Đề thi mở không đồng nghĩa với chạy theo trào lưu “hot teen”
(Dân trí) - Đổi mới đề kiểm tra đánh giá theo hướng mở, theo định hướng phát triển năng lực học sinh đang được đặt ra với tất cả các bộ môn, đặc biệt là Ngữ Văn. Nhằm tránh tình trạng học vẹt, học tủ, phát triển năng lực tư duy, phân tích, tổng hợp của người học đồng thời gắn văn học với thực tiễn cuộc sống là mục đích thiết thực của công cuộc đổi mới.
Tuy nhiên, theo thực tế triển khai thực hiện với những đề văn được tiếng là “lạ”, “sốc” như gần đây báo chí đưa tin, tôi nghĩ nhiều thầy cô đã đi chệch hướng.
Hình tượng “Soái ca” đầy mơ mộng của các cô thiếu nữ, bài hát “Vợ người ta” nổi như cồn hay một bộ phim ăn khách “Hậu duệ mặt trời” của nước bạn đều được thầy cô nhanh trí chớp lấy để đưa vào đề thi. Nói nó gắn với thực tiễn thì chỉ một phần nhưng quan trọng là thực tiễn ấy có tính giáo dục hay không.
Đầu tiên xin xét đến đề văn về hiện tượng “Người Việt không biết xếp hàng”. Đây thật sự là một đề văn hay, bóc tách được một hiện tượng nổi cộm trong thực tế cuộc sống. Dạng bài nghị luận xã hội này không hề chạy theo trào lưu “hot teen” nhưng vẫn rất thiết thực, gần gũi với các em. Nó lại có tính giáo dục cao khi học sinh có thể bộc lộ ý kiến của mình về văn hóa xếp hàng, từ đó tác động vào nhận thức, hành vi các em.
Đến đề văn trích dẫn bản tin Chuyển động 24h, cái làm được người ra đề chính là chọn được một văn bản mới để học sinh đọc - hiểu và quan trọng là nó đánh trúng vào tâm lí của một bộ phận học sinh đang say mê thưởng thức dòng phim Hàn. Xét bốn câu hỏi đầu tiên, quả thật đúng như lời thầy giáo ra đề bộc lộ, thầy muốn kiểm tra năng lực đọc hiểu của học sinh, bởi không cần xem phim, các em cũng có thể tìm được đáp án từ chính đoạn văn bản trích dẫn. Nhưng câu hỏi thứ 5 chiếm đến một nửa số điểm lại yêu cầu học sinh viết đoạn văn với chủ đề “Nếu tôi là đạo diễn…” từ niềm cảm hứng được gợi lên từ bộ phim và những gì văn bản trích dẫn thể hiện thì quả thật đã làm khó cho các cô cậu học trò chưa từng xem bộ phim, lấy đâu ra cảm hứng cũng như đánh giá cái hay, cảm được cái đẹp để viết bài!
Và đề thi Văn 8 yêu cầu học sinh bàn về hiện tượng “cuồng” của giới trẻ đối với “Vợ người ta” và “Hậu duệ mặt trời” thì quả là đã đi quá xa yêu cầu đổi mới đề thi theo hướng mở, mang hơi thở thời đại và gắn với việc giải quyết các vấn đề thực tiễn cuộc sống. Trào lưu “hot teen” được tận dụng tối đa để thu hút sự quan tâm của học sinh nhưng trào lưu chỉ nóng sốt ở một thời điểm, không phải là những giá trị có tính vững bền. Trong khi đó mục đích cao cả nhất của văn học chính là “nhân học”. Chân - thiện - mĩ sẽ được trau dồi qua việc tiếp nhận cái hay, cái đẹp từ những áng văn chương bất hủ cũng như bàn luận, suy ngẫm về một hiện tượng đời sống có tính bền vững để định hướng thái độ, hành vi, lối sống.
Đó chính là ranh giới giữa “tuyệt vời” và “vô duyên” khi ra đề thi theo hướng mở. Điều này đòi hỏi bản lĩnh của người thầy trong việc nhanh nhạy nắm bắt được cái “hồn” của thực tại, khéo léo khơi dậy niềm hứng thú của học sinh thông qua đề thi và tinh tế định hướng giá trị sống tích cực cho các em.
Thực tế là cuộc sống hiện nay có quá nhiều vấn đề “nóng” mà gần gũi và thiết thực đang cần học sinh suy nghĩ, bàn luận. Ví dụ như hiện tượng “Giờ Trái Đất” với ý thức bảo vệ môi trường thông qua bức thông điệp “Hành động nhỏ - Ý nghĩa lớn”; thói quen đọc sách lười đọc sách của bạn trẻ; vấn đề bạo lực học đường với những thương tổn tâm lí nghiêm trọng; tình trạng nghiện game của giới trẻ; tác động tiêu cực của mạng xã hội; sự vô cảm của con người giữa cuộc sống hiện đại,… Hay như những vấn đề xả rác, ý thức học tập, thói quen đúng giờ, bệnh lười tư duy,… đều có thể biến thành những đề thi hấp dẫn, sáng tạo nếu giáo viên khéo léo lồng ghép.
“Nhanh nhạy”, “Tức thời” không phải là những mĩ từ để giáo viên dạy văn giành lấy bằng cách vội vã ra những đề thi chạy theo trào lưu. Dạy văn là dạy cách làm người từ chính những giá trị mang tính vững bền, chân chất.
Thanh Ny
Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!