Điểm thi môn Ngữ văn THPT quốc gia cao nhất đến thời điểm hiện tại là 9,25 điểm
(Dân trí) - Tính đến ngày 8/7, Hội đồng chấm thi THPT quốc gia 2019 ở nhiều địa phương cơ bản đã hoàn thiện chấm thi môn Ngữ văn, hiện tại chưa xuất hiện điểm 10, điểm cao nhất là 9,25 thuộc về vùng đất học Nam Định.
Thông tin từ Hội đồng chấm thi Nam Định, công tác chấm thi môn tự luận Ngữ văn đã hoàn tất.
Toàn tỉnh Nam Định có 18.039 bài thi môn Ngữ văn. Theo thống kê sơ bộ ban đầu, có hơn 550 bài thi đạt từ 8 – 9 điểm. Đặc biệt, có 8 bài đạt mức cao nhất là 9,25 điểm nhưng cũng có tới 18 bài thi bị điểm liệt. Phổ điểm trung bình từ 5 – 7 điểm đạt trên 80%.
TP.HCM, là đơn vị chấm thi xong sớm nhất nước vào chiều ngày 4/7 với hơn 68.500 bài thi môn Ngữ văn, trong đó có 61.325 bài đạt điểm trung bình trở lên, chiếm tỉ lệ 89,4% và chỉ có 6 bài điểm 9.
Tại Đồng Nai, công tác chấm thi THPT quốc gia môn Ngữ Văn cơ bản đã hoàn thành. Trong 27.000 bài thi, có 3 bài đạt điểm cao nhất là 9.
Theo Sở GD-ĐT Hải Phòng, chiều ngày 7/7, cơ bản đã hoàn tất công tác chấm thi môn Ngữ Văn. Năm nay, toàn thành phố có 18.257 bài thi tự luận môn Ngữ văn. Qua thống kê, trong số 15.747 bài thi Ngữ văn đã nhập điểm, có một điểm 9; bài đạt điểm 7 trở lên chiếm 12,53%; Phổ điểm trung bình từ 5- 7 đạt tỷ lệ 62,90%; bài có điểm dưới 5 chiếm 24,56%; số bài điểm 0 là 17.
Tại Thừa Thiên Huế, cơ bản đã chấm xong môn Ngữ Văn, theo thống kê sơ bộ ban đầu, có 2 bài đạt điểm 9. Có nhiều bài đạt điểm 8,5. Bài đạt điểm 7 trở lên chiếm hơn 20%. Bài đạt điểm 5 đến điểm 7 chiếm tỷ lệ 50%. Bài có điểm dưới 5 chiếm khoảng 30%.
Tại Cao Bằng, môn thi Ngữ Văn đã có nhiều điểm 9. Phổ điểm trung bình từ 5 – 6 điểm. Tuy nhiên, cũng có nhiều bài thi bị điểm liệt.
Trước đó, nhận xét về đề thi Ngữ Văn THPT quốc gia 2019, cô Nguyễn Thị Hương Thủy, Giáo viên Trưởng THPT Chu Văn An (Hà Nội) cho biết, đề thi chạm đến những vấn đề mang tính thời sự và có thể phát huy được những trải nghiệm của học sinh THPT. Học sinh làm bài không chỉ bằng kiến thức ở nhà trường, mà còn bằng những suy nghĩ, trải nghiệm của cá nhân.
Với những học sinh có lực học trung bình, có thể giải quyết được đề bài ở mức độ 50- 60%. Còn với học sinh giỏi, có năng lực, biết suy tư, trăn trở, có thể phát huy được sở trường của mình khi cảm nhận được nội dung sâu xa của đề.
Đề không nặng về tái hiện kiến thức. Việc trích dẫn cụ thể một ngữ liệu trong câu hỏi nghị luận văn học giúp học sinh có thể nhanh chóng áp dụng những kỹ năng đã được trang bị để xử lý đề và dành nhiều thời gian để tư duy, để liên hệ, để thể hiện được những ý tưởng và những sáng tạo của riêng mình trong bài làm.
Theo cô Thủy, đề cũng đảm bảo yêu cầu về phân loại học sinh, những bài được điểm cao không chỉ đảm bảo đủ ý, mà còn phải thể hiện được năng lực tư duy, năng lực ngôn ngữ, năng lực liên hệ thực tế.
Hồng Hạnh (tổng hợp)