Đổi mới Đại học: Các trường được tự chủ toàn diện
Các trường được tự phong học hàm giáo sư, phó giáo sư. Bỏ biên chế tại các trường ĐH. Tăng cường thu hút các trường ĐH uy tín trên thế giới mở chi nhánh tại Việt Nam. Tổ chức đào tạo các chương trình bằng tiếng Anh...
Mời giáo sư là người nước ngoài hoặc Việt kiều tham gia giảng dạy, quản lý. Một số cơ sở giáo dục đại học có tiềm năng sẽ được phát triển để có thể trở thành ĐH tầm cỡ khu vực thế giới... Đó là những điểm mới mà đề án đổi mới Giáo dục Đại học Việt Nam đề cập, vừa được trình Chính phủ.
Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với bà Trần Thị Hà, Vụ trưởng Đại học-Sau Đại học xung quanh đề án đầy táo bạo này.
Bà Hà cho biết: “Trong gần hai thập niên qua, giáo dục đại học nước ta đã có đổi mới và đạt một số kết quả nhưng nhìn chung, sự chuyển biến của Giáo dục Đại học nước ta còn chậm và vẫn đang ở trong tình trạng yếu kém, bất cập, biểu hiện cụ thể như: chất lượng đào tạo thấp, hiệu quả không cao, nhân lực được đào tạo còn yếu về năng lực và phẩm chất; quy mô đào tạo nhỏ, mất cân đối cung - cầu;
Chương trình đào tạo cứng nhắc, cơ cấu ngành nghề đơn điệu, phương pháp dạy và học rất lạc hậu, quy trình đào tạo thiếu mềm dẻo, liên thông; đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý thiếu cả về số lượng và trình độ; cơ cấu hệ thống chưa hợp lý, mạng lưới trường đại học và viện nghiên cứu bị tách biệt.
Quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của các trường không cao; nguồn lực hạn hẹp và sử dụng kém hiệu quả; quản lý vĩ mô quan liêu, quản lý ở các trường thiếu chủ động; chưa có quy hoạch phát triển trường dài hạn và hợp lý...
Vì vậy, việc đổi mới Giáo dục Đại học trở nên bức xúc trước yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế”.
Chuyển từ đào tạo niên chế sang tín chỉ
Đề án Đổi mới Giáo dục Đại học Việt Nam vừa trình Chính phủ tập trung vào những vấn đề nào, thưa bà?
Theo quan điểm chỉ đạo trong việc xây dựng và thực hiện đề án thì trước hết phải đổi mới tư duy Giáo dục Đại học, phải đổi mới cơ chế chính sách nhằm thực sự tạo ra một môi trường sinh thái Giáo dục Đại học mới, có không gian khoáng đạt cho các hoạt động sáng tạo trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học, nâng cao tính tự chủ và trách nhiệm xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh của từng trường và của toàn bộ hệ thống.
Những nội dung cơ bản của Đề án tập trung vào các nhóm nhiệm vụ: Điều chỉnh cơ cấu trình độ và hệ thống nhà trường nhằm làm cho Giáo dục Đại học phù hợp với thực tiễn phát triển KT-XH của đất nước và xu hướng phát triển của thế giới; Xây dựng quy trình đào tạo mềm dẻo và liên thông; đổi mới mục tiêu, nội dung, phương pháp giảng dạy và học tập ở ĐH.
Đổi mới cơ chế tài chính Giáo dục Đại học nhằm đa dạng hoá nguồn lực và nâng cao hiệu quả đầu tư; Đổi mới quản lý Giáo dục Đại học theo hướng tăng cường quyền tự chủ, nâng cao trách nhiệm xã hội và thúc đẩy năng lực cạnh tranh của các trường ĐH…
Những đổi mới nào cần được coi là bước đột phá, có thể thực hiện trong thời gian tới?
Những công việc cần tập trung làm ngay trong 3 năm tới là:
- Mở rộng đầu vào tuyển sinh ĐH, CĐ, trước mắt triển khai với hai trường đại học Mở.
- Đổi mới chương trình đào tạo theo 2 hướng: nghiên cứu – phát triển, nghề nghiệp – ứng dụng, gắn đào tạo với nghiên cứu, nâng cao kỹ năng thực hành; đổi mới phương pháp dạy và học, chuyển cơ bản từ đào tạo theo niên chế sang đào tạo theo tín chỉ; tăng cường liên thông trong đào tạo. Sử dụng công nghệ đo lường đánh giá hiện đại trong kiểm tra, đánh giá và tuyển sinh; thiết lập và vận hành hệ thống kiểm định và đảm bảo chất lượng giáo dục đại học.
- Phân cấp mạnh mẽ cho các trường ĐH, CĐ. Tăng tính tự chủ và trách nhiệm xã hội của các trường trên các lĩnh vực: nhân sự, tài chính, đào tạo, nghiên cứu và hợp tác quốc tế.
- Tập trung xây dựng đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục ĐH có phẩm chất đạo đức và chuyên môn cao, có phong cách quản lý và giảng dạy tiên tiến, hiện đại. Hoàn thành việc bỏ chế độ biên chế trong các trường đại học; xoá bỏ sự phân biệt giữa công lập và dân lập.
- Thực hiện chế độ các trường tự phong và tước danh hiệu Giáo sư, Phó giáo sư.
- Tổ chức lại các viện nghiên cứu trong các trường đại học, bao gồm cả việc chuyển các viện nghiên cứu thích hợp về các trường đại học. Tăng cường công tác nghiên cứu khoa học, gắn công tác nghiên cứu với đào tạo để nâng cao chất lượng đào tạo.
- Nhập một số chương trình, giáo trình tiên tiến về khoa học tự nhiên, công nghệ và quản lý kinh tế. Tổ chức đào tạo các chương trình đó bằng tiếng Anh, mời giáo sư là người nước ngoài hoặc Việt kiều tham gia giảng dạy, quản lý.
- Hình thành một vài trường có đẳng cấp quốc tế, tiên tiến, năng động, với sự giúp đỡ về chuyên môn và quản lý của một số trường ĐH lớn trên thế giới.
Được tự chủ toàn diện cả về nhân sự và tài chính
Tăng quyền tự chủ cho các trường ĐH, CĐ có được coi như một sự cởi trói mạnh dạn nhất?
Với quan điểm nhằm đạt được hiệu suất cao trong quản lý, Đề án đã đề cập tới nhiệm vụ quan trọng là đổi mới quản lý ở cấp trường theo hướng: các trường được quyền tự chủ toàn diện kể cả về nhân sự, về tài chính, về tổ chức đào tạo, nâng cao trách nhiệm xã hội của trường.
Nhà trường cần có khả năng thực hiện một cách hiệu quả những nhiệm vụ được giao phù hợp với định hướng phát triển của quốc gia, yêu cầu phát triển của cộng đồng. Khẩn trương thành lập và triển khai hoạt động của Hội đồng trường, triển khai quá trình xây dựng kế hoạch, chiến lược ở các trường, xem như là một biện pháp tạo nên sự đồng thuận, sự dân chủ ở nhà trường.
Vậy có thể hình dung hệ thống trường ĐH trong tương lai như thế nào?
Sẽ xây dựng 14 trường ĐH trọng điểm; củng cố và nâng cấp các trường hiện tại cũng như xây dựng các trường mới; tăng cường thu hút các trường ĐH uy tín trên thế giới mở chi nhánh tại VN thì mạng lưới các cơ sở Giáo dục Đại học hình thành với trình độ phát triển, vai trò và trách nhiệm khác nhau, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Các cơ sở Giáo dục Đại học sẽ được phân tầng để phát triển chất lượng phù hợp với vai trò của mình, có một số cơ sở Giáo dục Đại học có tiềm năng sẽ được phát triển để có thể trở thành ĐH tầm cỡ thế giới, tầm cỡ khu vực, nhưng có cơ sở Giáo dục Đại học phát triển để đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho các địa phương.
Xin cảm ơn bà!
- Giai đoạn 2006-2010: xây dựng xong các tiểu đề án, xây dựng sự thống nhất về ý chí và hành động của xã hội tham gia đổi mới Giáo dục Đại học. Tập trung chỉ đạo và thực hiện để hoàn thành các nhiệm vụ cụ thể đã đặt ra trong 3-5 năm tới, tạo sự chuyển biến bước đầu về chất lượng, đổi mới nội dung và phương pháp đào tạo, cơ chế quản lý, cơ chế huy động các nguồn lực.
- Giai đoạn 2011-2015: ổn định các kết quả đạt được ở giai đoạn 1, nhất là về quy trình đào tạo, về hoạt động của hệ thống kiểm định và đảm bảo chất lượng, vươn lên đạt chất lượng giáo dục đại học của khu vực và thế giới. Nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, xây dựng và nâng cao trình độ đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục đại học.
- Giai đoạn 2016-2020: hình thành hệ thống giáo dục hiện đại, cơ cấu trình độ phù hợp, mạng lưới giáo dục hợp lý, hội nhập quốc tế và đạt trình độ chất lượng khu vực. |
Theo Hồ Thu
Tiền phong