Dấu ấn đặc biệt về mô hình "trường học - nông trại"
(Dân trí) - Khi học sinh đã mạnh dạn và tự tin thì việc đổi mới phương pháp dạy và học cũng trở thành giản đơn hơn. Với sự sáng tạo của giáo viên, mô hình “trường học - nông trại” đã tạo những dấu ấn đặc biệt trong việc rèn kỹ năng sống cho học sinh.
Rèn kỹ năng sống qua các mô hình thực tế
Về thăm trường tiểu học Bản Xen - một trường còn rất nhiều khó khăn của huyện Mường Khương (Lào Cai), nhiều người bất ngờ khi thấy xuất hiện trong khuôn viên trường là biển hiệu mang tên “Nông trại trường học”. “Nông trại” được quy hoạch khá rộng trong khuôn viên của vườn trường gồm: vườn rau, chuồng dê, chuồng gà, ngỗng, chuồng chim bồ câu cùng một ao cá rộng vài trăm m2. Chủ nhân của “nông trại” này không ai khác chính là các thầy, cô giáo và các em học sinh (HS) nhà trường.
Cô giáo Trần Thị Bình - Hiệu trưởng Trường tiểu học Bản Xen chia sẻ: “Mô hình “Trường học - Nông trại” được nhà trường triển khai áp dụng cách đây 3 năm. Ban đầu chỉ nhằm mục đích cải thiện bữa ăn hàng ngày cho giáo viên. Tuy nhiên sau khi trường được triển khai mô hình trường học mới thì “nông trại” đã thực sự phát huy hiệu quả rõ rệt. Đây chính là điều kiện để nhà trường dạy kỹ năng sống, nâng cao phẩm chất, năng lực cá nhân cho các em HS”.
Cũng theo cô Bình, từ “nông trại” này mà các em đã có những tiết học thực hành sinh động và bổ ích. Điều quan trọng, với mô hình này không chỉ đơn thuần giúp các em HS học tập mà còn là môi trường để các em được trải nghiệm thực tế; giúp các em từ chỗ biết lao động đến yêu lao động và yêu thiên nhiên, động vật bảo vệ môi trường.
Để chăm sóc “nông trại”, HS Trường tiểu học Bản Xen đều hồ hởi đến trường sớm để xắn tay áo làm những công việc như cho dê ăn, cắt cỏ cho cá, nhổ cỏ... Những công việc còn dở dang lúc buổi sáng sẽ được các em tiếp tục hoàn thiện trong giờ nghỉ trưa.
Chia sẻ với chúng tôi, em Nguyễn Hải Yến - học sinh lớp 5A1 tâm sự: “Sau giờ học, chúng em lại được vận dụng kỹ năng làm việc nhóm vào việc chăm sóc “nông trại”. Chúng em phân công nhau, người nhổ cỏ, người bắt sâu, người tưới nước cho rau. Bạn nào xong sớm sẽ sang hỗ trợ phần việc của bạn khác. Từ khi có “nông trại” chúng em rất vui và học được rất nhiều kỹ năng sống từ đây. Chúng em đoàn kết hơn, làm việc có tổ chức hơn và yêu ngôi trường này hơn”.
Chị Lương Thị Thủy - một phụ huynh có con học tại Trường tiểu học Bản Xen vui mừng tâm sự: “Từ khi được học mô hình trường mới, cháu nhà tôi đã mạnh dạn, tự tin, năng động hơn rất nhiều so với trước đây. Với việc nhà trường lại xây dựng cả mô hình “nông trại” nên ở nhà, cháu tự giác giúp đỡ bố mẹ theo công việc phù hợp với năng lực của mình. Cháu cũng biết vận dụng trong việc chăm sóc vật nuôi. Chẳng hạn như ở trường nuôi ngỗng, nuôi chim bồ câu thì về nhà cháu đã áp dụng vào việc nuôi gà, chăm đàn ngan, đàn vịt của gia đình”.
Sự lan tỏa trên cả mong đợi
Cô Trần Thị Bình cho biết, với việc xây dựng thành công một mô hình “nông trại” ngay trong trường học nên nhiều đơn vị bạn cũng đến thăm quan học hỏi. Thậm chí “nông trại” giờ đây giống như là một “khu du lịch” để HS khám phá và trau dồi kiến thức.
Đánh giá cao hiệu quả của mô hình dạy kỹ năng sống cho học sinh của Trường tiểu học Bản Xen, ông Nguyễn Hoàng Chiến - Trưởng phòng GD-ĐT huyện Mường Khương cho hay: “Mô hình “nông trại” ở Trường tiểu học Bản Xen đã có sức lan tỏa sâu rộng đến các trường khác. Đây chính là cơ sở thực tiễn để chúng tôi tiếp tục nhân rộng. Hiện nay, trên địa bàn huyện đã xuất hiện một vài mô hình tương tự như trên. Điển hình như: mô hình “vườn trường sinh thái”, mô hình “văn hóa truyền thống”… Các mô hình này cũng đã đạt được những kết quả ngoài sức mong đợi, tạo được hiệu ứng tích cực trong xã hội”
Khi được chúng tôi đặt câu hỏi: Vậy cần những yếu tố nào để xây dựng thành công mô hình này?
“Để mô hình đạt được hiệu quả như mong muốn thì yếu tố đầu tiên là phải lựa chọn mô hình sao cho phù hợp với đặc thù của địa phương. Ở trường chúng tôi không thể chọn mô hình về du lịch hay các hoạt động về kinh tế được mà nó chỉ phù hợp với đặc điểm của từng gia đình HS và rộng hơn là điều kiện kinh tế, xã hội của địa phương. Với đặc thù người dân ở địa phương chủ yếu là chăn nuôi trồng trọt nên trường đã quyết định lựa chọn mô hình hiện tại” - cô Bình chia sẻ.
Cũng theo cô Bình, để mô hình có sự kết nối lan tỏa thì cần phải biết phối kết hợp với chính quyền địa phương và các ban ngành đoàn thể. Đặc biệt cần phải thu hút sự tham gia của phụ huynh HS.
“Ở trường tiểu học Bản Xen, các loại cây con giống đều do cha mẹ HS mang đến tặng. Sau đó phụ huynh sẽ cùng với các thầy, cô giáo, con em mình trực tiếp làm, chăm sóc “nông trại”. Riêng khâu kỹ thuật nuôi trồng, chăm sóc, chúng tôi có cán bộ khuyến nông xã và huyện đến trợ giúp. Như vậy là cộng đồng cùng trách nhiệm” - cô Bình nói.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, không chỉ ở Trường tiểu học Bản Xen mà nhiều huyện khác của Lào Cai cũng đang đẩy mạnh việc rèn kĩ năng sống thông qua các mô hình cụ thể. Chẳng hạn như ở Trường tiểu học Tả Phìn (huyện Sa Pa) thì xây dựng mô hình trường học du lịch bởi ở đây có vị thế là nơi khách du lịch thường xuyên ghé thăm. Để có sự lan tỏa rộng trong toàn tỉnh, các trường triển khai thành công đều biên tập viết các tài tiệu nhằm giúp đỡ các trường bước đầu bắt tay vào thực hiện mô hình.
Nguyễn Hùng
Mọi thông tin, ý kiến đóng góp về giáo dục quý độc giả, có thể gửi đến Hộp thư Ban Giáo dục Dân trí theo địa chỉ: giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn! |