Đề thi Ngữ Văn THPT quốc gia 2019: Phù hợp với xét 2 mục đích tốt nghiệp và đại học
(Dân trí) - Thầy giáo Phạm Hữu Cường, Giảng viên Trường ĐHSP Hà Nội nhận định: "Nhìn tổng thể đề này phù hợp hai mục đích: Xét tuyển tốt nghiệp và xét tuyển đại học mặc dù theo tôi, khả năng phân hoá đề này chưa cao lắm”.
Theo thầy Cường, điểm khác biệt về cấu trúc đề thi minh hoạ mà Bộ công bố, phần đọc hiểu là văn bản nghị luận, còn đây văn bản đọc hiểu thơ.
Ở phần nghị luận văn học (câu 5 điểm), trong đề thi minh hoạ của Bộ GD&ĐT so sánh hai chi tiết làm nổi bật thay đổi của nhân vật hoặc một hình tượng nào đấy.
Nhưng ở đây, đề thi cho một đoạn văn rồi cảm nhận hình tượng và nhận xét.
Về cơ bản cấu trúc không thay đổi nhưng hình thức ra thay đổi khá nhiều so với đề thi minh hoạ.
Theo đánh giá của giáo viên này, đề thi năm nay có cấu trúc khác với đề thi minh hoạ khoảng 50%.
Tuy nhiên, ở phần đọc hiểu thơ tương đương so với đề năm ngoái. “Về đề thi này, tôi đánh giá phần đọc hiểu đoạn thơ của nhà thơ Vũ Quần Phương tương đối ý nghĩa vì đây là văn bản ngoài chương trình, khơi gợi sự mới mẻ của các con để có thể có những suy nghĩ vẫn dụng bản thân nhiều hơn”, thầy Cường nhận xét.
Cũng theo giáo viên này, ở phần đọc hiểu gồm 4 câu. Câu 1 đơn giản. Câu 2,3 chủ yếu thông hiểu. Câu 4 vận dụng cao. Câu này khá hay vì liên quan đến hành trình khát vọng của con người. Điều này cần thiết với mỗi người trong cuộc sống và đặc biệt là lứa tuổi học trò.
Ở câu nghị luận xã hội hỏi về ý chí và sức mạnh trong cuộc sống. Theo nhận xét của thầy Cường, điều này cũng phù hợp với lứa tuổi học sinh cần có ý chí mãnh liệt để vượt qua gian khổ trong cuộc sống. Đây là câu hỏi nghị luận tương đối hay và có ý nghĩa.
Trong câu nghị luận văn học, đề tương đối nhẹ nhàng khi yêu cầu học sinh cảm nhận sông Hương trong một đoạn trích. Ở đây là vẻ đẹp sông Hương ở thượng nguồn.
Do đề đã cho sẵn văn bản nên các em không cần dẫn chứng. Điều này bỏ được cách học thuộc lòng nên tập trung phân tích sâu sát hơn, không phải tập trung nhớ dẫn chứng.
Ngoài ra, có yêu cầu nâng cao mang tính phát hiện về dòng sông của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Đây cũng là câu hỏi tương đối hay và khơi gợi tính sáng tạo của học sinh theo hướng văn học là sự sáng tạo độc đáo và mới mẻ với nhà văn.
“Nhìn tổng thể đề này phù hợp hai mục đích: Xét tuyển tốt nghiệp và xét tuyển đại học mặc dù theo tôi, khả năng phân hoá đề này chưa cao lắm”, thầy Cường cho hay.
Cụ thể, theo chuyên gia này, câu phân hoá tốt nhất là câu 2 và câu 4 của phần đọc hiểu cũng như phần phát hiện về dòng sông của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Đề thi an toàn và đảm bảo mục địch 2 trong 1, mặc dù phần phân hoá chưa được cao lắm.
Nhiều người cho rằng tính thời sự không cao, không đề cập các vấn đề thời sự nhưng theo chuyên gia này, đề thi không nhất thiết luôn luôn phải hướng đến thời sự nhưng bù lại, đề cập tới sức mạnh và khát vọng rất phù hợp với học sinh phổ thông.
Về độ mở của đề thi, theo thầy Cường, đề có hướng mở không cao.
Về độ mở của đề thi, theo thầy Cường, đề có hướng mở không cao.
Ở câu nghị luận xã hội, có dấu hiệu mở và hành trình theo đuổi khát vọng nhưng các phần còn lại vẫn theo kiểu đề thi truyền thống.
Tuy nhiên, theo cô Phạm Thu Phương, Giáo viên Ngữ văn ở Hà Nội, Nhìn chung, đề thi THPTQG môn Ngữ Văn là một đề hay, bao quát, bám sát chương trình sách giáo khoa, có đầy đủ các mức độ nhận thức, có tính phân loại học sinh.
Cô Phương nhận xét, cũng tương tự như đề thi các năm trước đó, phần Đọc hiểu có ngữ liệu đọc hiểu là văn bản thơ “Trước biển” của tác giả Vũ Quần Phương, theo đó là 4 câu hỏi ở các mức độ từ nhận biết (nhận diện thể thơ), thông hiểu (cách hiểu nội dung của hai câu thơ) đến vận dụng thấp (nêu hiệu quả biểu đạt của biện pháp nghệ thuật) và vận dụng cao (suy nghĩ về hành trình theo đuổi khát vọng của con người). Ngữ liệu với các câu hỏi vừa sức với học sinh, đề cập đến các vấn đề ý nghĩa, có hiệu quả trong việc đánh giá năng lực của học sinh.
Phần Làm văn bao gồm có 2 câu hỏi. Trong đó, để hoàn thành đoạn văn nghị luận xã hội, học sinh cần bắt đầu từ việc trình bày cách hiểu về sức mạnh ý chí của con người, nêu được những ý nghĩa lớn lao của sức mạnh ý chí, biết phê phán những biểu hiện thiếu ý chí và cuối cùng, học sinh phải biết liên hệ bản thân để nhận ra những bài học nhận thức và bài học hành động ý nghĩa, thiết thực. Học sinh cũng cần biết kết hợp các thao tác lập luận để tạo lập văn bản. Cần chú ý đảm bảo chuẩn dung lượng bài viết mà đề bài yêu cầu.
Câu hỏi còn lại của phần Làm văn là câu hỏi yêu cầu tạo lập văn bản nghị luận văn học, chiếm 50% trên tổng số điểm bài thi. Vấn đề nghị luận thuộc kiến thức lớp 12, yêu cầu học sinh nêu cảm nhận về hình tượng sông Hương qua một đoạn trích trong văn bản “Ai đã đặt tên cho dòng sông” (Hoàng Phủ Ngọc Tường). Đề bài đòi hỏi học sinh không chỉ nắm chắc kiến thức về tác giả, tác phẩm; thành thạo kĩ năng phân tích, cảm thụ văn bản; mà còn phải thực sự hiểu đặc điểm phong cách nghệ thuật của tác giả.
Học sinh cần tập trung làm nổi bật những liên tưởng độc đáo, thú vị của tác giả khi tái hiện hình tượng sông Hương trong đoạn chảy ở thượng nguồn: bản trường ca của rừng già, cô gái Di gan phóng khoáng và man dại, người mẹ phù sa của một vùng văn hóa xứ sở.
Từ đó, học sinh cần biết tổng hợp khái quát lại cách nhìn mang tính phát hiện về dòng sông của Hoàng Phủ Ngọc Tường: khám phá ra “phần đời” mà dòng sông không muốn bộc lộ, tái hiện được vẻ đẹp riêng của sông Hương ở thượng nguồn, thể hiện sự am tường về địa lí và văn hóa xứ Huế sau cả một cuộc đời gắn bó với mảnh đất cố đô.
Cái nhìn mang tính phát hiện đó cũng chính là biểu hiện của tình yêu say đắm với dòng sông quê hương, với mảnh đất mộng và thơ của tác giả.
Một phần quan trọng nữa không kém là cần phân bố thời gian hợp lí để làm bài.Thời gian luôn tỉ lệ thuận với dung lượng viết và điểm số từng câu.
Phần đọc hiểu, học sinh cần dành khoảng 15 đến 20 phút để làm; câu 1 phần Làm văn cần dùng 20 đến 25 phút và còn lại câu nghị luận văn học nên dành cho 80 phút. Phân bố thời gian hợp lí cũng là một trong những bí quyết để có một bài làm tốt.
M. Hà (ghi)