Đề tham khảo môn Vật lí 2018: Đòi hỏi học sinh phải sáng tạo nhiều
(Dân trí) - Đề thi tham khảo môn Vật lí được các giáo viên đánh giá là có tính kế thừa, độ phân hóa cao đa dạng, gắn liền với các vấn đề cuộc sống, khoa học và công nghệ từ mức độ cơ bản đến mức độ vận dụng cao.
Cô giáo Nguyễn Thị Tuyết Lan, giáo viên Trường THPT Xuân Đỉnh (Hà Nội)
Đề thi đáp ứng chương trình Vật lí THPT theo chuẩn kiến thức, kỹ năng, đảm bảo kiến thức giao nhau giữa chương trình chuẩn và chương trình nâng cao. Các kiến thức phân bố đều cho toàn chương trình, giữa các chương và các bài học. Tỷ lệ giữa các câu lí thuyết và bài tập phù hợp.
Đề thi có tính kế thừa cao từ các cấu trúc đề thi của các năm học trước. Không có sự thay đổi đột ngột về mức độ giữa các phần kiến thức, đề thi có tính phân hóa cao, đa dạng, gắn liền với các vấn đề cuộc sống, khoa học và công nghệ từ mức độ cơ bản đến mức độ vận dụng cao.
Có các câu đánh giá kiến thức cơ bản ở mức độ nhận biết và thông hiểu là các câu từ câu 1 đến câu 20. Các câu còn lại là những câu vận dụng được sắp xếp từ dễ đến khó dần. Với cấu trúc này thì tính phân hoá trong kì thi rất tốt.
Hầu hết các câu hỏi đánh giá năng lực chung, năng lực chuyên biệt trong môn Vật lí như: năng lực thực nghiệm là câu 27. Câu sử dụng mô hình, đồ thị là câu 31, câu 37, câu 35, câu29,…. Các câu hỏi yêu cầu học sinh giải quyết vấn đề thực tiễn liên quan đến bộ môn Vật lí là câu 5, câu 8, … nhằm giúp học sinh vận dụng kiến thức đã học vào cuộc sống.
Có các câu yêu cầu học sinh nắm được kiến thức tổng hợp và kiến thức liên chương trong chương trình Vật lí lớp lớp 11 và lớp 12 là các câu 8, 23… nhằm yêu cầu học sinh nắm vững kiến thức trong toàn bộ chương trình lớp 11 và lớp 12. Đòi hỏi học sinh phải sáng tạo trong quá trình học tập cũng như trong quá trình làm bài.
Cô giáo Trần Thị Thanh Tâm, Giáo viên Trường THPT Đức Trọng (Lâm Đồng):
Trong đề thi, số câu phân bố đề theo các đơn vị kiến thức trọng tâm của chương trình Vật lí lớp 11 và chủ yếu là lớp 12. Tỷ lệ giữa các câu lí thuyết và bài tập phù hợp đối với các đối tượng học sinh, đảm bảo tính phân hoá cao khi học sinh tham gia thi thử nghiệm.
Số câu đánh giá phân loại học sinh phù hợp, đảm bảo tỷ lệ câu dành cho các học sinh chỉ xét tốt nghiệp và cho học sinh lựa chọn Vật lí để xét tuyển Đại học. Các câu hỏi được phân bố mang tính nhân văn, độ khó tăng dần từ dễ đến trong quá trình làm bài, học sinh không phải đọc cả đề, tiết kiệm thời gian cho thí sinh, đặc biệt là những thí sinh có lực học trung bình và những thí sinh chỉ dự thi với mục tiêu xét tốt nghiệp THPT.
Giữa phần dành cho xét tốt nghiệp và phần dành cho tuyển sinh đại học có bước đệm nhẹ để phổ điểm đẹp và trãi rộng (các câu từ 20 đến 30). Cách đưa vấn đề của đề có phần sáng tạo và đi sâu vào bản chất Vật lí.
Đặc biệt, các bài toán ở trong đề hướng đến đánh giá năng lực người học không yêu cầu học thuộc máy móc, học vẹt các công thức giải nhanh đang lan truyền trên mạng và các tài liệu tham khảo có tính thương mại cao trên thị trường.
Với đề thi tham khảo môn Vật lí, để đạt được 8 điểm là không khó, các em chỉ cần nắm kiến thức cơ bản và giải thành thạo các bài tập ở mức vận dụng thông thường thì có thể đạt được. Ở mức độ 9 - 10 điểm thì cần các em tư duy cao hơn một chút, hiểu sâu và nắm vững bản chất cơ bản của các hiện tượng trong Vật lí, vận dụng thêm một vài kiến thức cơ bàn của toán học.
Minh Tâm