ĐH Sư phạm Đà Nẵng tập huấn Chương trình GD phổ thông mới: Chu đáo từ giáo trình
(Dân trí) - Để các khoá tập huấn Chương trình GD phổ thông mới giáo viên cốt cán hiệu quả, Trường ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng đã chuẩn bị chu đáo từ giáo trình, phương pháp truyền đạt kiến thức đến cơ sở vật chất, trang thiết bị truyền đạt kiến thức.
Không có các bộ sách giáo khoa làm “kim chỉ nam” để tập huấn Chương trình GD phổ thông (sau đây gọi tắt là Chương trình) mới như các đợt tập huấn trước đây, song từ đề cương giáo trình đến tổ chức tập huấn của Trường ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng (sau đây gọi tắt là ĐHSP Đà Nẵng) dành cho giáo viên cốt cán của thành phố Đà Nẵng và 5 tỉnh Tây Nguyên, có thể nói học viên có nắm bắt được chủ trương của Bộ GD & ĐT cũng như tinh thần đề cao tính sáng tạo của Chương trình ngay từ phần lý thuyết.
Trước khi tham gia các buổi tập huấn trực tiếp do các giảng viên ĐHSP Đà Nẵng hướng dẫn, học viên phải nắm được chủ trương, phương pháp truyền đạt kiến thức cho học sinh cũng như mục đích của Chương trình. Khối lượng kiến thức nền là rất lớn, song đã được tinh gọn với hình thức trình bày khoa học, trực quan sinh động.
Chẳng hạn, nội dung về mục tiêu hình thành phẩm chất và năng lực của học sinh mà Chương trình hướng tới được trình bày trong báo cáo tổng thể của ĐHSP Đà Nẵng như sau:
Với hình thức tập huấn vừa trực tuyến vừa trực tiếp, ĐHSP Đà Nẵng còn chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học khác hoàn toàn với các lớp tập huấn “chay” (có thể hiểu là truyền đạt kiến thức một cách sách vở, nói miệng). Theo đó, lớp tập huấn được trang bị cả máy tính để thực hành dạy học trực tuyến, cũng như các mô hình thực hành môn học.
Học viên được tập huấn các trang thiết bị thực hành dạy học cả hai hình thức trực tuyến và trực tiếp
Không chỉ chuẩn bị nội dung báo cáo tổng thể vừa đầy đủ, vừa xúc súc tích với hình thức trình bày trực quan sinh động, cùng trang thiết bị dạy học chu đáo, các báo cáo viên còn nhất quán phương pháp truyền đạt kiến thức theo hướng mở, khuyến khích sáng tạo theo đúng mô hình lớp học của Chương trình.
Theo đó, giảng viên hướng dẫn áp dụng ngay các phương pháp, kỹ năng truyền đạt kiến thức hướng đa dạng, hướng tới tích cực hoá hoạt động của học sinh của Chương trình như bàn tay nặn bột, tìm tòi - khám phá, tạo môi trường học tập thân thiện...
Không khí tập huấn cởi mở, khuyến khích học viên sáng tạo, mạnh dạn trao đổi với giảng viên hướng dẫn
Học viên cũng được hướng dẫn khám phá, luyện tập, thực hành, vận dụng kiến thức như các học sinh trong lớp học của Chương trình được giáo viên đứng lớp hướng dẫn trong tương lai.
PGS.TS Lưu Trang - Hiệu trưởng ĐHSP Đà Nẵng chia sẻ, học viên tham gia các đợt tập huấn đạt yêu cầu phải nắm vững chủ trương, quan điểm phát triển, các phương pháp truyền đạt kiến thức Chương trình; đồng thời, có thể xây dựng kế hoạch dạy học/giáo án cho một chủ đề môn học. Làm sao để mỗi học viên dự tập huấn trở thành một “hoa tiêu” định hướng thực hiện Chương trình ở đơn vị và địa phương công tác trong tương lai.
Hiểu rõ điều này, khi triển khai phối hợp với các Sở GD&ĐT ở các địa phương tổ chức tập huấn Chương trình cho đội ngũ giáo viên cốt cán, ĐHSP Đà Nẵng đã xây dựng một kế hoạch, giáo trình tập huấn trách nhiệm và chỉn chu nhất có thể.
Tâm An