Đề thi trắc nghiệm GDCD, Sử, Địa: Phủ rộng kiến thức phổ thông, có độ phân hóa cao

(Dân trí) - Nhận định về bài thi Khoa học xã hội, nhiều giáo viên cho biết, đề bám sát chương trình giáo dục phổ thông, xuất hiện nhiều tình huống thực tiễn, phát huy được điểm mạnh của hình thức thi trắc nghiệm. Tuy nhiên, thí sinh sẽ khó đạt điểm tuyệt đối.


Thí sinh phấn khởi kết thúc kỳ thi tốt nghiệp và xét tuyển vào ĐH,CĐ một cách nhẹ nhàng

Thí sinh phấn khởi kết thúc kỳ thi tốt nghiệp và xét tuyển vào ĐH,CĐ một cách nhẹ nhàng

Môn Giáo dục công dân: Sẽ không nhiều điểm 10

Năm 2017 là năm đầu tiên đưa môn Giáo dục công dân vào kì thi THPT quốc gia. Theo đó, bài thi môn Giáo dục công dân thi theo hình thức thi trắc nghiệm với 40 câu và thời gian làm bài 50 phút, là một trong ba môn thi thành phần của bài thi tổ hợp khoa học xã hội đồng thời cũng là môn thi cuối cùng kết thúc kì thi THPT quốc gia năm nay.

Nhiều giáo viên Giáo dục công dân (thuộc Hệ thống HOCMAI) cho rằng, đề thi được thiết kế dựa trên chủ trương bám sát chương trình SGK phổ thông lớp 12, các vấn đề và nội dung câu hỏi đều nằm trong phạm vi chương trình. Phạm vi đề thi có dạng thức tương tự đề thi minh họa, thử nghiệm và đề thi tham khảo. Đồng thời đề cũng có sự sắp xếp theo vùng từ dễ đến khó bám sát ma trận kiến thức, tạo tâm lí thoải mái và thuận lợi cho các em học sinh làm bài.

Tương tự như các môn thi khác, học sinh sẽ làm bài thi môn Giáo dục công dân trong 50 phút với 40 câu hỏi.

Nhìn chung, đề thi được thiết kế làm nổi bật ưu điểm của hình thức thi trắc nghiệm, bám sát mục tiêu của kì thi THPT quốc gia là phủ rộng kiến thức, có độ phân hóa, hạn chế tình trạng học tủ, học lệch.

Sự phân bổ mức độ câu hỏi cũng tương đối rõ ràng để đảm bảo 2 mục tiêu của kì thi với khoảng 24 câu hỏi đầu ở mức độ cơ bản thuộc các vấn đề: Công dân với các quyền tự do cơ bản; pháp luật và đời sống; thực hiện pháp luật…. Các câu còn lại có độ khó tăng dần và đặc biệt là 4 câu cuối cùng có độ khó hơn hẳn dùng để phân loại giúp các trường đại học có thể tuyển chọn được thí sinh. Về cơ bản, giữa các mã đề có sự lặp lại các câu hỏi khó nhưng có sự điều chỉnh thứ tự câu hỏi.

Tuy nhiên, theo giáo viên, mỗi mã đề thi đều xuất hiện các câu hỏi “khó”, “lạ”, là các câu có tính phân loại, dùng để lấy điểm 9, 10.

Riêng với đặc thù môn Giáo dục công dân, các câu hỏi có tính phân loại thường rơi vào các tình huống thực tiễn, các vấn đề liên quan đến thực hành pháp luật như các câu 117, 118, 119 và 120 của các mã đề.

Các câu hỏi này là các tình huống rất gần gũi, thú vị với các em học sinh: vấn đề hôn nhân gia đình (câu 117, mã đề 303); vấn đề an toàn giao thông (câu 117 mã đề 311); vấn đề tự do ngôn luận trên mạng xã hội (câu 110 – mã đề 303); vấn đề bầu cử, ứng cử (câu 119 mã 304)…

"Việc đưa môn Giáo dục công dân vào kì thi có tính quốc gia đã góp phần cải thiện cái nhìn của xã hội với môn học vốn bị coi là “phụ” này, đồng thời cho thấy Bộ thực sự đang từng bước thực hiện lộ trình đổi mới, kiểm tra đánh giá học sinh một cách toàn diện.

Nhìn chung, đề không quá khó so với đề thi minh họa, thử nghiệm và tương đương đề thi tham khảo. Điểm 10 về cơ bản sẽ không nhiều" - giáo viên môn Giáo dục công dân nhận định.

Môn Lịch sử: Xuất hiện dạng bài mới

Năm 2017 là năm có nhiều sự biến đổi của kì thi THPT quốc gia nói chung, trong đó đặc biệt có môn Lịch sử. Theo đó, bài thi môn Lịch sử sẽ chuyển từ hình thức thi tự luận sang hình thức thi trắc nghiệm với 40 câu và thời gian làm bài 50 phút. Đây có lẽ sẽ là trải nghiệm đầu tiên, khác lạ của lứa học sinh sinh năm 1999.

Tổ Lịch sử – Hệ thống giáo dục HOCMAI nhận định, đề thi được thiết kế dựa trên chủ trương bám sát chương trình SGK Lịch sử 12, các vấn đề và nội dung câu đều không có gì xa lạ với học sinh và bao gồm hai phần Lịch sử Việt Nam và Lịch sử thế giới.

Phạm vi đề thi có dạng thức tương tự đề thi minh họa, thử nghiệm và đề thi tham khảo. Đồng thời đề cũng có sự sắp xếp theo vùng từ dễ đến khó bám sát ma trận kiến thức, tạo tâm lí thoải mái và thuận lợi cho các em học sinh làm bài.

Việc điều chỉnh hình thức thi, thời gian thi, nội dung của kì thi THPT quốc gia năm 2017 so với các năm trước kéo theo việc điều chỉnh lại cấu trúc đề thi/độ khó của đề thi môn Lịch sử, có độ phân hóa, hạn chế tình trạng học tủ, học lệch nhưng học sinh sẽ bị áp lực về mặt thời gian.

Sự phân bổ số lượng câu hỏi giữa hai mảng Lịch sử thế giới và Lịch sử Việt Nam cũng vẫn tương tự như các đề hàng năm (28 câu Lịch sử Việt Nam và 12 câu Lịch sử thế giới). Mức độ phân bổ độ khó/dễ cũng tương đối rõ ràng để đảm bảo 2 mục tiêu của kì thi với khoảng 24 câu hỏi ở mức độ cơ bản, các câu còn lại có độ khó tăng dần dùng để phân loại thí sinh.

Đề thi năm nay có sự xuất hiện dạng bài mới là trích dẫn các văn bản lịch sử: Ví dụ câu 7, 10 mã 310, không thấy xuất hiện lại dạng sắp xếp các sự kiện như dạng thức đề minh họa, thử nghiệm và đề thi tham khảo. Đồng thời các câu hỏi có tính thời sự vẫn có mặt như câu hỏi về xu thế toàn cầu hóa (câu 37 mã 310); vấn đề quan hệ quốc tế trong giai đoạn sau kết thúc chiến tranh lạnh như câu 29 mã 301. Tuy nhiên, các chủ đề xuất hiện trong đề không mới.

Nhìn chung, đề không quá khó so với đề thi minh họa, thử nghiệm và tương đương đề thi tham khảo, cách ra đề cũng hạn chế những câu hỏi ở mức học thuộc lòng, góp phần thay đổi dần cách nhìn của xã hội đối với môn Lịch sử.

Môn Địa Lý: Có độ phân hóa cao

Kể từ năm 2017, môn thi Địa lí cùng với môn Lịch sử và Giáo dục công dân sẽ thuộc bài thi tổ hợp khoa học xã hội của kì thi THPT quốc gia. Đồng thời, bài thi môn Địa lí sẽ chuyển từ hình thức thi tự luận sang hình thức thi trắc nghiệm với 40 câu và thời gian làm bài 50 phút. Đồng thời để tạo tâm lí thuận lợi cho các em học sinh làm bài, đề thi năm nay được sắp xếp theo vùng từ dễ đến khó.

Tổ Địa lí – Hệ thống giáo dục HOCMAI nhận định, phạm vi đề thi có dạng thức tương tự đề thi minh họa, thử nghiệm và đề thi tham khảo, tiếp tục tinh thần chủ trương mà Bộ đã công bố là bám sát chương trình phổ thông lớp 12, kiến thức phủ đều các chuyên đề. Nội dung các câu hỏi đều thuộc các vấn đề quen thuộc mà các em được học trong chương trình phổ thông ví dụ như địa lí tự nhiên, địa lí kinh tế, vùng kinh tế cùng với thực hành kĩ năng địa lí.

Do có sự điều chỉnh về nội dung và hình thức thi nên từ tháng 10-2016 đến tháng 5 – 2017, Bộ liên tục công bố các đề thi minh họa, thử nghiệm để các em học sinh có điều kiện làm quen với dạng thức thi mới.

Nhìn chung, đề thi được thiết kế làm nổi bật ưu điểm của hình thức thi trắc nghiệm là phủ rộng kiến thức, có độ phân hóa. Sự phân bổ mức độ khó của đề cũng tương đối rõ ràng để đảm bảo 2 mục tiêu của kì thi với khoảng 24 câu hỏi ở mức độ cơ bản.

Các câu còn lại có độ khó tăng dần và đặc biệt 4 câu cuối có độ khó hơn hẳn cụ thể là rơi vào chuyên đề địa lí vùng kinh tế, kĩ năng nhận dạng biểu đồ. Thông thường, có sự lặp lại về nội dung/dạng câu hỏi ở các câu hỏi cuối của các mã đề.

Việc Bộ xây dựng ngân hàng câu hỏi để mỗi một thí sinh có 1 mã đề thi riêng và có độ trùng lặp câu hỏi không nhiều cho thấy công tác biên soạn đề thi công phu. 24 mã đề được xây dựng từ khoảng 4 đến 5 đề hoàn toàn khác biệt nên về cơ bản đề thi đảm bảo độ công bằng tương đối giữa các thí sinh. Việc này cũng góp phần hạn chế gian lận và tiêu cực, đòi hỏi học sinh phải học rộng, hạn chế học tủ, học lệch.

Mỗi mã đề thi đều xuất hiện các câu hỏi có tính thời sự hoặc các câu hỏi đòi hỏi khả năng vận dụng và tổng hợp kiến thức cao như câu 66 mã 319 về vấn đề xuất nhập khẩu sau Đổi mới; vấn đề biển đảo (câu 64 mã 319; câu 76 mã 301); vấn đề phát triển cây công nghiệp ở Tây Nguyên (câu 76 mã đề 302). Tuy nhiên, các chủ đề xuất hiện trong đề thường là các chủ đề quen thuộc, không xa lạ với quá trình ôn tập của học sinh.

Nhìn chung, đề thi môn Địa lí không quá khó so với đề thi minh họa, thử nghiệm và tương đương đề thi tham khảo, phát huy được ưu điểm của hình thức thi trắc nghiệm, có độ phân hóa.

PV (ghi)