Để lấy điểm cao trong môn Lịch sử

Nhiều học sinh lớp 12 “than trời” vì một lần nữa, môn Lịch sử lại có tên trong danh sách môn thi tốt nghiệp năm 2008. Nhưng thực tế, môn Sử không khó như bạn nghĩ đâu. Nếu biết cách học thì Sử cũng là môn học cực thú vị và dễ lấy điểm cao.

Dưới đây là “mách nước” của một giáo viên có nhiều học sinh đoạt giải HS giỏi Sử quốc gia về một vài cách để giúp các bạn học và thi tốt môn Lịch sử.

Học và ôn

Học theo đề cương: Nếu trường có soạn sẵn đề cương ôn tập cho bạn thì có thể dựa vào đó mà ôn tập. Sẽ càng hiệu quả hơn, nếu bạn tự soạn cho mình đề cương để ôn tập (có thể dựa vào mục lục của sách giáo khoa). Đề cương chính là một cách bạn hệ thống lại kiến thức cơ bản mà nếu nắm vững, bạn hoàn toàn tự tin sẽ có điểm từ trung bình trở lên.

Hãy đặt mục tiêu: Bạn hãy đặt mục tiêu cho mình là mỗi ngày cần phải “nhuyễn” bao nhiêu câu trong đề cương. Bạn có thể nhờ thầy cô, cha mẹ, anh chị, bạn bè kiểm tra việc thực hiện những mục tiêu ấy của mình.

”Sơ đồ hóa” kiến thức: Một cách để bạn hệ thống hóa lại kiến thức rất hiệu quả. Ví dụ, khi học về một sự kiện nào đó (như Cách Mạng Tháng Tám chẳng hạn), bạn vẽ sơ đồ, bắt đầu bằng hoàn cảnh lịch sử (vạch ra các mũi tên, mỗi mũi tên nói lên 1 hoàn cảnh lịch sử dẫn đến sự xuất hiện của sự kiện) -> yêu cầu lịch sử -> diễn biến (gồm những diễn biến chính nào, trong mỗi diễn biến có gì đáng ghi nhớ...) -> kết quả -> ý nghĩa và bài học kinh nghiệm...

Học sự kiện theo... từng bước: Ghi nhớ ngày tháng diễn ra sự kiện luôn là chuyện “đau đầu” với nhiều học sinh lớp 12. Thật ra, không phải ai cũng “siêu phàm” đến mức nhớ tất tần tật những ngày tháng mà thường là nhiều vô kể trong chương trình học của mình. Nhưng nếu “khéo léo” một chút, bạn hoàn toàn có thể nhớ được rất nhiều sự kiện. Cụ thể là khi học, hãy nhớ chắc chắn sự kiện ấy xảy ra năm nào rồi cố gắng nhớ tháng và sẽ tuyệt vời nếu bạn nhớ được ngày giờ mà sự kiện ấy diễn ra. Mẹo này giúp bạn nhớ sâu, nhớ kĩ.

”Làm quen” với đề thi: Hãy sưu tập, “nghiên cứu” và thử làm đề thi từ các năm trước (cả đề thi tốt nghiệp THPT lẫn thi tuyển sinh CĐ - ĐH). Việc này sẽ giúp bạn nhận ra cấu trúc một đề thi lịch sử sẽ như thế nào và từ đó có hướng ôn tập hiệu quả. Đây cũng là một cách ôn tập rất có ích vì bạn sẽ biết được khả năng hiện tại của mình tới đâu để có thể “điều chỉnh” kịp thời.

Thi

Đừng để lạc đề: Hãy đọc thật kĩ đề, gạch chân dưới những yêu cầu quan trọng và có thể lập dàn ý đại cương cho bài làm (đây là điều đặc biệt nên làm khi thi tuyển sinh ĐH, CĐ).

Nếu quên đừng viết... xạo: Nhiều bạn có thói quen, không nhớ ngày tháng sự kiện diễn ra bèn viết đại ngày nào đó, hi vọng được điểm. Nhưng đó là việc không nên vì rất dễ bị mất điểm (sai kiến thức). Cũng lưu ý thêm với bạn, đề thi môn Sử cũng như các môn khác đều có một phần tương đối dễ dàng với tất cả mọi người (chiếm đa số điểm) và một phần nâng cao để phân loại thí sinh (thường chỉ từ 1 -2 điểm) nên bạn cần biết câu nào hợp với khả năng của mình để có được số điểm như ý.

Rèn kĩ năng thể hiện bài làm: Để thuyết phục được người chấm trong bài thi lịch sử cũng cần thể hiện những kĩ năng như phân tích, chứng minh, tổng hợp... những kĩ năng mà bạn thường gặp ở các môn khác (văn học chẳng hạn). Kĩ năng làm bài cũng là yếu tố quan trọng, nhất là trong kì thi tuyển sinh CĐ - ĐH vì thường đề cho ra theo dạng tổng hợp, đòi hỏi bạn phải vận dụng nhiều kiến thức và “huy động” nhiều kĩ năng.

Theo T.Truyền
Mực Tím

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm