Có trường lại quy định theo số thứ tự, vở số 1 là toán, số 2 là chính ta, số 3 là tăng tiết.

Nhưng khi các con bước lên lớp 2, 3, 4… đã quen dần với việc học tập và phân biệt từng môn học thì việc quy định đồng phục vở không còn cần thiết nữa! Học sinh sẽ sáng tạo thế nào khi mà từ cái lớn cho đến nhỏ đều rập khuôn một cách máy móc như thế?

Hãy để cho các con có quyền lựa chọn và quyết định hôm nay nên mang chiếc cặp nào, đi đôi giày nào, bọc vở bằng loại giấy bao gì!

Và hãy để phụ huynh thoát cảnh toát mồ hôi mỗi dịp đầu năm học chạy quanh các cửa hàng sách tìm mua bằng được mẫu bút mực, loại nhãn vở,… theo yêu cầu của cô giáo!

Nguyễn Ngọc

(Thừa Thiên Huế)

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn .

Xin trân trọng cảm ơn!

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm