Điều chưa biết về thầy giáo “lấy” học sinh trở lại lớp lay động cư dân mạng

(Dân trí) - “Mặc dù chưa có gia đình, bản thân thầy đang ở tập thể, mẹ cũng đang chiến đấu với căn bệnh ung thư nhưng thầy Ninh Văn Dậu vẫn nhận đỡ đầu nhiều học sinh”, thầy Trần Văn Thế, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Krông Pa, Gia Lai cho biết về thầy giáo “lấy” học sinh trở lại lớp gây xúc động cư dân mạng.

Đỡ đầu nhiều học sinh dù thiếu thốn

Những ngày gần đây, câu chuyện thầy Ninh Văn Dậu, chủ nhiệm lớp 12A2, Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Gia Lai năm lần bảy lượt không quản ngại khó khăn vận động học sinh trở lại trường đã lay động nhiều cư dân mạng.

Chia sẻ với PV Dân trí sáng 9/3, thầy Thế cho biết, chiều 8/3, thầy cùng Ninh Văn Dậu và một giáo viên nữa chạy xe máy khoảng vượt 20km đường đèo dốc vào rẫy đón Gôl trở lại trường.

Giữa cái nắng chang chang, Gôl đang thoăn thoắt cạo củ mì (sắn) giúp bố mẹ, khuôn mặt em sạm đen. Thầy Hiệu trưởng, thầy Dậu ngồi bệt cạnh em trong ánh nắng chiều chát chúa. Gôl bảo, mấy ngày qua, thấy bạn bè gọi điện nhiều quá, em càng nhớ trường, nhớ lớp hơn. Em cứ ngóng trông bởi em biết, thầy sẽ quay lại đón em đến lớp.

Thầy Thế cho hay, đây không phải trường hợp đầu tiên thầy Dậu nhiều lần cất công đến nhà vận động học sinh trở lại trường. Công tác ở đây gần 10 năm, thầy luôn là người rất nhiệt tình với học trò. Được biết cách đây nhiều năm, thầy Dậu còn tận tâm liên hệ với các báo để xin học bổng cho một số học sinh, giúp các em hoàn thành ước mơ Đại học.

Thầy Thế (Hiệu trưởng) và thầy Dậu đến tận rẫy đón học sinh Gôl (ảnh nhân vật cung cấp)
Thầy Thế (Hiệu trưởng) và thầy Dậu đến tận rẫy đón học sinh Gôl (ảnh nhân vật cung cấp)

Chia sẻ với chúng tôi, thầy Dậu khiêm tốn kể, mình nhận 4 học sinh làm con nuôi. Có em mồ côi cả mẹ lẫn cha, có em bố hoặc mẹ ốm liệt giường… nói chung các em đều có hoàn cảnh rất tội nghiệp. Với đồng lương eo hẹp của mình, thầy giáo Dậu cho hay, mình chỉ giúp chút ít về kinh tế, còn chủ yếu nâng đỡ các em về mặt tinh thần để có chỗ nương tựa và vượt qua khó khăn trong học tập.

Trong số các học sinh do thầy Dậu đỡ đầu, có một em tốt nghiệp ra trường và làm cán bộ xã, một đã tốt nghiệp khoa Toán - Tin của ĐH Đà Lạt đang trong thời gian xin tìm việc làm, một em đang học ĐH Nha Trang…

“Trong số các em này, tôi day dứt mãi với một học sinh. Bố em bị xuất huyết não nhưng nhờ quyết tâm, em đã tốt nghiệp xong Khoa Toán-Tin của ĐH Đà Lạt. Tuy nhiên, hiện em rất khó xin được việc làm ở địa phương do nhu cầu nhân lực ngành này khá đặc biệt”, thầy Dậu ngậm ngùi nói.

“Em không nghĩ đó là điều to tát”

Theo Hiệu trưởng Thế, thầy Dậu sinh năm 1981. Hiện thầy đang sống ở khu tập thể của trường và vẫn chưa lập gia đình. “Chúng tôi biết, hoàn cảnh gia đình của thầy cũng khó khăn, mẹ hiện đang chiến đấu với căn bệnh ung thư ở quê nhà nhưng với tấm lòng người giáo viên, thầy ấy vẫn nhận 4 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn làm con nuôi, để giúp các em hoàn thành ước mơ học tập”, thầy Thế cho biết.

Biết thầy Hiệu trưởng đã trao đổi với PV về hoàn cảnh gia đình mình, thầy Dậu mới khiêm tốn kể: "Em sinh ra tại huyện Yên Mô, Ninh Bình trong gia đình thuần nông với 4 anh em, em là con cả. Tốt nghiệp ĐH Quy Nhơn năm 2005, Dậu tình nguyện vào Gia Lai làm giáo viên. Em là dân Văn, hay mơ mộng, cộng với lúc đó đang hừng hực khí thế nên cho dù gia đình khá buồn lòng vì quá xa nhưng một mình quyết định dấn thân vào mảnh đất hùng vĩ mình đã từng được học qua trong sách vở.

Thầy Dậu đến tận rẫy đón Gôl về lớp (ảnh nhân vật cung cấp)
Thầy Dậu đến tận rẫy đón Gôl về lớp (ảnh nhân vật cung cấp)

Năm 2012, đang công tác ở Krông Pa, em được tin sét đánh ngang tai, mẹ bị ung thư lưỡi. Em rất sốc và muốn chạy về nhà ngay. Em dấu tất cả bạn bè đồng nghiệp rồi thu xếp về quê chăm sóc mẹ.

Hè năm đó, em đưa mẹ đi khám ở Hà Nội. Sau khi làm tất cả các quy trình của một ca ung thư, từ phẫu thuật, đến xạ trị, ơn trời sức khỏe mẹ em ổn định hơn. Nhiều năm nay, mẹ chỉ tái khám và sử dụng thuốc theo phác đồ và may mắn, tình trạng vẫn ổn. Thế nên em mới yên tâm ở đây công tác".

Trao đổi với chúng tôi, thầy Dậu không quên nhắc đi nhắc lại nhiều lần, do mình là giáo viên dạy lâu năm ở miền núi, đặc biệt làm công tác chủ nhiệm nên mỗi lần trong lớp trống vắng em nào, trong lòng đều áy náy không yên. “Em nghĩ những việc làm của mình không to tát gì đâu. Có thể do hiện nay, trên mạng xã hội đang lan truyền nhiều câu chuyện không mang tính giáo dục nên khi nghe, nhiều người thấy đồng cảm với câu chuyện của mình. Có điều, em không phải trường hợp cá biệt mà tất cả giáo viên trong trường em đều làm như vậy khi có học trò bỏ học”, thầy Dậu nói.

Sau khi bài viết về thầy Dậu được đăng tải trên Dân trí, một số độc giả đã có những chia sẻ xúc động: “Tâm sự của thầy khiến chúng tôi rất xúc động. Giữa cái bon chen, ghen ghét, thờ ơ và lạnh nhạt... của xã hội hiện nay, tấm lòng của thầy thật tươi mát, trong trẻo và thật nhân hậu... Đọc bài của thầy, tôi đã khóc vì ký ức tuổi thơ vời vợi của mình được trở về và sống lại vẹn nguyên”.

Hoặc một độc giả khác chia sẻ: “Mong sao các thầy cô trên mọi miền tổ quốc cũng giống như thầy để các thế hệ công dân tổ quốc mình đều trở thành người tốt”.

Mỹ Hà

(Email:myha@dantri.com.vn)

Dòng sự kiện: Gương sáng giáo dục