Đội ngũ giáo viên hiện nay khó thích ứng với đổi mới giáo dục

(Dân trí) - Đội ngũ giáo viên chưa được chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để thích ứng và thực hiện tốt nhiệm vụ trong xu thế đổi mới giáo dục hiện nay.

NCS Huỳnh Trọng Cang, Học viện Quản lý giáo dục đã có bài phân tích về: “Vận dụng lý thuyết nhân tài 3C của Dave Ulrich trong quản trị và phát triển đội ngũ giáo viên trường phổ thông ở Việt Nam giai đoạn hiện nay”. Trong nội dung phân tích, tác giả đã nêu: Thách thức về vấn đề đạo đức nghề nghiệp và năng lực của đội ngũ giáo viên trường phổ thông trước xu thế đổi mới giáo dục ở Việt Nam.

giao vien 2.jpg

Trong những năm vừa qua, nhìn chung đội ngũ giáo viên đã nhận thức rõ trách nhiệm của mình đối với sự nghiệp “trồng người”.

 

Vẫn còn giáo viên thiếu tâm huyết với nghề

Đạo đức nghề nghiệp là phẩm chất cốt lõi quan trọng hàng đầu đối với nhà giáo dục, là nền tảng, động lực thôi thúc trách nhiệm, nhiệt huyết để mỗi giáo viên phấn đấu hoàn thành sự nghiệp, xứng danh với nghề cao quý mà xã hội tôn vinh.

NCS Huỳnh Trọng Cang cho biết, trong những năm vừa qua, nhìn chung đội ngũ giáo viên đã nhận thức rõ trách nhiệm của mình đối với sự nghiệp “trồng người”, thể hiện tâm huyết với nghề nghiệp; tận tụy với công việc trên tinh thần “Tất cả vì học sinh thân yêu”.

Trong công tác nghiên cứu, đã thể hiện tính tích cực, đi sâu khám phá cái mới, nắm chắc vận dụng sáng tạo các nguyên tắc, phương pháp dạy học, nghiên cứu khoa học vào quá trình dạy học, giáo dục, nhất là những yêu cầu mới của chương trình cải cách giáo dục mà Bộ GD&ĐT đưa ra.

Tuy nhiên, thực tế vẫn còn giáo viên thiếu tâm huyết với nghề, không tuân thủ những quy chuẩn của đạo đức nghề nghiệp, làm suy thoái danh dự, lương tâm nhà giáo như nhận phong bì, chạy trường, chạy điểm, làm thu tiền quỹ, thậm chí xúc phạm, bạo hành đối với học sinh…

Trong công tác chuyên môn, còn không ít giáo viên có biểu hiện sa sút về ý chí, sức chiến đấu, cống hiến, chưa thực sự công tâm, chưa đánh giá đúng thực chất kết quả học tập của học sinh; có biểu hiện bệnh thành tích trong giáo dục, còn nhiều tiêu cực, làm giảm uy tín, niềm tin của học sinh, phụ huynh và cộng đồng xã hội đối với đội ngũ nhà giáo.

Bên cạnh đó, năng lực của đội ngũ giáo viên phổ thông hiện nay vẫn để lại những lo ngại cả về lượng và chất trước yêu cầu đổi mới giáo dục.

Điều đó đòi hỏi phải có những giải pháp để tháo gỡ, phát triển năng lực nghề nghiệp của giáo viên nhằm đáp ứng tốt nhất chương trình giáo dục phổ thông mới.

Chỉ có 20% giáo viên có năng lực vững chắc

NCS Huỳnh Trọng Cang cho biết, nhìn từ khía cạnh tổng quan, về năng lực giáo viên, nếu chương trình giáo dục phổ thông mới triển khai trong thời gian tới với định hướng và yêu cầu chuyển từ trang bị nội dung kiến thức sang hình thành phẩm chất và năng lực người học bằng việc dạy tích hợp và lồng ghép, dạy học phân hóa, trải nghiệm sáng tạo… thì năng lực của đội ngũ giáo viên phổ thông đang đứng trước những thách thức mới.

Theo một kết quả khảo sát năng lực dạy học của giáo viên phổ thông do trường ĐH Sư phạm Hà Nội thực hiện đã cho thấy, tuy giáo viên đã có những năng lực cần thiết để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông, nhưng số giáo viên có năng lực vững chắc chỉ đạt trên dưới 20%, những giáo viên đã có năng lực nhưng chưa vững chắc chiếm tỷ lệ cao.

Tỷ lệ giáo viên chưa có năng lực dạy học theo yêu cầu đổi mới còn khá nhiều. Trên cơ sở vấn đề liên quan, xét về năng lực dạy học tích hợp, lồng ghép, liên môn thì có tới 60% giáo viên cho rằng không vững chắc.

Những hiện tượng như giáo viên không giải quyết được hết các bài toán trong sách giáo khoa, rời sách giáo khoa thì không biết lấy gì để dạy và dạy như thế nào đã không còn hiếm.

Ví dụ: đối với những bài học về thực vật (thân, lá, hoa) hay loài động vật, gia cầm xung quanh chúng ta đáng lẽ phải dạy ở vườn trường, sân trường, trại chăn nuôi thì đại đa số giáo viên chỉ dạy trong lớp với sách giáo khoa một cách vô cảm.

Với tiến trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục trong mục tiêu thiết kế chương trình giáo dục chuyển dần từ tiếp cận nội dung sang tiếp cận mục tiêu phát triển năng lực người học – tiếp cận đầu ra, nghĩa là gắn nội dung dạy học với đời sống thực của học sinh, làm thế nào thông qua dạy học để học sinh có được những năng lực cần thiết đáp ứng việc giải quyết tốt những tình huống trong cuộc sống thực tiễn vốn hết sức sinh động và phức tạp.

NCS Huỳnh Trọng Cang cho rằng, điều này lại đặt ra vấn đề tiếp cận năng lực trong giảng dạy của đội ngũ giáo viên trường phổ thông. Đó là giáo viên cần phải được chuẩn bị như thế nào, bản thân người giáo viên phải tự trang bị những năng lực cần thiết ra sao nếu họ muốn hỗ trợ học sinh của mình phát triển tốt năng lực cá nhân.

NCS Huỳnh Trọng Cang cho hay, qua kết quả phỏng vấn trong đề tài nghiên cứu, cho thấy công tác đào tạo, bồi dưỡng và tự bồi dưỡng của đội ngũ giáo viên phổ thông hiện nay là vấn đề cần được quan tâm.

Cụ thể, khi được hỏi về mức độ giáo viên được trang bị và tự trang bị về năng lực, kỹ năng và giá trị trên tinh thần đổi mới giáo dục thì có đến 45,3% số giáo viên trả lời hầu như không được đề cập trong các chương trình đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn và trong tiêu chuẩn đặt ra từ phía các cơ sở giáo dục dành cho họ và đặc biệt là bản thân họ còn chưa bắt kịp với những yêu cầu đổi mới và chưa xác định được các mục tiêu ưu tiên để phát triển nghề nghiệp của cá nhân.

“Chính vì vậy đội ngũ giáo viên chưa được chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để thích ứng và thực hiện tốt nhiệm vụ trong xu thế đổi mới giáo dục hiện nay” - NCS Huỳnh Trọng Cang nhấn mạnh.

Bài 2: 4 cách vận dụng lý thuyết nhân tài 3C vào phát triển đội ngũ giáo viên

Nhật Hồng