Đề Toán "dễ thở", nhiều thí sinh tự tin đạt điểm 9-10
(Dân trí) - Sau 2 tiếng làm bài, khoảng 16h30 các thí sinh tại điểm trường THCS Nam Trung Yên (Hà Nội) bước ra phòng thi với gương mặt vui tươi, hào hứng. Đa số thí sinh nhận định đề Toán kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm nay vừa sức, dễ ăn điểm, rất nhiều em dự đoán mình sẽ được 9 điểm ở môn thi này.
Em Bế Ngọc Gia Hưng (THCS Đoàn Thị Điểm) cho biết: "Em làm được hết bài thi, đề vừa sức, em nghĩ mình ít nhất được 9 điểm".
Thí sinh Nguyễn Phương Mai cùng chung nhận xét. Mai cho biết đề năm nay bám sát kiến thức cơ bản với học sinh. Tuy vậy, em nghĩ đề vẫn có một số câu "không bình thường" cho lắm, đó có lẽ là câu dùng để phân loại thí sinh.
Em Nguyễn Đức Long (THCS Lý Thái Tổ) hào hứng cho biết, đối với em đề Toán năm nay dễ. Em nghĩ mình có thể đạt điểm tuyệt đối hoặc ít nhất là 9 điểm.
Thầy Trần Mạnh Tùng (giáo viên Toán - Trường THPT Lương Thế Vinh) đánh giá, đề Toán vào lớp 10 của Hà Nội cơ bản, an toàn, dễ thở và có tính phân hóa nhẹ.
"Đề Toán bám sát chương trình và cấu trúc của kỳ thi mấy năm gần đây. Hầu hết thí sinh đều thấy đề quen thuộc, từ hình thức đến nội dung và mức điểm phân bố cho mỗi câu. Tính ổn định của đề thi được giữ trong một thời gian dài nên thuận lợi cho việc học và ôn thi của học sinh, vì thế theo tôi, thí sinh sẽ gặp nhiều thuận lợi với đề thi này", thầy Tùng nhận xét.
Giáo viên này dự đoán, phổ điểm phổ biến sẽ nằm trong khoảng 7,5 - 8,5. Có thể nói, với đề thi này, điểm 8, 9 có thể nằm trong tầm tay các em nắm vững kiến thức cơ bản và có kỹ năng tính toán cẩn thận.
Với nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy Toán học, thầy Hồng Trí Quang cho rằng, đề thi của Hà Nội luôn theo một cấu trúc ổn định qua nhiều năm. Đề thi Toán năm nay có nhiều ý phân loại, bắt đầu từ điểm 8 trở lên.
Ý đầu tiên là Bài I.3, tính toán khá dài và học sinh có thể nhầm lẫn. Các ý tiếp theo khó là III.2.b; IV.4 va V mỗi ý 0,5 điểm. Các bài còn lại là rất quen thuộc, như vậy phổ điểm tập trung từ 7 đến 8 điểm.
Bài III.2.b học sinh cần nhận biết được hai hoành độ giao điểm luôn trái dấu, như vậy sẽ có một giá trị âm, một giá trị dương. Cụ thể ở đây là x_1 âm, x_2 dương, từ đó phá được dấu giá trị tuyệt đối để đưa về bài toán sử dụng Viet quen thuộc. Đây là câu rất hay trong đề. Bài IV.4 và V đều khó, cấu trúc giống đề năm ngoái. Tuy nhiên học sinh có thể làm được một nửa Bài V và được 0,25 điểm.
Lệ Thu