Ba ưu tiên xây dựng chiến lược Giáo dục nghề nghiệp 2016-2021 của UNESCO
(Dân trí) - UNESCO đã xây dựng một Chiến lược cho Giáo dục nghề nghiệp 2016-2021 nhằm hỗ trợ các nỗ lực của các quốc gia thành viên để tăng cường hệ thống Giáo dục nghề nghiệp.
Cộng đồng quốc tế đã xây dựng Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững đầy tham vọng. Chương trình kêu gọi một cách tiếp cận tích hợp để phát triển, gắn tăng trưởng kinh tế toàn diện và bền vững nhằm đảm bảo việc làm bền vững cho tất cả phụ nữ và nam giới, thúc đẩy hòa nhập xã hội.
Giáo dục và đào tạo là trọng tâm trong thành tựu của Chương trình nghị sự 2030. Điều này cũng được nêu trong Tầm nhìn của Tuyên bố Incheon: Giáo dục 2030 và Mục tiêu Phát triển bền vững về Đảm bảo giáo dục chất lượng toàn diện và công bằng và thúc đẩy học tập suốt đời.
Theo đó, Giáo dục nghề nghiệp dự kiến sẽ giải quyết nhiều nhu cầu của kinh tế, xã hội và môi trường giúp thanh thiếu niên và người trưởng thành phát triển các kỹ năng cần thiết cho việc làm, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế công bằng, toàn diện và bền vững, hỗ trợ chuyển đổi sang nền kinh tế xanh và bền vững môi trường.
Với mục tiêu đó, UNESCO đã xây dựng một Chiến lược cho Giáo dục nghề nghiệp 2016-2021 nhằm hỗ trợ các nỗ lực của các quốc gia thành viên để tăng cường hệ thống GDNN và trang bị cho thanh thiếu niên và người trưởng thành các kỹ năng cần thiết để làm việc, kinh doanh và học tập suốt đời.
Chiến lược này tập trung vào 3 ưu tiên: Thúc đẩy việc làm cho thanh niên và khởi sự kinh doanh; Thúc đẩy công bằng và bình đẳng giới và Hỗ trợ cho quá trình chuyển dịch sang nền kinh tế xanh và xã hội bền vững.
Ưu tiên đầu tiên của chiến lược là thúc đẩy việc làm cho thanh niên và khởi sự kinh doanh thông qua hỗ trợ các nước thành viên rà soát và đổi mới hệ thống chính sách; thúc đẩy sự hợp tác của các bên liên quan và xây dựng các chiến lược tài chính hiệu quả.
Thất nghiệp gia tăng là một trong những vấn đề quan trọng nhất mà các nền kinh tế và xã hội phải đối mặt trong thế giới ngày nay, đối với các nước phát triển và đang phát triển. Ít nhất 475 triệu việc làm mới cần được tạo ra trong thập kỷ tới để đáp ứng nhu cầu việc làm cho 73 triệu thanh niên hiện đang thất nghiệp và 40 triệu người mới tham gia vào thị trường lao động.
Ở nhiều nước, khu vực phi chính thức và khu vực nông thôn truyền thống vẫn là nguồn việc làm chính. Số lượng lao động dễ bị tổn thương hiện đang ở mức 1,44 tỷ trên toàn thế giới. Lao động ở tiểu vùng châu Phi và Nam Á chiếm hơn một nửa con số này.
Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trang bị cho thanh niên những kỹ năng cần thiết để tiếp cận với thế giới công việc, bao gồm cả kỹ năng tự làm chủ. GDNN có thể giảm các rào cản tiếp cận với thế giới công việc, ví dụ như thông qua học tập dựa trên công việc và đảm bảo rằng các kỹ năng đạt được công nhận và chứng nhận. GDNN cũng có thể cung cấp các cơ hội phát triển kỹ năng cho những người có tay nghề thấp, những người chưa đủ tuổi hoặc thất nghiệp.
Thứ hai, chiến lược ưu tiên thúc đẩy công bằng và bình đẳng giới thông qua tư vấn chính sách, các chương trình nâng cao năng lực; tăng cường các biện pháp hỗ trợ cho nhóm yếu thế; khuyến khích chia sẻ thông tin và kiến thức và đẩy mạnh các biện pháp nhằm tăng cơ hội tham gia các chương trình GDNN của phụ nữ và trẻ em gái.
Mặc dù tiến bộ công nghệ và tăng trưởng kinh tế, sự bất bình đẳng và nghèo đói vẫn tồn tại ở nhiều nơi trên thế giới. Trung bình, 10% số người giàu có nhất tạo ra 30 - 40% tổng thu nhập của quốc gia.
Ngược lại, 10% số người nghèo nhất tạo ra khoảng 2% tổng thu nhập. Quá nhiều người, đặc biệt là phụ nữ, thiếu cơ hội phát triển kỹ năng và công việc tốt. Nhìn chung, tỷ lệ thất nghiệp ở phụ nữ vẫn cao hơn, họ ít tham gia vào lực lượng lao động và đối mặt với rủi ro cao hơn của việc làm dễ bị tổn thương.
Năm 2014, tỷ lệ thất nghiệp toàn cầu đối với nữ ở mức 6,4% (so với 5,7% đối với nam) và tỷ lệ tham gia lực lượng lao động toàn cầu của nữ ở mức 68,7% (so với 81,7% đối với nam).
Do sự bất bình đẳng giới và định kiến, các chương trình GDNN thường ảnh hưởng đến việc tiếp cận và tham gia của phụ nữ trong các lĩnh vực nghề nghiệp cụ thể.
Viện Thống kê UNESCO ước tính tỷ lệ học sinh nữ trên toàn thế giới trong các chương trình nói chung là 48%, trong các chương trình dạy nghề là 44%. Điều này tiếp tục góp phần tạo nên sự bất bình đẳng giới trong công việc và trong xã hội.
Thứ ba, UNESCO ưu tiên thúc đẩy việc chuyển dịch sang nền kinh tế xanh và xã hội bền vững thông qua thúc đẩy phát triển kỹ năng xanh; tăng cường cách tiếp cận liên ngành và hỗ trợ các nước thành viên tận dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ số.
Các ngành phát triển đều có nhu cầu rất lớn về kỹ năng. Mỗi quốc gia sẽ cần thiết lập các cách tiếp cận và ưu tiên theo từng giai đoạn để đảm bảo phát triển bền vững.
Tuy nhiên, biến đổi khí hậu là một mối đe dọa khó tránh khỏi. Tất cả các quốc gia đều có những ưu tiên cho việc chuyển đổi sang các nền kinh tế xanh. Việc chuyển đổi như vậy sẽ ảnh hưởng tích cực đến việc làm và chuyển đổi mô hình tiêu thụ và sản xuất. Việc chuyển đổi sang nền kinh tế xanh hơn có thể tạo ra 15 đến 60 triệu việc làm trên toàn cầu trong hai thập kỷ tới và giúp hàng chục triệu lao động thoát khỏi cảnh nghèo đói.
Công nghệ kỹ thuật số đã lan truyền nhanh chóng ở hầu hết thế giới, tác động đến tất cả các ngành, nền kinh tế, ngành công nghiệp và thế giới công việc. Mặc dù vậy, 60% dân số thế giới vẫn nằm ngoài xu hướng này và không tham gia đầy đủ vào nền kinh tế kỹ thuật số.
Các quốc gia thành viên và cộng đồng quốc tế cần hợp tác để xóa bỏ khoảng cách kỹ thuật số và giảm bất bình đẳng về quyền truy cập các dịch vụ này để đảm bảo phát triển bền vững.