1. Dòng sự kiện:
  2. Điểm chuẩn các trường đại học năm 2024

Đề Sử hay với câu hỏi về đại đoàn kết dân tộc

(Dân trí) - Ngay sau khi kết thúc môn thi Lịch Sử vào sáng 4/7, một số giáo viên và học sinh nhận định, đề Sử năm nay ít kiến thức về Lịch sử thế giới. Tuy nhiên, câu hỏi mở về Đại đoàn kết dân tộc được học sinh và giáo viên đánh giá cao.

Ths. Trần Trung Hiếu – giáo viên Sử Trường THPT chuyên Phan Bội Châu – Nghệ An: Câu hỏi 4 là điểm nhấn giúp thí sinh trình bày quan điểm”

Theo tôi, đề thi Lịch sử, kì thi THPT quốc gia năm 2016 rõ ràng, yêu cầu kiến thức rất cơ bản, không có những câu hỏi phức tạp, đánh đố thí sinh, không yêu cầu thí sinh phải thuộc lòng một cách máy móc các sự kiện, số liệu ngày tháng năm tỉ mỉ, vụn vặt.

Thứ hai, các câu hỏi trong đề thi hoàn toàn nằm trong nội dung và chương trình sách giáo khoa môn Lịch sử phổ thông hiện hành. Nội dung kiến thức của đề thi mang tính bao quát và xuyên suốt toàn bộ chương trình từ đầu thế kỷ XX đến nay.

Ths. Trần Trung Hiếu – giáo viên Sử Trường THPT chuyên Phan Bội Châu – Nghệ An
Ths. Trần Trung Hiếu – giáo viên Sử Trường THPT chuyên Phan Bội Châu – Nghệ An

Đề thi đã đáp ứng được 2 mục tiêu của 2 đối tượng thí sinh xét tốt nghiệp và thi tuyển sinh vào đại học khối C. Yêu cầu của các câu hỏi của đề thi đáp ứng “ma trận đề” của Bộ GD&ĐT theo 4 mức độ : nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dung cao với các cụm từ “trình bày”, “kể tên”, “nêu” đến “phân tích”, “cho biết ý kiến”, “phát biểu suy nghĩ”. Đề thi có tính phân loại, phân hóa cao.

Thứ ba, theo quan điểm của cá nhân tối, tôi thích nhất là câu 3 và tâm đắc nhất là câu 4. Đây là 2 câu hỏi mang tính tư duy, có khả năng phân hóa cao để tìm ra được những bài thi đạt điểm cao vì nó rèn luyện cho thí sinh kỹ năng vận dụng, liên hệ, khả năng chọn lọc, trình bày và nhận xét kiến thức lịch sử.

Đặc biệt là câu 4, theo tôi đây mới là điểm sáng, điểm nhấn của đề thi vì câu hỏi này giúp các em học sịnh có cơ hội trình bày khả năng nhận xét và nêu quan điểm, chính kiến của mình về chủ trương “thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc” của Đảng và Nhà nước trong bối cảnh của tình hình quốc tế và trong nước đã và đang diễn ra nhiều thay đổi phức tạp, liên quan đến vấn đề chủ quyền quốc gia dân tộc, chủ quyền biển đảo ở Biển Đông.

Đất nước đang khó khăn, vấn đề biến đổi khí hậu luôn cực đoan, vấn đề ô nhiễm môi trường, cùng với sự chống phá điên cuồng của các thế lực phản động trong và ngoài nước nhằm phá vỡ khối đại đoàn kết dân tộc. Câu hỏi này vừa mạng tính nhạy cảm, vừa cập nhật kiến thức từ thực tiễn thông qua các phương tiện truyền thông và đây cũng là cơ hội tốt giúp các thí sinh bày tỏ thái độ và trách nhiệm của công dân đối với Tổ quốc.

Thầy giáo Nguyễn Vũ, Trưởng bộ môn Lịch Sử, Trường THPT Quốc học, Huế: “Để đạt điểm 5, học sinh phải học chuyên tâm chứ không thể “cầu may”.

Đây là một đề thi hay, có hướng mở tốt cho học sinh khối C. Tuy nhiên, hơi khó với mức độ học sinh thi để xét tốt nghiệp phổ thông. Còn đối với thí sinh xét tốt nghiệp ĐH, CĐ, tôi nghĩ chấp nhận được.

Để đạt được 5 điểm với đề thi này, học sinh phải chuyên tâm học chứ không thể “cầu may”.

Thầy giáo Nguyễn Vũ, Trưởng bộ môn Lịch Sử, Trường THPT Quốc học, Huế
Thầy giáo Nguyễn Vũ, Trưởng bộ môn Lịch Sử, Trường THPT Quốc học, Huế

Đặc biệt ở câu hỏi cuối, thực hiện chủ trương ra đề theo hướng mở của Bộ GD&ĐT, câu hỏi này đã đáp ứng được yêu cầu này. Với học sinh, nếu các em được chuẩn bị tốt về mặt tư tưởng thì sẽ làm bài rất tốt. Nếu không, các em sẽ bị sa đà vào sự phê phán trong quản lý nhà nước hiện nay, khiến các em dễ bị mất điểm.

Tôi nghĩ, đó là tính hai mặt của một đề thi hướng mở. Nếu đáp án của Bộ GD&ĐT nêu lên những mặt tích cực thì cũng phải có góc mở cho những góc nhìn khác của học sinh trong bối cảnh hiện nay, như việc phê phán tình trạng tham nhũng, lạm quyền…

Với đề thi này, theo tôi, phổ điểm trung bình khoảng từ 4-6 điểm. Điểm 8, 9 sẽ chỉ khoảng 10-15%.

Nếu đam mê và có sự định hướng của giáo viên, các em mới có thể làm tốt được đề thi này, nếu không sẽ bị sa đà vào phê phán và dễ mất điểm.

Mỹ Hà (ghi)