Dốc hết lương cho con học trường hàng trăm triệu đồng, nghe chê "dở ẹc"

Hoài Nam

(Dân trí) - Cho con học tại trường có mức học phí gần 170 triệu đồng/năm, chị Nga nghe rất nhiều lời chê bai vì lựa chọn của mình.

Giải pháp cho nỗi ám ảnh trẻ phải đi học thêm ngoài giờ 

Chị Nguyễn Thu Nga, nhà ở quận Bình Thạnh, TPHCM, một mình nuôi con, với mức lương 26 triệu đồng/tháng. Con gái chị học lớp 5, tại một trường tư thục có học phí gần 170 triệu đồng/năm.

Dốc hết lương cho con học trường hàng trăm triệu đồng, nghe chê dở ẹc - 1

Học sinh tại TPHCM học thêm sau giờ học chính khóa (Ảnh: Hoài Nam).

Với mức học phí đó, chị nghe không ít người chê lựa chọn này là "dở ẹc" và còn dạy chị cách tiêu tiền. 

Có người phân tích cho con học trường "làng" tháng chỉ hết 2-3 triệu đồng, thêm vài triệu học tiếng Anh ngoài trung tâm hoặc thuê gia sư về kèm vẫn... lãi hơn, tiếng Anh của con có khi lại tốt hơn. Tiền đó để đầu tư vào những thứ khác sinh lợi hơn. 

Chị Nguyễn Thu Nga cho biết, chị bị ám ảnh về việc trẻ phải đi học thêm ngoài giờ học. Chị không chấp nhận việc một đứa trẻ đã học cả ngày ở trường, sau đó còn phải đến trung tâm học tiếng Anh hay các môn văn hóa ngoài giờ hay cuối tuần.

"Điều này rất mất công sức, thời gian của trẻ và tôi cũng không làm nổi việc đón đưa như vậy. Thời gian đó thà mẹ con nghỉ ngơi, nằm chơi, đọc sách", chị Nga nói. 

Quan điểm tuyệt đối không học thêm ngoài giờ, chị chọn cho con trường tư, đáp ứng cơ bản về tiếng Anh. Con chị chỉ học trên trường, còn về nhà tự học. 

Nếu chỉ nói tiếng Anh, theo chị Nga là chưa đủ. Con học tư còn giải quyết được một số nhu cầu khác của gia đình chị như nhà vệ sinh sạch sẽ, lớp ít học sinh, cơ sở vật chất tốt, dạy học theo nhiều hình thức đa dạng, bầu không khí dân chủ, đối thoại...

Đến việc họp phụ huynh, luôn là trao đổi riêng tư, chỉ dành tập trung vào vấn đề của trẻ, hỗ trợ trẻ. Chị cũng không bị ức chế vì các khoản tiền gọi là "tự nguyện" khi tất cả được chuẩn bị sẵn "một cục" trong học phí. 

Người mẹ nói thêm, chọn trường tư cho con không có nghĩa là chị chê trường công. Bản thân chị, con cháu họ hàng của chị đều học trường công nhưng đó không phải là lựa chọn của chị. 

Dốc hết lương cho con học trường hàng trăm triệu đồng, nghe chê dở ẹc - 2

Họp phụ huynh của con chị Nga luôn là vấn đề riêng tư giữa bố mẹ và giáo viên cùng hỗ trợ trẻ (Ảnh: Thanh Nga).

Với chị Nga, môi trường nào cũng có mặt này mặt kia. Môi trường chị chọn chưa chắc đã tốt, nhiều điều chị cũng không hài lòng nhưng ở mức chấp nhận được. 

Dành phần lớn tiền lương để đóng học phí cho con, chị thấy ổn với cuộc sống của mình. Mẹ con chị sống rất đơn giản, tiết kiệm, gọn nhẹ, mỗi tháng chỉ chi tiêu 5-7 triệu đồng, cũng không có nhu cầu phải tích lũy tài sản.  

Ngoài công việc chính thức, chị còn bán hàng trong chung cư, có thêm một khoản thu nhập nhỏ. Mỗi tháng, trừ chi tiêu, tiền học cho con, chị để dành được một khoản tiền, thêm lâu lâu còn khoản đầu tư này kia, tiền thưởng cuối năm.  

Thêm khoản dành dụm trước khi sinh con nên dù tiền học của con "ngốn" phần lớn tiền lương, chị vẫn sống khỏe, vẫn có thể đi đường dài với lựa chọn của mình. 

"Chọn trường nào cho con, lộ trình ra sao, bố mẹ phải là người rõ nhất. Khi việc chọn trường gây áp lực lên kinh tế, đời sống gia đình thì nên cân nhắc thêm các phương án", chị Nga bày tỏ. 

Cha mẹ thuê trọ, con học trường tiền tỷ 

Cho thuê căn nhà lớn rồi lại đi thuê căn chung cư 9 triệu đồng ở quận 4, TPHCM, hai con chị N.T. học tại một trường quốc tế có tổng học phí gần 1 tỷ đồng/năm. 

Chị T. cho biết, vợ chồng chị không quá giàu có nhưng nhờ chăm chỉ cày cuốc hồi trẻ nên cũng có số tài sản nhất định. 

Dốc hết lương cho con học trường hàng trăm triệu đồng, nghe chê dở ẹc - 3

Trẻ nhỏ ở TPHCM vui chơi sau giờ học (Ảnh: Hoài Nam).

8 năm nay, thay cho nhu cầu ở nhà to, ô tô này nọ, anh chị chọn dành tiền đầu tư cho con ăn học. Anh chị đi thuê căn nhà nhỏ giá rẻ, cho thuê lại nhà lớn để có thêm chi phí, các nhu cầu chi tiêu khác cũng được tối giản.

Chị T. cũng thường xuyên nghe vài người nói, con học trường quốc tế tốn tiền, cũng có giỏi hơn ai đâu. Nhưng với chị, đổ tiền cho con ăn học mục đích không phải để con giỏi hơn ai mà ở chỗ con thấy niềm vui trên hành trình học tập. 

Theo người mẹ, tranh cãi về việc chọn trường này trường nọ cho con là chuyện... vô nghĩa, vô bổ. Bởi mỗi nhà có một trải nghiệm, định hướng, góc nhìn riêng.

Con học tư chắc chắn bố mẹ phải cân nhắc kỹ lưỡng về tài chính. Nhưng chị T. cũng cho rằng, ngay cả việc cân nhắc tài chính cũng không có mẫu số chung. Có nhà nhu cầu chi tiêu rất cao nhưng có nhà, như nhà chị nhu cầu đơn giản, miễn là mình thấy ổn và chấp nhận lựa chọn đó. 

Dốc hết lương cho con học trường hàng trăm triệu đồng, nghe chê dở ẹc - 4

Nhiều gia đình chọn trường cho con theo quan điểm, định hướng (Ảnh minh họa: Hoài Nam).

Theo báo cáo từ Sở GD&ĐT TPHCM, năm học 2023-2024, số học sinh tại các trường ngoài công lập tại thành phố tăng gần 12.500 em so với năm học trước đó ở tất cả các bậc học.

Báo cáo vào cuối năm 2021 của L.E.K Consulting chỉ ra thị trường giáo dục tư thục cho học sinh Việt Nam có tốc độ tăng trưởng kép 11% trong giai đoạn 2016-2020 và được dự báo sẽ tiếp tục phát triển nhanh trong giai đoạn tới.

Trong cuốn Cẩm nang chọn trường tại TPHCM, TS Nguyễn Thị Kim Dung - Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục Sài Gòn - lưu ý, khi chọn trường tư cho con, bố mẹ cần cân nhắc, chuẩn bị kinh phí dài hơi vì vấn đề học phí khá cao và tăng hàng năm.

Đồng thời, cần chú ý đến việc nếu ngắt quãng ít nhiều con sẽ gặp khó khăn khi hòa nhập ở môi trường công lập.