Đối mặt với “sốc” văn hóa

(Dân trí) - Cựu du học sinh Renatha Lussa giải thích về việc bị sốc văn hóa là gì và bạn phải làm gì khi đối mặt với nó.

Sinh sống ở nước ngoài là một trải nghiệm cực kỳ thú vị tuy nhiên nó yêu cầu bạn phải chuẩn bị rất nhiều thứ.

 

Tôi không nói về những điều cụ thể như việc bạn nên mang theo bao nhiêu đôi tất khi đi ra nước ngoài. Tôi đang nói đến việc chuẩn bị lớn hơn, đây là một yếu tố cần thiết để giúp bạn có kinh nghiệm tốt hơn và phong phú. Trước khi đi nước ngoài, bạn đã chuẩn bị để đối mặt với sốc văn hóa chưa?

 

Một vài người trong số các bạn nói rằng: “Sốc văn hóa ư? Điều đó không dành cho mình. Nơi mình đến chỉ cách nhà có một giờ bay thôi mà”.

 

Không thể phủ nhận rằng, mức độ khác biệt giữa văn hóa của nước bạn đang sống với văn hóa của nơi bạn sắp đến là vô cùng quan trọng, nhưng đây không phải là điều duy nhất thay đổi được. Và các bạn cũng biết rằng khái niệm sốc văn hóa cũng xuất hiện trong tổ chức, cơ quan hay trong một nhóm. Và do vậy, chỉ một sự xáo trộn cũng có thể tạo ra cho bạn sốc văn hóa.

 

Đối mặt với “sốc” văn hóa



Vì vậy, sốc văn hóa là gì? Vâng, đó là chính là sự pha trộn cảm xúc. Cảm giác mất mát, rối loạn, căng thẳng, lo lắng và bất lực do những thách thức từ môi trường văn hóa mới xung quanh và sự thiếu hụt của môi trường văn hóa quen thuộc.

 

Theo kinh nghiệm của tôi, sốc văn hóa có thể được chia thành bốn giai đoạn:

 

1. Giai đoạn trăng mật

 

“Ồ, thực sự tuyệt vời. Hãy đến đó thôi. Tuyệt quá đi”. Rõ ràng bạn rất vui mừng và có một cái nhìn thực sự lạc quan, lý tưởng về nền văn hóa mới. Có thể bạn sẽ cảm thấy lo lắng và căng thẳng nhưng nhìn chung bạn vẫn đang trong tâm trạng cực kỳ phấn chấn.

Karim Sanaz là một sinh viên người Iran học tại Đại học Uppsala Thụy Điển.

 

Anh nhớ lại, lần đầu tiên anh đến Thụy Điển, mọi thứ xung quanh rất khác với quê hương của mình. “Tôi thực sự cảm thấy mình không thuộc về nơi này, tôi như đang xem một bộ phim có những cảnh quay thật đẹp nhưng tôi không phải là diễn viên trong đó”.

 

2. Giai đoạn khủng hoảng

 

“Tôi đã quá mệt mỏi. Không ai hiểu tôi. Tôi muốn về nhà!”. Đây có thể là điều bạn sẽ nói trước khi bạn đá chân vào tủ quần áo của mình. Thực tế sẽ kéo bạn trở lại.

 

Giai đoạn này xảy ra ở bất cứ nơi đâu và kéo dài trong hai tuần đầu tiên hoăc thậm chí đến vài tháng. Một số trong những khác biệt mà bạn cảm thấy ngạc nhiên ở nơi mới mẻ này là dây thần kinh của bạn bắt đầu phải hoạt động mạnh mẽ. Bạn phải đấu tranh để làm cho mình hiểu được người dân địa phương, bạn cảm thấy mình chỉ như một đứa trẻ, rối loạn và mệt mỏi.

 

3. Giai đoạn thích nghi

 

Hiện tại, bạn vẫn đang ở đây. Mọi việc đều tốt. Tìm hiểu, chấp nhận và thích ứng là yếu tố quan trọng bây giờ. Trong giai đoạn này, bạn sẽ bắt đầu đối mặt với những thách thức mới theo chiều hướng tích cực.

 

Cuối cùng bạn sẽ hiểu được nền văn hóa mới khác với nền văn hóa của nước bạn, hãy chấp nhận, và bắt đầu thay đổi để thích ứng với nó cho phù hợp với tính cách cũng như con người cá nhân của chính bạn.

 

4. Giai đoạn hòa nhập

 

Đến giai đoạn này, bạn đã cảm thấy như ở nhà. Bạn không còn biết đến sự nỗ lực và thay đổi thói quen của mình trong giai đoạn trước đã diễn ra như thế nào. Cảm xúc của bạn đã ổn định và bạn cảm thấy thoải mái.

 

Clarisse Mergen hiện đang theo học bằng thạc sĩ tại Canada. Ba tháng trước, cô đến Montreal và hiện tại cô cảm thấy rằng mình đã hòa nhập được vào mọi việc tại đây. “Tôi đã học được rất nhiều điều mới là và bây giờ nó đã trở thành phản xạ tự động của tôi, như việc mọi người phân loại rác. Hiện tôi đang tìm hiểu về chính trị và tôi bây giờ cũng tò mò hơn về chính trị của đất nước cũng như cách thức tổ chức công việc ở đây”.

 

Đối mặt với sốc văn hóa

 

Trước hết, xin được chúc mừng bạn! Bạn chỉ cần vượt qua các bước đầu tiên để dẫn đến giai đoạn hòa nhập. Thật vậy, bây giờ bạn đã biết về sốc văn hóa và bạn sẽ nhận ra nó khi nó xảy ra với bạn.

 

Nếu bạn cảm thấy mệt mỏi, nếu bạn là người nhạy cảm về mặt cảm xúc, nếu bạn khó có thể chấp nhận văn hóa của đất nước mới, nếu bạn muốn về nhà thì sau đó bạn sẽ biết đó là một phản ứng bình thường và bạn không nên bỏ cuộc. Tôi biết rằng thật dễ dàng để nói rằng chỉ cần tìm hiểu, chấp nhận và thích nghi với nó thì bạn sẽ vượt qua. Vì vậy, dưới đây là một số lời khuyên hữu ích dành cho bạn.

 

-          Trước khi đi, bạn nên đọc qua một số cuốn sách viết về nơi bạn sẽ đến. Điều này sẽ giúp bạn có cái nhìn thực tế hơn và sẽ biết thêm được nhiều thứ liên quan đến đến bạn trong kế hoạch đi nước ngoài của bạn.

-          Hãy ghi ra các nhu cầu cơ bản của bạn và đảm bảo bạn sẽ được đáp ứng đầy đủ. Chọn một khu vực sinh sống an toàn, đảm bảo có đủ ngân sách và chi tiêu có kiểm soát; mang theo bất kỳ loại thuốc mà bạn có thể cần, cũng như dụng cụ bịt tai nếu bạn nhạy cảm với tiếng ồn.

-          Bạn cũng có thể tạo cảm giác an toàn và yên tâm bằng cách mang theo đồ dùng quen thuộc với mình. Mergen thừa nhận rằng: “Tôi đã mang theo một số bức ảnh  của bạn bè và gia đình mình  - cũng như gấu bông sang nơi ở mới. Chính điều này giúp tôi thực sự như ở nhà mình trong giai đoạn đầu khi tôi mới sang”.

-          Bạn có thể tha hồ chọn lựa các cách để liên lạc với gia đình như thông qua MSN, Facebook, Skype, blog, điện thoại! Thật là khó khăn để giữ một mối quan hệ chỉ qua email, do đó, bạn nên dùng điện thoại và bạn sẽ cảm thấy mối quan hệ gần gũi hơn.

-           Trong thời gian chưa ổn định, một chút gì đó về văn hóa của nước bạn cũng có thể làm cho bạn cảm thấy được an ủi như việc nói ngôn ngữ của bạn, ăn thức ăn điển hình của đất nước bạn, đọc những tin tức từ quê hương. Nhưng bạn phải hết sức cẩn thận vì nếu bạn lạm dụng điều này, bạn sẽ không thể thay đổi được để thích nghi với văn hóa mới. Sanaz khuyến cáo rằng mọi người không nên dành nhiều thời gian chỉ xoay quanh cộng đồng của mình mà nên tích cực hòa nhập. Anh nói: "Hãy cố gắng giải quyết rào cản ngôn ngữ càng sớm càng tốt. Lúc đầu nó có thể rất khó khăn, nhưng dần dần điều đó lại trở nên rất bổ ích”.

-          Bạn hãy luôn tạo cho mình mạng lưới những người bạn yêu, bạn tin tưởng, những người mang lại cho bạn sự tự tin khi bạn gặp khó khăn trong cuộc sống. Nếu bạn là người hâm mộ bóng bầu dục hay điện ảnh, hãy đăng ký tham gia một câu lạc bộ. Đây thường là một cách tốt để gặp gỡ những người dân địa phương trong bầu không khí thoải mái. Nếu bạn không hâm mộ bất cứ điều gì đặc biệt, tại sao bạn không thử một điều gì đó mới, một cái gì đó mang giá trị địa phương như: bóng chuyền bãi biển ở Brazil, thư pháp ở Trung Quốc , nhảy Bollywood ở Ấn Độ. Và đừng quên tham gia vào một tổ chức từ thiện và hoặc đi tình nguyện, đó có thể là một cách tuyệt vời để tiếp xúc với cộng đồng địa phương.

 

Bây giờ bạn nên được trang bị nhiều hơn để đối mặt với sốc văn hóa nếu nó xảy ra. Thật vậy, một số người không bị ảnh hưởng bởi nó lắm nhưng có những người khác bị ảnh hưởng mạnh mẽ. Cường độ của sốc văn hóa phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố mà có thể bạn không thực sự biết hết được. Nhưng ít nhất bạn nhận thức được nó, và bạn sẽ biết bạn không phải là người duy nhất cảm thấy theo cách này!

 

Cuối cùng, bạn hãy tận dụng tối đa từ kinh nghiệm này tại bất cứ nơi đâu trên thế giới, chúc bạn vui vẻ!

 

Trang Nhung

Theo Top universities