Đìu hiu trường nghề
Hiện nay, thị trường lao động cần nhiều lao động có tay nghề và kỹ năng tốt. Tuy nhiên, nhiều trường nghề đang ở trong tình trạng khó tuyển sinh.
Nhiều lớp học tại Trường Cao đẳng nghề Duyên Hải bỏ trống, không có học viên.
Khó tuyển sinhLớp học về nghề điện của Trường Cao đẳng Duyên Hải (Hải Phòng) chỉ có hơn 10 học viên đang hoàn thành nốt những chương trình để tốt nghiệp.
Mạnh Hoàng, một học viên lớp Cơ điện chia sẻ: “Lớp tôi có hơn 10 học viên. Để có thêm thực tế, học viên trong lớp phải tự liên hệ tới cơ sở sản xuất, đồng thời hoàn thành nốt bài thi lý thuyết để thi tốt nghiệp trong tháng 5 này”.
Nhiều lớp học tại Trường Cao đẳng nghề Duyên Hải bỏ trống, không có học viên.
Điều đáng nói là cơ sở hạ tầng tại Trường Cao đẳng nghề Duyên Hải khá khang trang nhưng thực tế lại vắng bóng người học. Cả trường có 40 phòng học thì hiện có đến... 2/3 là bỏ không, nhiều khoa của trường phải đóng cửa, các thiết bị máy móc thì phủ bụi, hoen gỉ. Ngay như Trung tâm huấn luyện thuyền viên, từng là thế mạnh của Trường Cao đẳng Duyên Hải, giờ cũng xuống cấp trầm trọng vì không một bóng người học.
Bà Nguyễn Thị Xinh, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Duyên Hải cho biết: “Vì là trường tư thục nên mọi chi phí đều do học sinh đóng góp. Ít học sinh, sinh viên nên cán bộ, nhân viên không có lương, nhiều giáo viên đã phải xin chuyển việc. Vào thời hoàng kim, mỗi năm trường có khoảng 4.000 sinh viên, học sinh. Nhưng 2 năm trở lại đây, trường không tuyển sinh được. Hiện tại, nhà trường giờ chỉ còn lại số ít sinh viên năm thứ 3, thứ 4 đang học liên thông lên đại học”.
Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hải Phòng, từng là đơn vị đầu đàn về trường nghề tại Hải Phòng nhưng cũng đang gặp nhiều khó khăn trong việc thu hút học sinh. “Tâm lý chuộng bằng cấp cũng như việc tuyển sinh đại học dễ dàng khiến nhiều người không muốn theo học nghề. Hiện trường chỉ tuyển được 500 học sinh, sinh viên, chỉ bằng 1/2 so với cách đây 5 - 6 năm”, ông Vũ Đức Thuần, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hải Phòng cho biết.
Do không tuyển được học sinh nên 2/8 trường trung cấp nghề tại Hải Phòng là Trường Trung cấp nghề Công nghiệp Bạch Đằng và Trung cấp nghề Công nghiệp Phà Rừng đã phải đóng cửa.
Tương tự như Hải Phòng, nhiều trường nghề tại các tỉnh, thành khác cũng trong tình trạng khó tuyển sinh. Như Trường Cao đẳng nghề Cơ điện Hà Nội được giao chỉ tiêu tuyển sinh từ 5.000 - 6.000 học sinh/năm nhưng cũng chỉ tuyển được hơn 1.200 học sinh. Hoặc như Trường Trung cấp nghề Việt Á (Cao Thắng, quận Hải Châu, Đà Nẵng) hơn một năm nay vẫn chưa có kế hoạch tuyển sinh trở lại...
Theo Hội Dạy nghề Việt Nam, trình độ cao đẳng và trung cấp nghề trong năm 2014 chỉ đạt hơn 78% so với kế hoạch, số lượng học viên tại các trường nghề ngày càng giảm dưới áp lực tuyển sinh ngày càng dễ dàng của khối trường đại học và chính sách hỗ trợ tiền lương cho người học nghề chưa thỏa đáng.
Sáp nhập trường nghề yếu kém
Theo khảo sát của Tổ chức Lao động thế giới (ILO), Việt Nam đang rất thiếu lao động có kỹ năng nghề. Hiện chỉ có khoảng 20% lực lượng lao động của Việt Nam được đào tạo chuyên môn, kỹ năng nghề. Trong khi đó, nhu cầu của doanh nghiệp là tuyển tới 80% lao động có kỹ năng nghề.
Hiện Bộ LĐTBXH quản lý 171 trường cao đẳng nghề, 301 trường trung cấp nghề và 991 trung tâm dạy nghề trên cả nước. “Tình trạng nhiều trường nghề vắng học viên đang là thực tế. Một số cơ sở dạy nghề chưa trúng với quy hoạch, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển nhân lực của từng địa phương, từng ngành.
Do đó, bên cạnh nắm bắt được nhu cầu của thị trường lao động thì cơ quan quản lý cần có quy hoạch trường nghề, tránh đầu tư dàn trải khiến nhiều trường nghề hiện nay đang rơi vào tình trạng ngắc ngoải”, ông Mạc Văn Tiến, Viện trưởng Viên Nghiên cứu Khoa học dạy nghề, cho biết.
Về hướng đi của trường nghề, từ góc độ cơ sở, ông Trần Đăng Chính, Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Thủy Nguyên, Ban Quản lý Khu kinh tế của Hải Phòng, chia sẻ: “Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã nhập thiết bị máy móc hiện đại, do đó muốn thu hút học sinh trước tiên các trường nghề phải có sự đổi mới về thiết bị dạy học hiện đại.
Chính vì vậy, khi chuyển trường về Ban Quản lý Khu kinh tế thành phố, đây cũng là cơ hội để Trường Trung cấp nghề Thủy Nguyên liên kết với doanh nghiệp trong đào tạo. Tìm được “đầu ra” từ doanh nghiệp, việc tuyển sinh của trường sẽ thuận lợi hơn”.
Theo ông Dương Đức Lân, Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, các trường nghề nên chủ động tái cơ cấu, nâng cao chất lượng giảng dạy để thu hút học sinh. Bộ LĐTBXH đang hướng dẫn, đôn đốc các địa phương rà soát số lượng các trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề nhằm tổng hợp, thiết lập mạng lưới giáo dục nghề nghiệp để quản lý, hỗ trợ trường nghề theo Luật Giáo dục nghề nghiệp sẽ có hiệu lực từ 1/7/2015.
Những cơ sở hoạt động yếu kém, không chiêu sinh được thì xem xét sáp nhập. Bên cạnh đó, các trường nghề cần tìm hiểu nhu cầu thị trường lao động, liên kết với doanh nghiệp trong đào tạo để gắn nhu cầu với thực tế.
Theo Xuân Cường/baotintuc.vn