Dòng họ hiếu học ở Phù Nam
(Dân trí) - Họ Đào ở xã Phú Nham, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ có 56 hộ, 230 nhân khẩu chủ yếu làm nghề nông. Nhưng do hiếu học nên một số gia đình trong họ đã tự bảo nhau góp Quỹ được 500 ngàn đồng để thưởng cho cháu nào học giỏi, đỗ vào các trường đại học.
Từ năm 2000, họ Đào đã tổ chức thành chi hội Dòng họ hiếu học, Chi Hội đã bầu ra 4 hội viên do ông Đào Xuân Đường làm Chi hội trưởng. Kể từ ngày được thành lập, họ Đào không chỉ xây dựng được quy chế hoạt động riêng cho dòng họ mà còn phát động phong trào “Đoàn kết, khuyến học, khuyến tài, làm kinh tế giỏi, xoá đói giảm nghèo”.
Theo đó, dòng họ Đào đã xây dựng được Quỹ khuyến học, 2 năm đầu có 2.700.000 đồng, 5 năm sau lên tới 10 triệu đồng. Hàng năm họ Đào lấy ngày giỗ cụ thượng tổ (13 tháng Chạp) để gặp mặt con cháu trong họ, giáo dục truyền thống hiếu học, nâng cao lòng tự trọng, tự hào dòng họ. Đồng thời, họ Đào còn tổ chức phát thưởng động viên các cháu đạt học sinh giỏi các cấp, các cháu đỗ ĐH, CĐ.
Năm 2005 huyện Phù Ninh, Phú Thọ có 10 dòng họ, 20.000 gia đình được khen thưởng. Tiêu biểu nhất là Họ Đào được UBND tỉnh tặng bằng khen và Hội Khuyến học tỉnh tặng “Bảng vàng hiếu học”. |
Trong thời gian qua, do làm tốt công tác khuyến năng, khuyến tài nên các con cháu họ Đào đã chăm học hơn, số học sinh giỏi các cấp ngày càng đông hơn, số cháu đỗ vào các trường ĐH, CĐ ngày càng nhiều hơn. Cho đến năm 2005, họ Đào đã có 36 người tốt nghiệp ĐH, CĐ trong đó có 8 người có 2 bằng đại học, 2 thạc sĩ, 14 người đang học đại học. Ngoài ra, họ Đào còn có 17/56 hộ đạt danh hiệu “Gia đình hiếu học” của huyện.
Tiêu biểu trong số đó có gia đình ông Đào Tiết với hầu hết các con cháu đều đỗ vào Đại học, con trai cả là thạc sĩ. Gia đình ông Đào Ngọc Bảo là Kỹ sư có 4 con trai, 3 con dâu đều tốt nghiệp đại học, con trai cả là thạc sĩ Y khoa tại Úc. Đó là những điển hình hiếu học làm rạng danh cho dòng tộc. Toàn họ Đào hiện nay không còn hộ nghèo, nhiều hộ đang phát triển kinh tế, làm giàu bằng trí tuệ của mình.
Nguyễn Thanh Hồng