Đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh của trường nghề

Lệ Thu

(Dân trí) - Hàng chục điều kiện đầu tư kinh doanh, thành phần thủ tục hành chính không hợp lý với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, cắt giảm.

Cụ thể, Bộ LĐ-TB&XH đã nghiên cứu và đề xuất với Chính phủ sẽ xem xét sửa đổi, bổ sung 03 Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.

Thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về ban hành Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025 và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa những quy định không hợp lý, Bộ LĐ-TB&XH đã nghiên cứu và đề xuất với Chính phủ sẽ xem xét sửa đổi, bổ sung 03 Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp (Nghị định số 143/2016/NĐ-CP, Nghị định số 140/2018/NĐ-CP, Nghị định số 15/2019/NĐ-CP).

Bởi lẽ, những quy định không hợp lý chính là rào cản đối với hoạt động kinh doanh của trường nghề. Việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, chuyển từ cơ chế "tiền kiểm" sang "hậu kiểm" là yêu cầu quan trọng thiết thực.

Đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh của trường nghề - 1

Bộ LĐ-TB&XH đã nghiên cứu và đề xuất với Chính phủ sẽ xem xét sửa đổi, bổ sung 03 Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp (Ảnh minh họa).

Trao đổi với PV Dân trí, ông Vũ Văn Hà - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra, Tổng cục GDNN cho hay: "Mục tiêu của việc sửa đổi, bổ sung 03 Nghị định nêu trên là cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh; cắt giảm, đơn giảm hóa thủ tục hành chính. Trao quyền tự chủ, gắn với trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục nghề nghiệp; chuyển từ cơ chế "tiền kiểm" sang cơ chế "hậu kiểm".

Tăng cường công tác thanh, kiểm tra, trách nhiệm giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước và xã hội; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp".

Theo ông Hà, qua rà soát, Tổng cục GDNN đã đề xuất sửa đổi các quy định hiện hành và sẽ cắt giảm, bãi bỏ, đơn giản hóa 17 điều kiện đầu tư kinh doanh (trong đó: Cắt giảm 02 điều kiện; đơn giản hóa 06 điều kiện; bãi bỏ 09 điều kiện); đơn giản hóa 40 thành phần hồ sơ của 25 Thủ tục hành chính (TTHC); bãi bỏ 20 thành phần hồ sơ của 11 TTHC; đơn giản hóa 18 điều kiện thực hiện TTHC của 14 TTHC; bãi bỏ 19 điều kiện thực hiện TTHC của 14 TTHC.

Rút ngắn thời gian giải quyết 13 TTHC và mẫu hóa biểu mẫu trong thành phần hồ sơ của 21 TTHC về: Thành lập, cho phép thành lập, chia, tách, sáp nhập, giải thể cơ sở giáo dục nghề nghiệp; thành lập, cho phép thành lập, chấm dứt hoạt động phân hiệu của trường trung cấp, trường cao đẳng; đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp, đăng ký bổ sung hoạt động giáo dục nghề nghiệp; cấp giấy chứng nhận hoạt động liên kết đào tạo với nước ngoài; thành lập, chấm dứt hoạt động văn phòng đại diện của tổ chức, cơ sở giáo dục nghề nghiệp nước ngoài tại Việt Nam.

Đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh của trường nghề - 2

Mục tiêu của việc sửa đổi, bổ sung 03 Nghị định là cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh; cắt giảm, đơn giảm hóa thủ tục hành chính (Ảnh minh họa).

Hiện, dự thảo Nghị định đã được đăng tải toàn văn trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ và Cổng thông tin điện tử của Bộ LĐ-TB&XH để lấy ý kiến góp ý rộng rãi của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Đồng thời, đang tổ chức lấy ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan tổ chức có liên quan, đặc biệt là đối tượng chịu sự tác động trực tiếp là các trường cao đẳng, trường trung cấp, trung tâm và doanh nghiệp.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm