Điểm chung của các bậc cha mẹ nuôi dạy con thành công

Vĩnh Ngọc

(Dân trí) - Luôn có những đặc điểm chung giữa các bậc cha mẹ nuôi dạy nên những đứa trẻ kiên cường, tự tin và thích nghi tốt.

Nhiều người nghĩ rằng con đường nuôi dạy nên những đứa trẻ thành công nghe có vẻ mơ hồ bởi có vô số lời khuyên, một số dựa trên cơ sở khoa học và một số thì phụ thuộc vào kinh nghiệm của người đi trước.

Sự thực thì luôn có những đặc điểm chung giữa các bậc cha mẹ nuôi dạy nên những đứa trẻ kiên cường, tự tin và thích nghi tốt.

Cha mẹ dạy con đồng cảm

Michele Borba là một nhà tâm lý học về lĩnh vực giáo dục, chuyên gia nuôi dạy con cái, tác giả của cuốn sách Tại sao một số trẻ em gặp khó khăn còn những người khác tỏa sáng.

Michele Borba chia sẻ rằng, một trong những đặc điểm dễ thấy ở những đứa trẻ thành công đó là cha mẹ chúng thường xuyên thể hiện sự đồng cảm với con cái. Bố mẹ nên tỏ ra quan tâm tới con bằng những câu nói như: "Nhìn con vui quá" hoặc "con có vẻ buồn lòng".

Hỏi con bạn về cảm xúc của chúng. Điều này có thể giúp con nhận ra cảm giác của mình và thể hiện bản thân mà không xấu hổ. Bố mẹ có thể hỏi con những câu hỏi như: "Điều đó khiến con cảm thấy thế nào?" hoặc "con có vẻ sợ hãi đúng không?".

Bố mẹ cũng nên chia sẻ về cảm xúc của mình để con cảm thấy an toàn khi chia sẻ cảm xúc của chúng với cha mẹ.

Đừng quên yêu cầu con bạn chú ý đến cảm xúc của những người xung quanh chúng. Nếu bạn đang ở công viên, có thể chỉ cho con cách quan sát thái độ của mọi người và hỏi con: "Con nghĩ người đó đang cảm thấy thế nào?".

Điểm chung của các bậc cha mẹ nuôi dạy con thành công - 1

Hành trình nuôi dạy con cái không bao giờ là dễ dàng (Ảnh minh họa: Freepik).

Bố mẹ thể hiện sự quan tâm đến sở thích của con

Margot Machol Bisnow là tác giả của cuốn sách Nuôi dạy một doanh nhân: Cách giúp con bạn đạt được ước mơ. Cô đã phỏng vấn 70 bậc cha mẹ của những người con thành đạt để tìm hiểu xem có bất kỳ phương pháp nuôi dạy con cái phổ biến nào không.

Một điều cô ấy nhận thấy là cha mẹ của những đứa trẻ thành công thể hiện sự quan tâm thực sự đến sở thích của con cái họ.

Margot cho biết: "Thể thao, trò chơi điện tử, tranh luận, âm nhạc... Mọi đứa trẻ của các bậc cha mẹ mà tôi nói chuyện đều có niềm đam mê bên ngoài lớp học. Các bậc cha mẹ đó không bao giờ yêu cầu con cái từ bỏ sở thích vì họ biết điều đó tốt cho trí óc của con mình".

Tiến sĩ Dana Suskind, giáo sư nhi khoa tại Trung tâm Y tế Đại học Chicago, Mỹ, cho biết, việc bố mẹ thể hiện sự quan tâm đến những gì con làm mỗi ngày có thể có tác động to lớn tới kỹ năng nhận thức, khả năng phục hồi và tính bền bỉ của con.

Suskind, tác giả của cuốn sách Làm cha mẹ: Khai phá tiềm năng của mọi đứa trẻ, cho biết, các bậc cha mẹ nên quan tâm tới những gì con yêu thích, trò chuyện với con về những gì con thấy hấp dẫn.

Bố mẹ và con cái hãy đảm bảo rằng cả hai bên đều tham gia vào cuộc trò chuyện một cách bình đẳng. Bố mẹ có thể đặt câu hỏi và khuyến khích con trả lời thoải mái về những vấn đề mà con đang quan tâm.

Giữ tinh thần lạc quan

Roni Cohen-Sandler là một nhà tâm lý học chuyên về mối quan hệ giữa mẹ và con gái, sự phát triển của thanh thiếu niên và những hướng dẫn của cha mẹ.

Cô cũng là tác giả của cuốn sách Nuôi dạy những cô con gái kiên cường về mặt cảm xúc trong thời đại kỹ thuật số.

Roni nói, để nuôi dạy những đứa trẻ kiên cường, thông minh, bạn cần dạy con có cách nhìn tích cực. Điều này ban đầu có thể khó khăn vì trẻ em có xu hướng tập trung vào những trải nghiệm hoặc cảm xúc tiêu cực.

Roni bày tỏ: "Mặc dù bạn đồng cảm với nỗi đau khổ của con nhưng việc tập trung sự chú ý của chúng vào những thành công và niềm vui sẽ giúp chúng có cái nhìn toàn cảnh và tích cực hơn về cuộc sống".

Nhà tâm lý học Borba đồng ý rằng, sự lạc quan là yếu tố then chốt dẫn đến thành công.

Cô nói: "Những đứa trẻ lạc quan coi những thách thức và trở ngại là tạm thời và có thể vượt qua, vì vậy chúng có nhiều khả năng thành công hơn.

Trong vai trò cha mẹ, bạn cũng cần chú ý hơn đến hành vi của chính mình. Bạn nhìn vấn đề theo cách tiêu cực hay tích cực? Nếu bạn thấy bản thân mình vẫn đang nghĩ nhiều về sự tiêu cực, hãy thay đổi suy nghĩ và cách nhìn nhận để từ đó có thể giáo dục con cái hiệu quả hơn".

Theo CNBC

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm