Đổi mới tài chính mới mong giáo dục đại học Việt Nam hội nhập quốc tế
(Dân trí)-Đó là nội dung được các chuyên gia giáo dục trong và ngoài nước thảo luận nhiều nhất tại hội thảo “Hội nhập quốc tế trong quá trình đổi mới giáo dục đại học Việt Nam” do Hội đồng Quốc gia Giáo dục và phát triển nhân lực và ĐH Quốc gia TPHCM tổ chức ngày 8/6.
Trong quá trình đổi mới giáo dục Việt Nam hiện nay, vấn đề hội nhập quốc tế có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Nhất là khi thời điểm hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015 sắp đến gần. Tuy nhiên, giáo dục đại học (ĐH) Việt Nam còn nhiều hạn chế khi hội nhập vào nền giáo dục thế giới.
PGS.TS Trần Chí Đáo - nguyên Giám đốc ĐHQG TPHCM cho rằng giáo dục ĐH nước ta khi hội nhập gặp hạn chế khi các giáo viên phần đông chưa đủ năng lực về ngoại ngữ và trình độ khoa học, nhất là số người được đào tạo trong nước để đủ bản lĩnh hợp tác quốc tế một cách bình đẳng. Hơn nữa năng lực điều khiển các thiết bị hiện đại cũng không thành thạo. Rất ít trường hợp các nhà khoa học của đại học chúng ta cùng hợp tác bình đẳng khi nghiên cứu một đề tài khoa học hay cùng hướng dẫn một nghiên cứu sinh. Các giáo sư Việt Nam được mời sang các nước giảng dạy một cách đích thực không nhiều. Các dự án, các chương trình hợp tác quốc tế về khoa học , về đào tạo ở bậc cao không nhiều. “Vì chưa được công nhận tương đương bằng cấp nên người tốt nghiệp đại học trong nước vẫn không hành nghề được ở nhiều nước. Nếu họ muốn làm nghiên cứu sinh để lấy bẳng tiến sĩ thì phải học thêm nhiều môn nên thời gian để được làm tiến sĩ sẽ kéo dài”, ông Đáo phát biểu.
Chính PGS. TS Bùi Văn Ga - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cũng nhìn nhận rằng để hội nhập sâu, rộng vào giáo dục ĐH thế giới thì Việt Nam phải vượt qua nhiều thử thách. Nguồn lực đầu tư cho giáo dục ĐH còn rất thấp, chi phí đơn vị cho sinh viên còn quá bé dẫn đến nhiều hệ lụy trong thực hiện chương trình đào tạo toàn diện, nâng cao kỹ năng thực hành và tạo điều kiện phát huy năng lực sáng tạo của sinh viên.
Ông Ga cũng thừa nhận sự thua kém của sinh viên trong nước, khó cạnh tranh với bạn bè quốc tế khi “Nghiên cứu khoa học trong trường ĐH còn rất hạn chế do thiếu thốn cơ sở vật chất, giảng viên phải thực hiện khối lượng giảng dạy lớn nên không còn thời gian chăm lo cho công tác nghiên cứu khoa học. Do không được “nhúng” trong môi trường nghiên cứu khoa học và sáng tạo nên sinh viên tốt nghiệp kém thua sinh viên các nước trong khu vực về sự nhạy bén , tính thích nghi vào môi trường công tác”.
Đổi mới tài chính để nâng chất lượng giáo dục ĐH
Nguyên nhân được phân tích là từ chi phí đào tạo thấp dẫn đến nhiều hệ lụy trong đào tạo toàn diện. Mặc dù nằm trong top 25% các quốc gia đầu tư lớn cho giáo dục, chiếm 20% ngân sách quốc gia nhưng chất lượng giáo dục đào tạo Việt Nam vẫn rất thấp so với các nước trong khu vực chứ chưa nói đến thế giới.
PGS.TS Nguyễn Hội Nghĩa - Phó giám đốc ĐH QG TPHCM cho rằng “ tài chính hiện nay được xem như một “nút thắt cổ chai” đối với các nổ lực đổi mới trong lĩnh vực giáo dục đào tạo. Nhiều quy định đã không còn phù hợp với tình hình kinh tế , xã hội hiện nay. Ngân sách nhà nước cấp và mức thu học phí không tạo đủ điều kiện cần thiết để nâng cao chất lượng đào tạo, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế xã hội và hội nhập với các nước trong khu vực. Do đó, giải quyết được bài toán về tài chính là một trong những giải pháp quan trọng để đổi mới giáo dục đại học”.
Trong khi đó, GS Phạm Phụ - ĐH Bách khoa TPHCM cũng nhấn mạnh ý trong bài phát biểu của mình rằng để có nguồn nhân lực trình độ cao có chất lượng trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế có lẽ không thể không có cải cách tài chính trong giáo dục ĐH. Theo GS Phụ, trong cải cách tài chính giáo dục ĐH, câu hỏi đầu tiên là chi phí đơn vị (CPĐV - chi phí đào tạo bình quân cho sinh viên) là bao nhiêu thì đảm bảo khả năng cạnh tranh trong bối cảnh toàn cầu hóa, cạnh tranh trong tổ chức đào tạo cũng như thu hút giảng viên giỏi. Ở Việt Nam hiện nay, theo ước tính từ báo cáo của Bộ GD-ĐT cũng như qua khảo sát thực tế, CPĐV bình quân, tính cả khấu hao cho cơ sở vật chất, khoảng 12 - 15 triệu đồng/năm, tương đương 600 - 700USD. Trong khi đó, từ những năm 2004 - 2005, mức CPĐV bình quân ở Mỹ đã là 22.000 USD/năm; các nước OECD: 12.000 USD/năm; ở Đài Loan: 7.000 USD/năm. Chính ngân hàng thế giới (WB) cũng nhận xét chi tiêu bình quân trên đầu sinh viên công lập ở VN chỉ đạt 53-57% của GDP/đầu người, con số này thấp hơn nhiều so với bình quân của 117 quốc gia trên thế giới có số liệu, khoảng 93% GDP/đầu người.
Do đó, “CPĐV hợp lý hiện nay nên vào khoảng 120% GDP/đầu người, khoảng 1.600-1.700 USD/năm - nghĩa là phải hơn gấp đôi con số hiện tại, mới có thể đảm bảo sức cạnh tranh của nền giáo dục ĐH trong bối cảnh hội nhập quốc tế”, GS Phụ cho biết.
Bên cạnh đó, GS Phụ cũng cho rằng khi cải cách tài chính giáo dục ĐH theo hướng tăng CPĐV và học phí, nếu không có giải pháp đi kèm thì người nghèo và cận nghèo buộc phải bỏ học, vấn đề mất cân bằng xã hội đương nhiên sẽ trầm trọng hơn. Tuy nhiên, để giải quyết vấn đề này, theo ông Phụ, kinh nghiệm của thế giới cho thấy giải pháp hợp lý nhất là phải xây dựng các “quỹ cho sinh viên vay vốn” đi kèm với chính sách “học phí cao - tài trợ nhiều”. “Thực tế cho thấy khi tăng học phí mà có quỹ cho sinh viên vay vốn thì gần như không ảnh hưởng mấy đến bài toán công bằng xã hội. Lấy tiền đâu để xây dựng các loại quỹ cho sinh viên vay vốn, có thể lên đến nhiều tỉ USD? Tại sao chúng ta có thể đi vay quốc tế nhiều chục tỉ USD để đầu tư vào cơ sở hạ tầng cũng như công nghiệp với suất thu lợi khó đạt trên mức 10% mà lại không đi vay vài ba tỉ USD để xây dựng các quỹ cho sinh viên vay vốn?”, GS Phụ đặt vấn đề.
Tương tự, PGS. TS Trần Chí Đáo kiến nghị rằng nên tăng học phí và chấp nhận học phí chênh lệch cách biệt nhau giữa các trường có chất lượng khác nhau. Để giải quyết bình đẳng xã hội và cho gia đình nghèo nên có chính sách xã hội thật sát và thuận lợi như nhà nước cho vay với điều kiện dễ dàng hơn…
Còn theo Ths Trần Đức Cảnh - nguyên giám đốc Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực và An sinh xã hội cho chính quyền Bang Massachusetts (Mỹ) chỉ ra “ Một phần của vấn đề nằm ở sự đánh đồng, chia đều ngân sách giáo dục và chi tiêu không đúng tinh thần, mục tiêu gây lãng phí. Đã đến lúc chúng ta phải đựt ưu tiên nghiên sách cho mục tiêu và mạnh dạn loại bỏ những chương trình, dự án không cần thiết. Nếu xây dựng được mục tiêu rõ rang và động cơ hướng tới giảm số sinh viên ĐH, CĐ ở các trường công từ 86% xuống còn 51% trong thời gian 20 năm, sẽ giúp tăng chất lượng đào tạo. Mặt khác, cần tăng thêm nguồn vốn vay cho sinh viên. Số 9.000 tỷ đồng/năm hiện nay dành cho sinh viên, một phần gián tiếp giúp các trường tăng nguồn thu và tăng chất lượng lâu dài. Cơ chế thị trường sẽ dần đào thải các trường tư kém chất lượng”.
Tại hội thảo, dẫn chứng cho mô hình đổi mới cơ chế tài chính tạo hiệu quả trong giáo dục ĐH thời gian gần đây chính là mô hình của trường ĐH Quốc tế thuộc ĐHQG TPHCM. Theo PGS. TS Hồ Thanh Phong - Hiệu trưởng trường ĐH Quốc tế thì kể từ năm 2008, trường bắt đầu vận hành theo cơ chế tự chủ tài chính theo Nghị định 43 của Chính phủ và Thông tư 71 của Bộ Tài chính và đến nay đã tăng thu nhập cho cán bộ giảng viên, thu hút được lực lượng cán bộ trẻ có tài, trình độ cao được đào tạo từ nước ngoài đáp ứng yêu cầu cao của xã hội để thu hút được số lượng sinh viên ngày càng đông.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết: “Để đẩy nhanh hội nhập quốc tế, Bộ GD-ĐT phối hợp với Bộ Lao động thương binh và xã hội khẩn trương xây dựng Khung trình độ quốc gia, Hoàn thiện nghị định phân tầng xếp hạng các trường đại học, điều chỉnh lại cơ cấu hệ thống giáo dục nghề nghiệp tương thích với các nước trên thế giới, xây dựng thông tư hướng dẫn Nghị định 73 để khuyến khích các trường đại học nước ngoài, các tổ chức quốc tế có uy tín đầu tư vào vn, xây dựng cơ chế chính sách thu hút các nhà khoa học, giảng viên nước ngoài về Việt Nam. |