Giải nhất HSG Quốc gia môn Lịch sử:

Để học tốt môn Sử, không phải học thuộc lòng!

(Dân trí) - “Cách học Sử tốt là đọc nhiều chứ không phải học thuộc lòng. Đọc nhiều lần có thể không thuộc nhưng khi hỏi đến vấn đề gì phải chắc chắn trả lời được” - đó là phương pháp học Sử của Nguyễn Xuân Tiến, chủ nhân giải nhất quốc gia môn Lịch sử năm 2010.

Phương châm học tập hiệu quả này đã giúp cậu học sinh lớp 11 Sử, Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi, Hải Dương xuất sắc giành giải nhất với số điểm đáng nể: 17,50/20.

Để học tốt môn Sử, không phải học thuộc lòng! - 1
Nguyễn Xuân Tiến - chủ nhân giải nhất quốc gia môn Lịch sử năm 2010 rất mê đọc sách.

 

Từ giải khuyến khích cấp tỉnh

 

Nguyễn Xuân Tiến quê ở Mao Điền thuộc huyện Cẩm Giàng, Hải Dương - mảnh đất hiếu học, nổi tiếng với văn miếu Mao Điền. Cậu bạn bắt đầu quyết tâm theo đuổi môn Sử từ năm lớp 8. Dù trong gia đình không có ai theo nghiệp Sử học nhưng Tiến vẫn nhận được sự ủng hộ của mọi người. Đặc biệt là sự quan tâm của Tân - người anh trai sinh đôi với Tiến. Tân có xu hướng thiên về các môn tự nhiên nhưng luôn gần gũi, động viên em trai học tốt môn Sử - môn học tưởng chừng rất “khó nhằn” đối với các bạn nam. “Hai anh em chuyện gì cũng kể cho nhau nghe và có thể trò chuyện đến 12 giờ đêm mà không biết chán”, Tiến kể.

 

Đến năm lớp 9, Tiến được chọn vào đội tuyển học sinh giỏi của huyện đi thi giải học sinh giỏi môn Sử cấp tỉnh. Cô giáo rất kì vọng Tiến sẽ giành được giải cao nhất nhưng cuối cùng Tiến chỉ đạt giải khuyến khích. Tự nhận thấy điểm yếu của mình là hay chủ quan nên Tiến đã nỗ lực rất nhiều để cải thiện mình. Đối với Tiến, kết quả kì thi lớp 9 như một sự lỗi hẹn khiến cậu bạn quyết tâm không được trễ hẹn nữa.

 

Đến giải quốc gia năm 2010

 

Năm 2008, Tiến đỗ vào lớp chuyên Sử, Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi. Từ đó đến nay Tiến đã có những bước tiến đáng kể. Với 4 lần xếp thứ nhất kì thi năng khiếu ở lớp và giải nhì môn Lịch sử tại Olympic các tỉnh Duyên hải Bắc Bộ 2009, Tiến đã được vượt cấp dự thi học sinh giỏi tỉnh cùng các anh chị khối 12. Và sau đó cậu bạn trở thành thành viên lớp 11 duy nhất có mặt trong đội tuyển dự thi quốc gia 2010 môn Sử của Hải Dương.

 

Kì thi tốt nghiệp sắp đến với các học sinh lớp 12, Tiến có một “mách nước” nho nhỏ giúp các anh chị, đặc biệt là các lớp Tự nhiên củng cố kiến thức môn Lịch sử: “Mỗi ngày chỉ cần dành một chút thời gian cho môn Sử, nhưng phải đều đặn. Điểm thi môn Sử thường thấp nên các bạn thường sợ môn Sử, đặc biệt các bạn lại vốn ngại những môn học thuộc. Em nghĩ các bạn nên học theo các mốc thời gian, giai đoạn và có thể áp dụng cách học giống như khi em ôn thi quốc gia”.

Tiến có một trí nhớ rất tốt, chỉ cần ghi chép bài và nghe cô giáo giảng trên lớp là cậu bạn đã tự hệ thống được kiến thức trong đầu và nhớ ngay. Tuy nhiên Tiến có một thiệt thòi so với các anh chị cùng đội tuyển là chưa được học các kiến thức Lịch sử lớp 12. Bù lại, Tiến tích cực đọc sách lớp 12, mượn vở của các chị và nghiên cứu các tài liệu mà thầy cô cung cấp. Các bài chữa của thầy cô giáo sau mỗi kì thi năng khiếu cũng là một điểm mà Tiến rất lưu tâm.

 

Trong thời gian ôn thi đội tuyển quốc gia, mỗi ngày cậu bạn dành 3-4 tiếng cho môn Sử (chủ yếu học từ 11 giờ đêm đến 2-3 giờ sáng). Nhờ vậy Tiến đã hoàn thành lời hẹn năm nào là giành được giải thưởng cao nhất trong kì thi quốc gia môn Lịch sử khi mới là cậu học sinh lớp 11. Niềm vui nhân đôi khi các anh chị cùng đội tuyển với Tiến cũng giành được kết quả rất cao là 7 giải nhì.

 

Để học tốt môn Sử, không phải học thuộc lòng! - 2
Nguyễn Xuân Tiến (ngoài cùng bên trái) cùng cô giáo và các anh chị trong đội tuyển quốc gia môn Sử của Hải Dương.

 

Sang năm, Tiến dự định thi Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội. Cậu bạn chọn khối C vì đây là khối học phát huy được sở trưởng của mình nhưng cũng đòi hỏi sự kiên trì cao. Ngoài đam mê dành cho môn Sử, Tiến cũng cố gắng phân bổ thời gian hợp lý cho các môn học khác, đặc biệt là hai môn Văn và Địa. Tin rằng với khả năng và sự tự tin, Tiến sẽ còn vượt xa hơn nữa như chính cái tên của mình.

 

Bài và ảnh: Phương Nhung