ĐH Kinh tế TPHCM, Y Hà Nội lọt top 1.000 trường ĐH hàng đầu thế giới

Huyên Nguyễn

(Dân trí) - 9 đại học của Việt Nam vừa lọt vào bảng xếp hạng đại học thế giới năm 2025 của THE, trong đó có những cái tên mới như Đại học Kinh tế TPHCM, Trường Đại học Y Hà Nội, Trường Đại học Mở TPHCM.

Ngày 9/10, Tổ chức Times Higher Education (THE) công bố bảng xếp hạng đại học tốt nhất thế giới năm 2025. Việt Nam có 9 đại diện, nhiều nhất từ trước đến nay.

Dù lần đầu tiên góp mặt trong bảng xếp hạng song Đại học Kinh tế TPHCM được xếp ở vị trí 501-600, cao nhất trong các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam. Tiếp đến là Trường Đại học Duy Tân và Tôn Đức Thắng, hạng 601-800.

ĐH Kinh tế TPHCM, Y Hà Nội lọt top 1.000 trường ĐH hàng đầu thế giới - 1

Đại học Kinh tế TPHCM được xếp ở vị trí 501-600 (Ảnh: Huyên Nguyễn).

Cũng lần đầu tiên được xếp hạng, Trường Đại học Y Hà Nội và Mở TPHCM nằm trong nhóm 801-1.000 và 1.201-1.500.

Thứ hạng của các đơn vị xếp sau có: Đại học Quốc gia Hà Nội trong nhóm 1201-1500, Đại học Quốc gia TPHCM, Đại học Huế và Đại học Bách khoa Hà Nội cùng nhóm 1501+...

Trừ ba gương mặt mới, 6 đại diện còn lại của Việt Nam đều giữ nguyên thứ hạng năm ngoái.

Ngoài 9 đại diện trên, Trường Đại học Văn Lang lần đầu có tên trong danh sách với trạng thái "reporter" (nhóm được báo cáo) song chưa được xếp hạng.

ĐH Kinh tế TPHCM, Y Hà Nội lọt top 1.000 trường ĐH hàng đầu thế giới - 2

9 đại học của Việt Nam vừa lọt vào bảng xếp hạng đại học thế giới năm 2025 của THE (Ảnh chụp màn hình).

Xét trên toàn thế giới, Đại học Oxford vẫn giữ vững vị trí hàng đầu trong năm thứ 9 liên tiếp. Tiếp sau là Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) vươn lên vị trí thứ 2, vượt qua Đại học Stanford đã tụt xuống vị trí thứ 6. Các trường trong top 10 chủ yếu ở Mỹ và Anh.

Đại học Harvard tăng từ vị trí số 4 lên số 3 và Đại học Princeton cũng vươn từ hạng 6 lên hạng 4.

Bảng xếp hạng của THE năm 2025 bao gồm 2.092 cơ sở giáo dục đại học, tới từ 115 quốc gia và vùng lãnh thổ. Để tạo ra xếp hạng này, THE đánh giá dựa trên 18 tiêu chí, chia thành 5 nhóm, gồm: Giảng dạy (29,5%), môi trường nghiên cứu (29%), chất lượng nghiên cứu (30%), triển vọng quốc tế (7,5%), chuyển giao công nghệ (4%).