Đề thi môn Lịch sử: Sẽ không có nhiều điểm tối đa, mức điểm chỉ 5-6
(Dân trí) - Đánh giá đề thi tường minh, rõ ràng, tuy nhiên, nhiều giáo viên cho rằng, không dễ để đạt điểm tối đa đối với môn Lịch sử trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020.
Cô Hà Thị Minh Trang, Trường THPT Ban Mai (Hà Nội): Với mức độ yêu cầu như đề thi năm nay, phổ điểm sẽ từ 5-6 điểm.
So với đề thi THPT quốc gia năm 2019, đề thi môn Lịch sử vẫn không thay đổi về cấu trúc. Đề thi có một phần kiến thức học kỳ 2 của lớp 11 (gồm 1 câu lịch sử thế giới, 2 câu lịch sử Việt Nam). Nội dung đề thi bám sát nội dung tinh giản chương trình của Bộ GD&ĐT mới công bố.
Đề có khoảng 34/40 câu hỏi (chiếm 85%) là ở những phần kiến thức học sinh đã được học ở học kỳ 2 lớp 11 và học kỳ 1 của lớp 12. Cụ thể câu hỏi kiến thức học kỳ 1 là 31 câu (tăng 4 câu) còn học kỳ 2 là 7 câu (giảm 2 câu) so với đề năm 2019.
Cấu trúc ma trận đề bảo đảm tính phân hóa với 80% câu hỏi ở mức độ nhận biết, thông hiểu; 20% câu hỏi mức độ vận dụng và vận dụng cao. Độ khó ở 4 câu cuối đáp ứng yêu cầu xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh vào các trường đại học.
Về ưu điểm, các câu hỏi đều tập trung vào đặc trưng của các sự kiện lịch sử, không có câu hỏi đánh đố học sinh, hay hỏi về các mốc thời gian. Nội dung các câu hỏi cũng là những vấn đề rất quen thuộc với học sinh, đã xuất hiện nhiều trong các đề thi trước đó.
Tuy nhiên, câu hỏi trắc nghiệm trải dài kiến thức từ bài 1 đến bài 26 (sách giáo khoa lịch sử 12), nội dung kiến thức bài 25 (thuộc chương trình giảm tải) và bài 19 là không có trong đề thi tham khảo. Với mức độ yêu cầu như đề thi năm nay, phổ điểm sẽ từ 5-6 điểm.
ThS. Đặng Ngọc Tú – giáo viên Lịch sử - tổ trưởng tổ KHXH (trường THPT Kim Liên): Đề Lịch sử không dễ để học sinh đạt điểm tối đa
Đề thi năm nay bám sát đề minh hoạ của Bộ GDĐT đã công bố trước đó. Nội dung đảm bảo kiến thức cơ bản, đi từ dễ đến khó, đủ 4 mức độ, theo trình tự sắp xếp câu hỏi trong đề. Tuy nhiên, bố cục kiến thức không sắp xếp theo trình tự kiến thức của sách giáo khoa là yếu tố khiến học sinh cần tập trung tư duy và đọc rất kỹ đề khi làm bài.
Các câu hỏi và phương án trả lời tường minh, rõ ràng, không đánh đố học sinh.
Với mã đề 321, câu hỏi số 9 khó hơn các câu cùng loại câu hỏi nhận biết. Từ câu 33 đến câu 40 là những câu hỏi vận dụng và vận dụng cao để phân loại học sinh khá, giỏi nhưng đối với những học sinh nắm vững kiến thức, hiểu bản chất của các sự kiện lịch sử thì không quá khó để "ăn điểm".
Trong đề thi, nội dung các câu hỏi chủ yếu nằm trong phần kiến thức lớp 12, được phân bố đúng theo tỷ lệ của số tiết quy định và bám sát nội dung kiến thức giảm tải do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Phần kiến thức lịch sử thế giới chiếm khoảng 30% số câu hỏi, phổ quát toàn bộ nội dung phần lịch sử thế giới lớp 12, có liên hệ với phần của lớp 11.
Phần vận dụng và vận dụng cao tập trung chủ yếu trong giai đoạn lịch sử Việt Nam từ năm 1919 - 1954.
Dự đoán, phổ điểm chủ yếu đạt điểm trung bình, sẽ không có nhiều điểm tối đa.