ĐH Bách khoa HN chưa tìm được phương thức tuyển sinh mới

(Dân trí) - Tại hội thảo Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo do trường ĐH Bách khoa Hà Nội tổ chức ngày 14/12, ông Nguyễn Cảnh Lương, phó hiệu trưởng nhà trường cho biết, năm 2012 dự kiến có nhiều phương thức tuyển sinh nhưng trường vẫn chưa quyết được phương thức nào.

Chia sẻ về góc độ tuyển sinh theo hướng tự chủ, ông Nguyễn Cảnh Lương, phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng phương thức “3 chung” vẫn cần thiết cho hệ thống ĐH Việt Nam nói chung. Tuy nhiên những trường muốn tập trung nâng cao đầu vào thì nên có phương thức tuyển sinh riêng.

Ông Lương cho hay, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã xem xét một số phương thức tuyển sinh. Cụ thể, tổ chức kỳ thi riêng trước kỳ thi 3 chung. Tuy nhiên cách này bất cập ở chỗ, số lượng thí sinh có thể rất lớn song khó xác định được có bao nhiêu sinh viên sẽ chọn ĐH Bách khoa Hà Nội, bao nhiêu em sẽ tham gia thi 3 chung tiếp và đi trường khác.

Còn nếu tổ chức thi riêng đồng thời với “3 chung”, thí sinh sẽ rất khó quyết định bởi nếu không trúng tuyển thì sẽ không thể tham gia thi “3 chung” vào các trường khác được nữa. Nhà trường đang xem xét phương thức xét tuyển qua hồ sơ. Song, cách này cũng bất cập nếu như không tiến hành động bộ với các trường khác.

“Hiện, nhà trường vẫn chưa tìm được phương thức tuyển sinh hợp lý thay thế hoàn toàn phương thức “3 chung” - ông Lương nói.

Cũng tại hội thảo, đưa ra những tồn tại trong quản lý tại các trường ĐH, CĐ, ông Nguyễn Cảnh Lương cho rằng: “Thiếu sự định hướng của Nhà nước cho phát triển, lúng túng trong việc xây dựng chiến lược và tầm nhìn; bị “trói buộc” bởi cơ chế quản lý lạc hậu, không có điều kiện phát huy tính năng động, tự chủ, tự chịu trách nhiệm dẫn đến trì trệ. Nguồn lực (tài chính, nhân lực, cơ sở vật chất - kỹ thuật) đang rất thiếu thốn, bao cấp của nhà nước (đối với trường công lập) không đủ đáp ứng nhu cầu phát triển, gây khó khăn trong quản lý và điều hành nhà trường. Như vậy kéo theo hệ lụy, môi trường không đảm bảo chuẩn mực, kém thu hút, dẫn đến “chảy máu chất xám”, không đảm bảo hiệu quả các nguồn đầu tư. Thiếu năng lực cạnh tranh, không đảm bảo phát triển bền vững. Chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học khó đảm bảo, nguy cơ tụt hậu”.

Theo ông Lương, tự chủ, tự chịu trách nhiệm tạo nền tảng và động lực cho sự phát triển bền vững. Do vậy, cần gấp rút thực hiện tự chủ đại học, triển khai từng bước, thí điểm rút kinh nghiệm, điều chỉnh kịp thời cho phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của hệ thống đại học VN.

Hồng Hạnh