Đổi mới giáo dục phổ thông từ truyền thống Bắc Lý
(Dân trí) - Ngày 8/11, tại Trường THCS Bắc Lý (Lý Nhân, Hà Nam), Bộ GD-ĐT cùng UBND tỉnh Hà Nam phối hợp tổ chức hội thảo “Làm theo lời Bác, phát huy truyền thống Bắc Lý, thực hiện đổi mới giáo dục phổ thông”
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển chủ trì Hội thảo cùng với sự tham gia của 20 Sở GD-ĐT đại diện cho các vùng miền trên cả nước và các chuyên gia giáo dục. Hội thảo cũng nhằm mục đích thảo luận và từng bước thực hiện Nghị quyết về Đề án đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT vừa được thông qua.
Quang cảnh hội thảo
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho hay, từ tháng 9/1945 đến tháng 10/1968, Bác Hồ đã nhiều lần gửi thư cho ngành GD và ĐT. Từ lời dạy của Bác qua các bức thư gửi cho ngành GD và ĐT có thể thấy rõ tư tưởng của người đối với giáo dục nước nhà từ quan điểm, mục tiêu, nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục đều đồng nhất một phương châm là giáo dục phải gắn liền với thực tiễn; đào tạo ra những công dân có phẩm chất và năng lực tốt, đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển đất nước. Đáng chú ý, Bác từng căn dặn “Dù khó khăn đến đâu cũng phải thi đua, dạy tốt và học tốt”.
Thực hiện lời dạy của Bác, năm 1961, Trường cấp 2 Bắc Lý (nay là THCS Bắc Lý) được tuyên dương là Đơn vị lá cờ đầu của ngành giáo dục để các trường trên toàn miền Bắc thi đua với khẩu hiệu “Thi đua dạy thật tốt, học thật tốt, tiến kịp và tiến vượt Bắc Lý”. Quá trình xây dựng và phát triển của Trường THCS Bắc Lý đã tạo nên “kiểu dạy, kiểu học” Bắc Lý, thể hiện rõ phương châm giáo dục “học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, nhà trường gắn liền với xã hội”.
“Thực hiện lời Bác dạy và phát huy truyền thống mô hình Bắc Lý, trong thực hiện đổi mới giáo phổ thông hiện nay cần được thực hiện đồng bộ về mục tiêu, chương trình, mục tiêu, phương pháp giáo dục cũng như cách thức thi, kiểm tra, đánh giá và công tác quản lý giáo dục” - Thứ trưởng Nguyễn Vinh hiển nhấn mạnh.
Bác Hồ trò chuyện với giáo viên Bắc Lý tại Hội nghị chính trị đặc biệt ngày 27/3/1964.
TS Đặng Quốc Bảo (Học viện Quản lí giáo dục) nhấn mạnh: “Nhắc tới thành tựu to lớn của các điển hình giáo dục thời kì xã hội chủ nghĩa như Trường cấp 2 Bắc Lý không có hàm ý mong các nhà trường phổ thông Việt Nam phải máy móc trở lại cách làm của Bắc Lý trước đây. Tuy nhiên cần phải nhấn mạnh rằng: Vô luận trong bất cứ trường hợp nào, các nhà trường phổ thông Việt Nam đều phải coi trọng việc giáo dục lao động và phải tiến hành lĩnh vực này có thực chất, có hiệu quả”
Còn GS.TS Đỗ Thanh Bình - Khoa Lịch sử trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, phong trào thi đua “Hai tốt” (dạy tốt, học tốt), học đi đôi với hành với điển hình Bắc Lý đã giải quyết tất cả những vấn đề cơ bản nhất của nền giáo dục xã hội chủ nghĩa. Giáo dục đạo đức được coi trọng, được cụ thể hóa và sinh động, gần gũi, học sinh THCS có thể hiểu được. Việc giáo dục được gắn liền với thực tiễn xã hội. Tiếng trống Bắc Lý trong thời kỳ khắng chiến kiến quốc vẫn còn nguyên giá trị đối với cuộc cải cách giáo dục phổ thông tương lai. Tuy nhiên, trong bối cảnh mới, con người mới thì bài học từ phong trào thi đua “Hai tốt” theo gương Bắc Lý phải được nhìn nhận một cách linh hoạt cho phù hợp.
Khẳng định với báo chí, thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết: “Những khó khăn của Bắc Lý ngày nay cũng là khó khăn chung của giáo dục phổ thông. Chính vì thế, những chia sẻ về thuận lợi và khó khăn của Bắc Lý này nay trong công tác quản lý, giảng dạy cũng là điều mà ngành sẽ phải xem xét kỹ lưỡng trong quá trình thực hiện đổi mới giáo dục”.
Cuối năm 1960, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 3 được phổ biến sâu rộng trong ngành giáo dục. Nhiều trường đã cố gắng vận dụng mục đích, nguyên lý, phương châm giáo dục vào thực tiễn. Nổi bật nhất là trường Phổ thông cấp 2 Bắc Lý. Trải qua ba năm phấn đấu kiên trì gian khổ với khẩu hiệu"Tất cả vì học sinh thân yêu", các giáo viên nhà trường đã đạt nhiều thành tích cho việc giáo dục toàn diện cho học sinh, quán triệt bước đầu nguyên lý, phương châm giáo dục, phát huy tác dụng của trường như một trung tâm văn hoá của địa phương. Tháng 7 năm 1961, trong bài đăng trên báo Nhân dân, Hồ Chủ tịch đã biểu dương"Thành tích vẻ vang" của ngành Giáo dục và gợi ý các trường cũng nên phát động một phong trào thi đua"Hai tốt", tức là"Học thật tốt","Dạy thật tốt". Ngày 18/10/1961, thực hiện lời dạy của Bác Hồ, Bộ giáo dục và Công đoàn giáo dục Việt Nam đã tổ chức Hội nghị phát động thi đua"Hai tốt" ở Phủ Lý Hà Nam. Trong Hội nghị này, Bộ trưởng Bộ Giáo dục đã tuyên dương thành tích điển hình thi đua trong ba năm, đặc biệt là điển hình Bắc Lý. Hội nghị nhất trí công nhận Bắc Lý là lá cờ đầu của toàn ngành và thông qua cuộc phát động thi đua"Hai tốt" với khẩu hiệu là: "Tích cực thi đua dạy thật tốt, học thật tốt, đuổi kịp và vượt Bắc Lý". Từ ngày 02/8/1963 đến ngày 08/8/1963, Hội nghị Tổng kết hai năm thi đua"Hai tốt" được tổ chức tại Hà Nội. Tại Hội nghị này Hồ Chủ Tịch đã chỉ thị:"Cần phát triển kiểu dạy, kiểu học của trường Bắc Lý và các trường thanh niên lao động XHCN". |
Nguyễn Hùng