ĐH Thương mại nâng chuẩn đầu ra, tiệm cận quốc tế 9 chương trình đào tạo

Nhật Hồng

(Dân trí) - Sáng nay 28/10, trường ĐH Thương Mại đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến các bên liên quan về chuẩn đầu ra và chương trình đào tạo.

Tham dự hội thảo trực tuyến có các giảng viên, nhà khoa học, các chuyên gia phát triển Chương trình đào tạo (CTĐT), quản lý đào tạo, kiểm định chất lượng giáo dục, các đơn vị sử dụng lao động, hiệp hội nghề nghiệp và sinh viên, cựu sinh viên.

Đây diễn đàn khoa học để các bên liên quan trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm về các yêu cầu kiến thức, kĩ năng chuyên môn và phẩm chất nghề nghiệp cần thiết đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động nhằm phục vụ xây dựng chuẩn đầu ra CĐR và CTĐT mới của Trường Đại học Thương mại.

ĐH Thương mại nâng chuẩn đầu ra, tiệm cận quốc tế 9 chương trình đào tạo - 1

Các đại biểu tham dự hội thảo (Ảnh: Nhật Hồng)

Ban tổ chức hội thảo cho biết, trường ĐH Thương Mại thực hiện chủ trương phát triển chương trình đào tạo (CTĐT) giai đoạn 2021-2025 theo hướng đa dạng, tích hợp một phần nội dung CTĐT và giáo trình của nước ngoài vào các CTĐT của Nhà trường nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của xã hội.

Năm học 2021-2022, nhà trường tổ chức xây dựng 09 CTĐT, gồm 01 CTĐT trình độ tiến sĩ ngành Quản trị nhân lực và 08 CTĐT trình độ đại học, trong đó có 02 chương trình chất lượng cao giảng dạy bằng tiếng Việt và tiếng Anh là Quản trị kinh doanh chất lượng cao, Quản trị nhân lực doanh nghiệp chất lượng cao; 01 chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh là Kế toán định hướng nghề nghiệp ICAEW CFAB; 05 chương trình chuẩn là Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành định hướng nghề nghiệp; Quản trị khách sạn định hướng nghề nghiệp, Khởi nghiệp và phát triển kinh doanh; Marketing số; Luật thương mại quốc tế.

PGS,TS Nguyễn Thị Bích Loan, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thương mại cho biết, trong điều kiện tự chủ, nguồn thu của nhà trường chủ yếu từ học phí của người học, vì vậy, việc xây dựng, phát triển các chương trình đào tạo có chất lượng, đáp ứng nhu cầu của người học là yêu cầu bức thiết.

Trong những năm vừa qua, Trường Đại học Thương đã đa dạng hóa các ngành, chuyên ngành đào tạo và chương trình đào tạo. CTĐT cần được tiếp tục hoàn thiện, đổi mới theo hướng tinh gọn, hiện đại, cập nhật, đảm bảo cho người học có đủ năng lực chuyên môn, kỹ năng và phẩm chất đạo đức nghề nghiệp; có khả năng tư duy độc lập, sáng tạo, chủ động trong giải quyết vấn đề thực tiễn nghề nghiệp và thích ứng với sự thay đổi của môi trường làm việc chuyên nghiệp.

Theo đó, CTĐT cần được tiếp tục sắp xếp theo các module một cách khoa học với các nhóm học phần được kết cấu đảm bảo khối kiến thức được trang bị theo một trình tự logic, từ khối kiến thức cơ bản đến phần kiến thức chuyên ngành.

"Chủ chương và quan điểm đổi mới của Nhà trường là phải thực sự coi trọng người học là đối tượng trung tâm của các hoạt động giáo dục và đào tạo, thiết lập mối quan hệ bình đẳng hợp tác giữa thầy và trò, giữa người học và chuyên viên quản lý,  luôn tiếp nhận thông tin từ nhiều kênh và phản hồi thông tin tới người học để đáp ứng yêu cầu một cách kịp thời, đảm bảo quyền lợi cho người học"- bà Loan nhấn mạnh.

ĐH Thương mại nâng chuẩn đầu ra, tiệm cận quốc tế 9 chương trình đào tạo - 2

Sinh viên trường ĐH Thương Mại. (Ảnh: Thái Nguyễn).

Theo bà Loan, việc đặt trọng tâm vào giảng dạy chất lượng cần được sự đồng thuận và ủng hộ của đội ngũ cán bộ giảng viên và sinh viên trong toàn trường. Điều này chỉ có thể được đạt được qua một quá trình lâu dài và điều chỉnh các chính sách trọng tâm vào giảng dạy.

Do đó, cần có sự tham gia tích cực của giảng viên, sinh viên, chuyên viên và ban lãnh đạo nhà trường trong việc xây dựng các chính sách đảm bảo chất lượng giảng dạy, từng chương trình đào tạo phù hợp và thống nhất với chính sách chung của nhà trường. Cần tập trung thắt chặt mối quan hệ giữa giảng dạy và nghiên cứu khoa học, khuyến khích giảng viên nghiên cứu khoa học trong chuyên ngành giảng dạy đi cùng với các chính sách thúc đẩy sinh viên và cao học viên tham gia nghiên cứu khoa học.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm