Đề thi tốt nghiệp Lịch sử, Địa, Sinh: Phân hóa rõ để cạnh tranh vào đại học
(Dân trí) - Nhiều giáo viên nhận định môn thi tốt nghiệp THPT Lịch sử, Địa, Sinh học đã bám sát chương trình ôn tập của học sinh. Tuy nhiên, đề thi có sự phân hóa tương đối rõ với học sinh xét tuyển đại học.
Đề thi Lịch sử: Phổ điểm trung bình 6-7 điểm
Cô Hoàng Lan Hương, Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội nhận định: Đề thi Lịch sử bám tương đối sát đề minh họa, phổ điểm trung bình 6-7 điểm.
Cô Hương phân tích, với câu nhận biết: Trải đều trên phạm vi từ lịch sử thế giới đến Việt Nam. Khác với đề minh họa và cũng tương đối khác so với các đề năm trước, câu hỏi giai đoạn 1975-2000, rơi vào hỏi công cuộc bảo vệ tổ quốc - Đây là điểm cần lưu ý cho việc ôn thi năm sau.
Về câu thông hiểu, câu hỏi đề thi tập trung chủ yếu vào câu hỏi về lịch sử Việt Nam. Còn về câu nhận biết, thông hiểu có câu hay câu 5 (mã đề 307), hỏi chi tiết về lĩnh vực văn hóa trong cuộc vận động Duy Tân (nội dung kiến thức lớp 11), học sinh không đọc kỹ là rất dễ nhầm. Hay câu 15 (mã đề 307) ở mức độ nhận biết, học sinh không đọc kỹ sẽ rất dễ nhầm khi chọn Ấn Độ.
Câu vận dụng thì tập trung vào giai đoạn 1930-1945, có câu so sánh giữa các giai đoạn với nhau. Ở mức độ vận dụng, câu 31 (mã đề 307), làm được câu này học bên cạnh việc nắm vững kiến thức còn phải có sự tư duy để tìm sự điểm giống nhau từ đó sẽ chọn được đáp án đúng……
Với câu hỏi vận dụng cao thì tập trung vào giai đoạn 1930-1945, yêu cầu suy luận cao. Những câu vận dụng cao không mang tính đánh đố, sử dụng lối diễn đạt khác yêu cầu học sinh phải hiểu, nắm bản chất và biết vận dụng kiến thức để.
Theo cô Hương, đề thi Lịch sử năm nay có mức độ phân hóa cao. Phổ điểm trung bình là 6-7 điểm, sẽ xuất hiện nhiều điểm 8-9; sẽ có sự phân hóa ở mức độ điểm 9, 10.
Còn Cô Đặng Ngọc Tú, Trường THPT Kim Liên (Hà Nội) thì cho rằng, đề thi đảm bảo 2 mục đích vừa xét tốt nghiệp, vừa xét đại học vì có sự phân hóa rõ ràng.
Đề 307 có 02 câu hỏi kiến thức lớp 11. Từ câu 1-28 đề ở mức độ nhận biết và thông hiểu vừa sức. Từ câu 37-40 có sự phân loại hs, câu hỏi có sự liên hệ đòi hỏi hs giỏi nắm chắc kiến thức có để trả lời.
"Đề này phổ điểm có thể dự đoán 6-7 điểm" - cô Tú nói.
Môn Địa lý: Phần lớn thí sinh sẽ đạt 6 - 7,5 điểm
Cô Lê Phượng Loan, Trường Phổ thông liên cấp Vinschool cho biết, Đề Địa lí tương đồng với đề minh họa, vừa sức và phân hóa tương đối rõ. Chắc chắn các bạn thí sinh sẽ cảm thấy thoải mái và tương đối tự tin khi làm bài thi Địa lí. Nhìn chung đề khá dễ thở, cấu trúc đề và phân bố kiến thức gần như tương đồng với Đề minh họa của Bộ GD-ĐT.
Theo cô Loan, nội dung kiến thức được hỏi nằm hoàn toàn trong chương trình Địa lí 12 với phần lớn các vấn đề về Địa lí kinh tế - xã hội. So với đề thi năm 2020, đề thi 2021 có điểm khác ở 2 câu kĩ năng về khu vực Đông Nam Á và tăng độ khó ở các câu hỏi phần vùng kinh tế.
Đề thi có 15 câu sử dụng Atlat Địa lí Việt Nam tập trung vào nhận biết các đối tượng địa lí. Đây là phần dễ ăn điểm nhất mà các bạn thí sinh không thể bỏ lỡ. 4 câu liên quan đến kĩ năng bảng số liệu - biểu đồ cũng không khó vì đã được ôn tập rất nhiều về nhận xét, xác định nội dung biểu đồ hay nhận diện dạng biểu đồ thích hợp. Tuy nhiên có bạn sẽ dễ nhầm lẫn hoặc lúng túng nếu quên công thức khi phải xử lí số liệu và không đọc kĩ đề bài.
Từ câu 71 đến 79 độ khó tăng dần, thí sinh cần có kiến thức địa lí tổng hợp về tự nhiên, dân cư để giải thích các hiện tượng tự nhiên cũng như các vấn đề kinh tế - xã hội nổi bật ở mỗi vùng. Các câu hỏi hướng trọng tâm đến nhiều vấn đề nóng và thực tiễn hiện nay như "hạn mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long", "phát triển đa dạng cơ cấu ngành kinh tế ở Đồng bằng sông Hồng", "giải pháp nâng cao hiệu quả đánh bắt xa bờ ở Duyên hải Nam Trung Bộ"…
Các lựa chọn không chỉ nêu ra một khía cạnh mà liên kết nhiều vấn đề. Do đó để đạt được 9, 10 điểm thì thí sinh cần có khả năng phân tích, đánh giá, kết nối kiến thức - kĩ năng để chọn được đáp án chính xác.
Đề thi Địa lí THPT 2021 vừa sức và có sự phân hóa tương đối rõ trong bối cảnh lớp 12 phải học online ở giai đoạn ôn tập quan trọng cuối cùng. Phần lớn thí sinh sẽ đạt 6 - 7,5 điểm.
Là môn thi duy nhất được mang tài liệu vào phòng thi, cô Loan đánh giá cao tính vận dụng kiến thức - kĩ năng của bài thi Địa lí. Thí sinh không phải "sợ hãi" khi nghĩ đến môn này nhưng muốn đạt được kết quả tốt vẫn cần phải nỗ lực học tập và thực sự tư duy.
Cô Nguyễn Thị Hồng Quyên, THPT Biên Hòa, Đồng Nai cho biết, đề thi Lịch sử có khoảng 70% mức độ nhận biết - thông hiểu. Có 2 câu kỹ năng nhận xét thuộc chương trình lớp 11, có 15 câu sử dụng Atlat, 2 câu nhận dạng biểu đồ, học sinh dễ dàng làm được nội dung này. Chỉ có 1-2 câu có độ khó cao hơn như câu 53, 57.
Nội dung rải đều chương trình học lớp 12, tập trung chủ yếu ở mức biết và thông hiểu, học sinh làm được dễ dàng.
Đề không khó, học sinh biết và có kỹ năng sử dụng Atlat, biểu đồ đều làm tốt. Dự đoán phổ điểm ở mức 7 điểm.
Môn Sinh học: Sẽ hiếm điểm 9,10
Cô giáo Vi Thị Nguyệt - giáo viên môn Sinh, Trường THPT Lục Ngạn số 1- Huyện Lục Ngạn- Tỉnh Bắc Giang nhận định, đề Sinh học hay, phù hợp cả thi tốt nghiệp và xét tuyển ĐH.
Nội dung kiến thức cơ bản nằm ở 20 câu đầu tiên, học sinh chỉ cần nắm kiến thức SGK cơ bản cũng có thể được 5 điểm, và nắm chắc kiến thức SGK có thể 7- 7,5 điểm.
Do đề thi dành cho cả tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH tốt khi có sự phân hóa rõ ràng, với học sinh thi xét tốt nghiệp thì đề này có phổ điểm tầm điểm 5 - 6 điểm phù hợp với đại đa số học sinh, với học sinh thi đại học và đặc biệt với các trường top đầu thì có sự phân hóa tốt.
Với đề này sẽ có khó có điểm liệt. Để được điểm cao từ 9-10 đòi hỏi học sinh phải có sự vận dụng và tư duy tốt.
Còn cô giáo Phạm Thị Thanh Mai - Trường THPT An Lão, Hải Phòng cho rằng, đề thi năm nay có khoảng 26 câu ở mức độ nhận biết, thông hiểu, học sinh chỉ thi tốt nghiệp dễ dàng đạt 5-6 điểm.
Có một số câu hỏi thực tế, câu hỏi có hình vẽ, sơ đồ, tạo hứng thú cho học sinh, kiểm tra được kĩ năng quan sát phân tích sơ đồ, hình ảnh, ứng dụng kiến thức đã học vào thực tế.
Các câu hỏi vận dụng có cách hỏi mới so với đề tham khảo thi thử của các trường, đòi hỏi học sinh có kiến thức vững, có khả năng tổng hợp, khái quát mới làm được. Tạo tính phân hóa để chọn học sinh vào đại học.
Cô giáo Nguyễn Thị Hằng Nga - Trường ĐH Sư phạm Hà Nội nhận định: Đề thi Sinh học vừa sức với học sinh, có sự phân hóa rõ ràng. Các câu dành cho đánh giá kết quả tốt nghiệp nhìn chung cơ bản, bám sát nội dung SGK.
Với các câu dành cho việc xét tuyển đại học thì một số câu hỏi lí thuyết được đặt trong tình huống/bối cảnh đòi hỏi HS hiểu kiến thức ở mức độ cơ chế mới có thể giải thích được; Câu bài tập, nhìn chung không đánh đố nhưng đòi hỏi HS phải thực sự chắc kiến thức và đặc biệt phải có kĩ năng tính toán thì mới giải quyết nhanh một số câu trong đề thi; Có những câu với cách hỏi mới lạ ví dụ câu 104 mã đề 212.
Tuy nhiên, ở câu hỏi này nên xem lại cách diễn đạt để tránh hiểu nhầm là 4 quần xã của một quá trình diễn thế sinh thái.
"Chất lượng đề tốt, đảm bảo yêu cầu của một đề thi THPT, tuy nhiên nội dung đề vẫn dài" - cô Nga nhấn mạnh.