1. Dòng sự kiện:
  2. Điểm chuẩn các trường đại học năm 2024

Điểm chuẩn của ngành học "chờ thời tới" là ... bỏ việc ngay

Hoài Nam
Điểm chuẩn các trường đại học năm 2024

(Dân trí) - Ngành học này có mức điểm chuẩn vừa phải nhưng trên thị trường lao động, nhiều nhân viên trong ngành "chờ thời tới" là... bỏ việc ngay vì quá áp lực.

Nhiều năm qua, kế toán là ngành học có mức điểm chuẩn vừa phải tại nhiều trường đại học.

Năm nay, tại Trường Đại học Ngân hàng TPHCM, ngành kế toán có điểm chuẩn các phương thức xét tuyển sớm ở mức thấp.

Điểm chuẩn của ngành học chờ thời tới là ... bỏ việc ngay - 1

Học sinh tham dự chương trình tư vấn tuyển sinh đại học năm 2024 (Ảnh: Hoài Nam).

Cụ thể, ở phương thức xét tuyển kết hợp (học bạ + thành tích THPT) chương trình chất lượng cao của trường có điểm chuẩn dao động từ 90 đến 133,5. Trong đó, cùng với quản trị kinh doanh, kế toán là ngành có mức điểm chuẩn thấp nhất.

Với phương thức đánh giá đầu vào đại học trên máy tính (V-SAT) của chương trình chất lượng cao tại trường có điểm chuẩn từ 273 đến 300. Điểm chuẩn của ngành kế toán là 248,25.

Ở chương trình chuẩn, điểm chuẩn vào trường từ 229,5 đến 315,25, ngành kế toán có mức điểm 244,5.

Tại Trường Đại học Công thương TPHCM, năm nay điểm chuẩn theo phương thức học bạ của ngành kế toán là 23,5 (điểm chuẩn tất cả các ngành ở mức 20-25).

Với phương thức xét điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TPHCM, điểm chuẩn các ngành từ 600 đến 750 điểm. Ngành kế toán có mức điểm chuẩn 650.

Tại Đại học Kinh tế TPHCM, với 3 phương thức xét tuyển học sinh giỏi, xét tuyển quá trình học tập theo tổ hợp môn, xét tuyển dựa trên điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức đợt 1/2024 điểm chuẩn của ngành kế toán công lần lượt là 56-58-860, ngành kế toán doanh nghiệp là 53-56-835.

Tại Trường Đại học Tài chính - Marketing điểm chuẩn của ngành kế toán lần lượt là 28,2-850-250 theo các phương thức xét kết quả học tập, điểm thi đánh giá năng lực, kết quả kỳ thi đánh giá đầu vào trên máy tính (V-SAT).

Trong khi điểm chuẩn của các ngành ở trường theo các phương thức trên lần lượt dao động 26-28,8; 700-920; 230-300.

Tại Trường Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TPHCM), điểm chuẩn ngành kế toán theo phương thức đánh giá năng lực 750 (các ngành của trường dao động 600-860).

Tại Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TPHCM), điểm chuẩn ngành kế toán 26,1-80,5-851-21,6 lần lượt theo các phương thức ưu tiên xét tuyển thẳng học sinh giỏi, tài năng của các trường THPT toàn quốc theo quy định của Đại học Quốc gia TPHCM, ưu tiên xét tuyển theo quy định của Đại học Quốc gia TPHCM, điểm đánh giá năng lực Đại học Quốc gia TPHCM và xét tuyển dựa trên kết quả chứng chỉ quốc tế (IELTS, TOEFT, ...) kết hợp kết quả học tập THPT hoặc xét chứng chỉ SAT, ACT/bằng tú tài quốc tế (IB)/chứng chỉ A-level.

So với nhiều ngành đào tạo của trường, điểm chuẩn ngành kế toán ở mức trung bình.

Điểm chuẩn của ngành học chờ thời tới là ... bỏ việc ngay - 2

Ngành kế toán có điểm chuẩn khá dễ thở trong nhiều năm qua (Ảnh minh họa: Hoài Nam).

Về điểm sàn xét tuyển theo phương thức điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024, kế toán cũng là ngành có mức điểm khá nhẹ nhàng tại hầu hết các trường.

Điểm sàn chung cho tất cả các ngành của Đại học Kinh tế TPHCM là 20, Trường Đại học Ngân hàng TPHCM là 18 điểm và Trường Đại học Tài chính - Marketing là 19.

Ở Trường Đại học Công thương TPHCM, điểm sàn tốt nghiệp THPT năm 2024 dao động từ 16 đến 20 điểm. Ngành kế toán là một trong những ngành có mức điểm sàn cao nhất.

Nhiều nhân viên "chờ cơ hội bỏ việc"

Theo một báo cáo của Bộ Lao động Hoa Kỳ, hơn 300.000 kế toán và kiểm toán viên ở Mỹ đã nghỉ việc trong 2 năm qua, tương đương mức giảm 17%. Trong khi đó số sinh viên chọn theo học ngành kế toán kiểm toán cũng sụt giảm, tạo ra một khoảng trống lớn.

Hai nhóm 25-34 tuổi và từ 45-54 tuổi nghỉ việc nhiều nhất. Theo các nhà tuyển dụng, những người này thường chuyển sang làm việc trong các ngành tài chính và công nghệ.

Tại Việt Nam, kế toán cũng từng lọt vào danh sách những ngành có số hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp nhiều, chủ yếu xuất phát từ nguyên nhân nhân viên "dứt áo ra đi".

Vào giữa năm 2023, kế toán là một trong 5 nhóm nghề tại Việt Nam có người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp nhiều nhất cùng với thợ may, thêu và thợ có liên quan; thợ lắp ráp; nhân viên bán hàng; kỹ thuật viên điện tử.

Bởi thế, kế toán còn được dân trong ngành ví von vui là ngành "nối đuôi nhau bỏ việc" hay "chờ thời tới là bỏ việc". 

Báo cáo nghề nghiệp kế toán, kiểm toán trong bối cảnh mới vừa công bố của Navigos Group cho thấy tỷ lệ người làm công tác kế toán, kiểm toán có ý định thay đổi công việc khá cao.

Điểm chuẩn của ngành học chờ thời tới là ... bỏ việc ngay - 3

Nhiều nhân viên kế toán "chờ thời tới" để nghỉ việc (Ảnh chụp báo cáo của Navigos Group).

Mặc dù chỉ có 9,6% người được hỏi chắc chắn thay đổi nhưng có đến 41,7% trả lời sẽ thay đổi khi có điều kiện; 21,6% có nghĩ đến nhưng cho rằng chưa đến thời điểm thích hợp.

Liên quan đến việc không hài lòng với công việc hiện tại, không có lý do bao trùm nhưng các nguyên nhân được chọn lựa nhiều nhất là khối lượng công việc lớn (41,1%), yêu cầu trách nhiệm cao (36%), thu nhập thấp (30,7%) và không có khả năng phát triển bản thân (29,2%).

Một số vấn đề khác cũng được quan tâm dù chưa nhiều là ảnh hưởng đến sức khỏe (20,5%), phải luôn cập nhật kiến thức (19,4%) và địa điểm làm việc xa (19,4%).

Điểm chuẩn của ngành học chờ thời tới là ... bỏ việc ngay - 4

Các lý do không hài lòng với công việc của nhân viên kế toán (Ảnh chụp báo cáo của Navigos Group).

Về thị trường lao động, báo cáo thể hiện nhu cầu việc làm trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán trước mắt còn khá hạn chế, có đến 44,2% doanh nghiệp được hỏi cho biết chưa có nhu cầu tuyển dụng. Còn các doanh nghiệp có nhu cầu thì tuyển không nhiều.

Tuy nhiên, thực tế các doanh nghiệp vẫn không dễ tuyển được kế toán có năng lực chuyên môn tốt, khả năng ứng dụng công nghệ thông tin, các kỹ năng bổ trợ…

Điều này đòi hỏi các trường học cần có giải pháp nhằm thu hẹp khoảng cách giữa công việc thực tế và đào tạo trong nhà trường cũng như sự nỗ lực của người học.

Kế toán cũng như các ngành nghề, người chịu được áp lực công việc thì không thiếu cơ hội. Người học cần cân nhắc kỹ lưỡng đến đam mê, phẩm chất, năng lực của bản thân để xác định con đường nghề nghiệp.