Để đạt hiệu quả cao nhất bài thi Tiếng Anh phần Ngữ âm!

“Các em nên tra từ điển với mỗi từ khi học chứ đừng đọc theo thói quen hoặc đọc một cách mang máng theo trí nhớ…”, TS. Huỳnh Thị Ái Nguyên - giảng viên môn tiếng Anh trường ĐH Thăng Long chia sẻ về cách học và làm bài thi môn Tiếng Anh với phần Ngữ âm.

Thưa cô, phần ngữ âm chiếm vị trí thế nào trong đề thi tốt nghiệp và ĐH môn Tiếng Anh năm nay?

 

Phần Ngữ âm chia làm 2 phần: trọng âm và phần nguyên âm - phụ âm. Đề thi tốt nghiệp có 5/50 câu thuộc 1 trong 2 phần nhỏ này, còn đề thi ĐH là 5/80 câu. Đây là 1 phần thi kiểm tra cách phát âm Tiếng Anh của học sinh. Tuy nó không chiếm nhiều điểm trong bài thi nhưng trên thực tế nó lại rất quan trọng.

 

Với ngoại ngữ, bạn chỉ cần phát âm sai là người nghe sẽ không thể hiểu được, đặc biệt là khi nói chuyện với người bản ngữ những hiểu nhầm này có thể sẽ dẫn đến những trường hợp “cười ra nước mắt”.

 

Đâu là những lỗi thường gặp khi các em học và làm bài thi phần này, thưa cô?

 

Với tiếng Việt chúng ta thường học các chữ cái rồi học đánh vần bằng cách ghép các chữ cái lại với nhau nên với người học có vẻ như giữa cách viết và cách phát âm có sự tương đồng. Tiếng Anh thì không như vậy. Một chữ cái có nhiều cách phát âm và một cách phát âm có thể thể hiện nhiều chữ cái khác nhau.

 

Đề thi sẽ đánh đố học sinh bằng cách cho 4 trường hợp viết giống hệt nhau nhưng trong đó có 1 từ có cách đọc khác; hoặc trong 4 từ đã cho có 1 trường hợp có cách viết khác 3 trường hợp còn lại. Học sinh cứ nghĩ là viết khác thì đọc cũng khác nhưng thực tế đấy chỉ là mẹo của người ra đề thôi. Các em phải đặc biệt lưu ý đối với những cái na ná như nhau này kẻo mắc sai lầm.

 

Vậy các em học sinh nên học thế nào để tránh được các lỗi sai này?

 

Các em không được áp dụng thói quen đọc tiếng Việt vào tiếng Anh. Mình cũng không khuyên các bạn đọc bừa vì suy luận kể cả với những người học tốt Tiếng Anh cũng chỉ có thể chính xác được 60 - 70% nên cách tốt nhất là các em học từ nào nên kiểm tra và ghi nhớ ngay phần nghĩa cũng như cách đọc của từ đó.

 

Các em nên tra từ điển với mỗi từ khi học chứ đừng đọc theo thói quen hoặc đọc một cách mang máng theo trí nhớ, theo cảm tính. Ban đầu có thể chưa quen thì các em nên nhờ thầy cô chỉ giúp cách đọc sao cho đúng.

 

Hãy nghe theo người đọc tiếng Anh đúng và luyện tập chăm chỉ. Tất nhiên trong đề thi có thể có những từ chưa bao giờ gặp nhưng số lượng đấy không nhiều, các em trước hết cứ cố gắng học những từ quen thuộc. Nếu có thời gian thì luyện thêm với những từ ít thông dụng hơn. Có như vậy khi làm bài thi mình mới không cảm thấy lúng túng và tránh được hiện tượng nhìn phương án nào cũng thấy đúng cả.

 

Cô có lời khuyên nào để các em làm bài thi phần này?

 

Cách kiểm tra tốt nhất là phải đọc từ đó lên, nhưng trong phòng thi phải tuyệt đối giữ im lặng. Vì vậy chỉ có một cách là kiểm tra bằng… trí tưởng tượng. Bạn thử nhẩm trong đầu về cách đọc của mỗi từ, có thể thử phóng đại 1 âm này, giảm thiểu âm kia đi sau đó so sánh, đối chiểu với cách đọc mình nhớ.

 

Với kiến thức không được chủ quan. Đừng lựa chọn theo cảm tính. Nhất là trong những kì thi quan trọng có tính chất quyết định như thế này thì các em càng cần phải cẩn thận hơn...

 

Theo Hoa Học Trò