Dịch Covid-19 phức tạp: Đổi mới chương trình, SGK lớp 6 theo kịch bản nào?

Hạnh Nguyên

(Dân trí) - Năm học tới, Bộ GD-ĐT sẽ áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới với lớp 6. Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang phức tạp, nhiều tỉnh lên kịch bản sẵn sàng thực hiện và ứng phó.

Có thể tựu trường muộn vài ba tuần

Trong hai ngày 12- 13/8, Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2020-2021, triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 đối với giáo dục trung học.

Là một trong những địa phương chịu tác động lớn của dịch Covid-19, ông Trịnh Khôi, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bắc Ninh cho hay, hiện tỉnh đang xây dựng kế hoạch linh hoạt cho năm học mới phù hợp với diễn biến dịch bệnh vẫn còn phức tạp và khó lường. Ngoài ra, tỉnh cũng dành sự quan tâm đặc biệt cho việc chuẩn bị tốt nhất các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên để triển khai chương trình lớp 6.

Dịch Covid-19 phức tạp: Đổi mới chương trình, SGK lớp 6 theo kịch bản nào? - 1

Năm học tới, Bộ GD-ĐT sẽ áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới với lớp 6.

Khẳng định Quảng Ninh đã sẵn sàng cho năm học mới, đặc biệt là thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới đối với lớp 6, ông Nguyễn Văn Tuế, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Ninh cho biết, tỉnh đã rà soát, tập huấn, chuẩn bị kịch bản sẵn sàng nếu dịch bệnh xảy ra vẫn có thể triển khai được chương trình.

Theo ông Tuế, vấn đề khó khăn đặt ra, thời gian bồi dưỡng trực tiếp giáo viên dạy chương trình mới còn hạn chế, chủ yếu bồi dưỡng trực tuyến; đội ngũ giáo viên cốt cán có biến động về khách quan, chủ quan; giáo viên được đào tạo đơn môn nhưng tới đây dạy liên môn nên khó khăn.

Tại TPHCM, để chuẩn bị cho triển khai chương trình, sách giáo khoa lớp 6, từ năm học trước Sở GD-ĐT thành phố đã làm việc với Đại học Sài Gòn để bồi dưỡng các môn học tích hợp trong chương trình lớp 6. Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc phụ trách Sở GD-ĐT TPHCM, việc chủ động bồi dưỡng của thành phố tạo thuận lợi cho triển khai trong năm học mới.

Tiền Giang là địa phương hiện đang nằm trong vùng tâm dịch Covid-19, với số ca nhiễm mới vẫn lên tới hàng nghìn mỗi ngày. Để chuẩn bị cho năm học mới, đại diện Sở GD-ĐT tỉnh này cho biết, từ khung kế hoạch thời gian năm học của Bộ GD-ĐT, Sở Giáo dục đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành khung kế hoạch năm học của địa phương.

Trong đó, địa phương đưa ra nhiều phương án dự trù nhưng có thể tập trung sớm nhất vào giữa tháng 9, so với kế hoạch năm ngoái trễ khoảng 2 tuần. Lo lắng của địa phương hiện nay là do ảnh hưởng của dịch nên một số công việc như sửa chữa trường lớp, cải tạo cơ sở vật chất, tập huấn giáo viên… bị ảnh hưởng.

Dịch Covid-19 phức tạp: Đổi mới chương trình, SGK lớp 6 theo kịch bản nào? - 2

Khoảng 30% tỉnh thành chọn 2 bộ SGK lớp 6/môn học

Tại Hội nghị, Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD-ĐT) cho biết, năm học 2020-2021, các cơ sở giáo dục trung học tiếp tục thực hiện hiệu quả việc xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường, đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá, đổi mới quản trị nhà trường.

Trong bối cảnh phải ứng phó với dịch Covid-19, ngành Giáo dục nói chung và giáo dục Trung học nói riêng đã chủ động, kịp thời điều chỉnh kế hoạch năm học, vận dụng linh hoạt các hình thức dạy học, tinh giản chương trình giáo dục phổ thông học kỳ II, điều chỉnh quy định đánh giá cuối năm học.

Các cơ sở giáo dục đã tổ chức dạy học qua internet, trên truyền hình phù hợp với điều kiện triển khai của nhà trường.

Cấp THCS, các địa phương, cơ sở giáo dục đã ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, chủ động khắc phục khó khăn để triển khai công tác bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên.

Tính đến cuối năm học 2020-2021, đã có hơn 579.000 lượt giáo viên trung học được bồi dưỡng các modul 1,2,3 về Hướng dẫn thực hiện chương trình mới; phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá theo hướng phát triển phẩm chất năng lực học sinh.

Từ các sách giáo khoa (SGK) lớp 6 biên soạn theo chương trình mới, được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT phê duyệt, 63 tỉnh thành phố đã tổ chức lựa chọn sách theo quy định.

Kết quả, tại mỗi tỉnh/thành phố, mỗi môn học/hoạt động giáo dục được chọn từ 01 đến 05 bộ sách trong đó tỉ lệ chọn 01 bộ/môn học khoảng 50%; 02 bộ/môn học khoảng 30%. 

Trao đổi với các địa phương, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ lưu ý, năm học 2021-2022 là năm đầu tiên triển khai chương trình, sách giáo khoa mới đối với lớp 6 nên các địa phương cần quán triệt sâu sắc đến các nhà trường về sự khác biệt của chương trình mới với chương trình năm 2006.

Do chương trình xây dựng theo hướng mở nên các trường học phải xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường. Sở GD-ĐT, Phòng GD-ĐT khi kiểm tra phải lưu ý kiểm tra kế hoạch từng môn học, từng tổ chuyên môn.

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Thứ trưởng cho rằng, cần phải coi thời gian học trực tiếp là thời gian vàng để tận dụng hướng dẫn học sinh về phương pháp tự học, chuyển từ tư duy học sang tự học và tự học có hướng dẫn.